Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 21 tháng 11 năm 2024,
Kỷ lục xuất nhập khẩu 620 tỷ USD, sắp bằng cả năm 2021
Thế Hoàng - 24/10/2022 08:55
 
Tính đến ngày 21/10, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã đạt 620 tỷ USD, xuất siêu gần 8 tỷ USD, đây là một kỷ lục.
Được lợi nhờ giá tăng, xuất khẩu cà phê dự kiến đạt 4 tỷ USD vào cuối năm nay.
Được lợi nhờ giá tăng, xuất khẩu cà phê dự kiến đạt 4 tỷ USD vào cuối năm nay.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước tính đến 21/10/2022 đã đạt 620 tỷ USD, xuất siêu gần 8 tỷ USD, thông tin mới nhất từ Bộ Công thương.

Để đạt được những kết quả tốt trong phục hồi kinh tế, khôi phục sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu thời gian qua, theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, có hai nguyên nhân cơ bản đó là việc Việt Nam đã sớm kiểm soát được đại dịch Covid-19; xác định đúng thời điểm để mở cửa nền kinh tế.

Người đứng đầu ngành Công thương nhấn mạnh, Việt Nam đã có một hệ thống doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa có năng lực sản xuất và năng lực xuất khẩu tốt, trong bối cảnh thế giới đứt gãy nguồn cung cả về nguyên liệu và sản xuất, gây ra thiếu hụt các loại hàng hóa, Việt Nam đã mở cửa đúng lúc.

"Chúng ta đã tranh thủ được thị trường thế giới khan hiếm về hàng hóa và tranh thủ cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu. 9 tháng năm 2022, xuất nhập khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng cao so với cùng kỳ, đạt gần 558 tỷ USD", Bộ trưởng cho biết.

Trong đó, xuất khẩu đạt 282,3 tỷ USD, tăng 17,2%, gấp 2 lần so với mục tiêu của ngành (mục tiêu cả năm xuất khẩu tăng khoảng 8%). Cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu 6,76 tỷ USD (cùng kỳ nhập siêu 3,44 tỷ USD), góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, ổn định tỷ giá và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.

Tính đến 21/10, kim ngạch xuất nhập khẩu đã đạt khoảng 620 tỷ USD. Như vậy chỉ còn thiếu hơn 40 tỷ USD nữa là bằng số của năm 2021, đồng thời xuất siêu ghi nhận gần 8 tỷ USD, với 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, cao hơn so 2 mặt hàng so với cùng kỳ năm trước, tăng trưởng tập trung ở mặt hàng Việt Nam có thế mạnh và khai thác tốt các FTA như: Hàng dệt may (tăng 24%) và da giày (tăng 36%).

Một số mặt hàng tranh thủ được giá cao để đẩy mạnh xuất khẩu phải kể đến như: hóa chất, sản phẩm chất dẻo, phân bón, thép... Các doanh nghiệp đang khai thác rất hiệu quả lợi thế từ các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu; Thị trường truyền thống được khai thác triệt để, mở thêm các thị trường mới.

Xuất khẩu tăng trưởng cao, xuất siêu ấn tượng nhưng Bộ trưởng Công thương cho rằng: "Xuất khẩu tăng trưởng cao nhưng chưa thật sự bền vững do còn thiếu sự cân đối về cơ cấu thị trường, cơ cấu hàng hoá xuất khẩu và cơ cấu chủ thể xuất khẩu. Cụ thể, xuất khẩu vẫn phụ thuộc vào khu vực FDI (chiếm hơn 74%), tốc độ đa dạng hoá thị trường ở một số sản phẩm (như rau quả) còn chậm nên chưa có khả năng đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng của các thị trường và các ưu đãi thuế quan từ các FTA đã ký kết".

Đơn cử, 9 tháng năm 2022, xuất khẩu rau quả của Việt Nam chỉ đạt 2,45 tỷ USD, giảm hơn 11% so với cùng kỳ. Dù xuất khẩu rau quả sang nhiều thị trường như: Mỹ, Nhật Bản, EU… tăng mạnh, có thị trường tăng tới 100%, tuy nhiên, do thị trường Trung Quốc giảm mạnh nhập khẩu đã kéo kim ngạch xuất khẩu toàn ngành rau quả đi xuống và dự kiến cả năm 2022 sẽ không đạt mục tiêu.

Ngoài ra, xuất nhập khẩu còn phụ thuộc một số thị trường lớn, tiềm ẩn rủi ro, năng lực xuất khẩu của các doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn chưa cao”.

Bộ trưởng đưa ra giải pháp: cần tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường quản lý nhập khẩu phù hợp, bảo đảm cán cân thương mại hài hòa, bền vững; thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch gắn với tái cơ cấu ngành hàng và xây dựng thương hiệu. Đối với sản phẩm nông sản phải tìm hiểu, đáp ứng được yêu cầu tại các thị trường, hướng tới xuất khẩu chính ngạch. 

“Nếu xuất khẩu chính ngạch thì trong mọi tình huống không lo bị thiệt hại. Đồng thời, tập trung đẩy mạnh khai thác các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, phát huy tốt vai trò hệ thống cơ quan thương vụ nước ngoài, cảnh báo sớm nguy cơ các vụ kiện phòng vệ thương mại để các doanh nghiệp có thông tin xây dựng kế hoạch sản xuất, xuất khẩu có hiệu quả”,  Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Trong Báo cáo Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch năm 2022, dự kiến năm 2023 của Bộ Công thương trước đó cho hay, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả năm 2022 ước đạt khoảng 368 tỷ USD, tăng khoảng 9,46% so với năm 2021, vượt mục tiêu Chính phủ giao (khoảng 8%); nhập khẩu đạt khoảng 367 tỷ USD. Dự kiến năm 2022, cán cân thương mại xuất siêu khoảng 1 tỷ USD, đạt mục tiêu kế hoạch.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư