Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Ký hợp đồng BOT Nhiệt điện Duyên Hải 2
Thanh Hương - 31/12/2015 09:02
 
Bộ Công thương, đại diện cho Chính phủ Việt Nam vừa ký chính thức Hợp đồng BOT, cam kết bảo lãnh của Chính phủ với Tập đoàn Janakuasa (Malaysia) - nhà phát triển Dự án Nhiệt điện Duyên Hải 2 tại Trà Vinh.

Có quy mô vốn đầu tư 2,4 tỷ USD, bao gồm cả 10% dự phòng, Dự án Nhiệt điện Duyên Hải 2 được đầu tư theo hình thức xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT) đã nhận được giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 9/2015.

Theo kế hoạch, nhà đầu tư sẽ có 1 năm, kể từ khi ký hợp đồng BOT để hoàn tất việc thu xếp tài chính trước khi chính thức khởi công xây dựng. Dẫu vậy, phía Tập đoàn Janakuasa đang rất kỳ vọng hoàn tất công việc này sớm nhất để có thể khởi công xây dựng vào quý II/2016.

Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 2 sẽ được xây dựng trong Trung tâm Điện lực Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh)
Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 2 sẽ được xây dựng trong Trung tâm Điện lực Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh)

Đồng hành với Janakuasa tại Dự án BOT Nhiệt điện Duyên Hải 2 là Tập đoàn Alstom (Pháp) trong vai trò cung cấp thiết bị chính. Alstom cũng là thương hiệu được bảo chứng sau khi tham gia cung cấp thiết bị chính cho công trình Thủy điện Sơn La (2.400 MW), góp phần không nhỏ trong việc về đích sớm 3 năm so với kế hoạch đặt ra. Alstom hiện cũng đang cấp thiết bị chính cho Thủy điện Lai Châu (1.200 MW) - dự án có khả năng về đích sớm 1 năm so với mục tiêu đặt ra.

Ở thời điểm hiện tại, mảng kinh doanh năng lượng và truyền tải của Alstom đã được sáp nhập vào Tập đoàn General Electric (GE) của Mỹ sau khi thương vụ mua bán và sáp nhập trị giá 12,35 tỷ euro hoàn tất.

Dự án Nhiệt điện Duyên Hải 2 là một trong 4 nhà máy được đầu tư tại Trung tâm Điện lực Duyên Hải có tổng công suất trên 4.200 MW. Ba dự án còn lại gồm Nhiệt điện Duyên Hải 1, Duyên Hải 3 và Duyên Hải 3 mở rộng. Các dự án này đều được đầu tư bởi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Khi đi vào hoạt động, Trung tâm Điện lực Duyên Hải sẽ bổ sung cho hệ thống điện quốc gia khoảng 30 tỷ kWh điện hàng năm, giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo đảm cấp điện cho khu vực miền Nam giai đoạn 2015 - 2020 và sau năm 2020.

Như vậy, kể từ khi được chỉ định là nhà phát triển Dự án BOT Nhiệt điện Duyên Hải 2 vào năm 2009, thời gian mà Janakuasa đã đi qua để hoàn tất việc đàm phán các văn kiện liên quan của Dự án tới nay là gần 6 năm. Theo kế hoạch, Tổ máy số 1, Dự án BOT Nhiệt điện Duyên Hải 2 dự kiến đi vào vận hành trước năm 2020. Nếu tính từ khi được giao phát triển dự án tới khi đưa được Tổ máy 1 vào vận hành như dự tính, chủ đầu tư sẽ mất khoảng 11 năm - một khoảng thời gian được xem là rất dài.

Thực tế tại dự án này, hay tại các dự án điện BOT như Phú Mỹ 2.2, Phú Mỹ 3, Mông Dương 2 đã đi vào hoạt động cho thấy, quãng đường để thu hút vốn đầu tư tư nhân và vốn nước ngoài vào ngành điện còn lắm gian truân.

Hiện có không dưới 15 dự án điện BOT khác đang trong quá trình thương thảo các hợp đồng liên quan. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một chuyên gia đàm phán dự án BOT điện cho hay, dù có tới 6 dự án BOT điện đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, nhưng hàng loạt dự án BOT điện khác luôn gặp phải tình trạng vướng mắc trong đàm phán và phải xin ý kiến của các cơ quan liên quan và Chính phủ. Vì vậy, chẳng có dự án nào rút ngắn được thời gian đàm phán các hợp đồng liên quan để đẩy nhanh tiến độ triển khai.

Ngay cả Dự án BOT Nghi Sơn 2, công suất 2 x 600 MW, được lựa chọn chủ đầu tư phát triển dự án theo hình thức đấu thầu quốc tế, nhưng đến thời điểm này cũng mới “ngấp nghé” hoàn tất các hồ sơ liên quan.

Trước đó, Bộ Công thương và tư vấn quốc tế đã mất gần 3 năm để chuẩn bị trước khi chính thức phát hành hồ sơ mời thầu vào tháng 3/2011. Sau khi trở thành người thắng thầu vào tháng 3/2013, tổ hợp nhà đầu tư Marubeni/Kepco đã trình báo cáo nghiên cứu khả thi dự án vào tháng 11/2013. Từ đó tới nay, các công việc liên quan đến đàm phán dự án BOT Nghi Sơn 2 vẫn chưa chính thức kết thúc để chủ đầu tư có thể trình hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đầu tư lên cơ quan hữu trách.

Theo tính toán mới nhất của Bộ Công thương, trong quá trình xem xét, cập nhật tổng sơ đồ phát triển điện 7, tổng vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện giai đoạn 2016 - 2030 là 148 tỷ USD. Trong đó, giai đoạn 2016 - 2020 là khoảng 40 tỷ USD và tới 75% dành cho phát triển nguồn điện. Tuy nhiên, con số tính toán này lại không đề cập các nguồn điện BOT. Điều này có thể xuất phát từ thực tế triển khai khá dài của các dự án điện BOT.

Với thực tế nguồn huy động trong nước có những hạn chế nhất định, câu chuyện tăng tỷ lệ huy động vốn của khu vực tư nhân trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài vào ngành điện cũng đòi hỏi phải có thêm các giải pháp hữu hiệu, đặc biệt là vấn đề giá điện theo thị trường mới mong hiện thực hóa các kế hoạch được đề ra.

Đầu tư hơn 192 triệu USD xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Na Dương 2
Ngày 16/10, tại Lạng Sơn, Tổng Công ty Điện lực-Vinacomin thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã chính thức khởi công dự...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư