Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
“Kỷ nguyên vàng” của quỹ đầu tư crypto
Anh Hoa - 24/08/2022 09:08
 
Mặc dù đỉnh điểm cơn sốt đầu tư tiền điện tử (crypto) có thể đã đi qua, nhưng cảm giác “bất khả chiến bại” vẫn còn ở các nhà đầu tư vì sự biến động không ngừng của công nghệ.
Đang có một dòng tiền lớn được đưa vào thị trường crypto.



Niềm tin mạnh mẽ

Sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới Binance đang tung ra quỹ đầu tư mạo hiểm của riêng mình là Binance Labs. Quỹ này đã huy động được 500 triệu USD cho quỹ đầu tư vào start-up đầu tiên của mình, chủ yếu nhằm đầu tư vào Web3. Quỹ từng rót vốn vào Forbes, Sky Mavis, Terraform Labs...

Quỹ mới của Binance có sự tham gia của DST Global và Breyer Capital, cũng như một số nhà đầu tư giấu tên khác. Động thái của Binance diễn ra sau khi Andreessen Horowitz (A16z) công bố một quỹ đầu tư crypto trị giá 4,5 tỷ USD để đầu tư vào các start-up tiền điện tử.

A16z tin rằng, tài sản bằng tiền điện tử đang bước vào “kỷ nguyên vàng”. Đây là quỹ thứ tư của A16z tập trung vào crypto. Trong số 4,5 tỷ USD, A16z sẽ chi 1,5 tỷ USD cho các khoản đầu tư hạt giống, phần còn lại sẽ được phân bổ cho các khoản đầu tư mạo hiểm. Tổng cộng, Quỹ đã huy động được 7,6 tỷ USD để xây dựng quỹ tiền điện tử.

A16z đã đầu tư vào crypto kể từ năm 2013, với thương vụ đầu tư vào sàn giao dịch tiền điện tử phổ biến Coinbase. A16z nổi tiếng với việc đặt cược sớm vào các công ty như Lyft, Pinterest và Slack. Trong không gian crypto, họ cũng hỗ trợ một số dự án gồm Avalanche, Solana, OpenSea và Yuga Labs. Đầu năm nay, A16z đã đầu tư vào nền tảng staking phi tập trung Lido.

Trở lại với Binance Labs, quỹ mới huy động vốn này có kế hoạch sử dụng vốn để đầu tư vào các công ty xây dựng Web3. Mặc dù vẫn là một thuật ngữ chưa được xác định rõ ràng, nhưng Web3 đề cập sự lặp lại giả định trong tương lai của Internet phi tập trung hơn các nền tảng trực tuyến ngày nay và kết hợp với blockchain, sổ cái kỹ thuật số được chia sẻ đằng sau đa số những đồng tiền điện tử chính trên thị trường.

Việc ra mắt quỹ mới của Binance diễn ra vào thời điểm Bitcoin và các loại tiền crypto khác đang lao dốc tới 50% so với cuối năm 2021. Các nhà đầu tư lo ngại rằng, tình trạng hiện tại có thể ảnh hưởng tới các start-up về crypto trong thời gian tới.

Theo ông Ken Li, Trưởng bộ phận về đầu tư và mua bán, sáp nhập (M&A) của Binance Labs, dù các công ty khởi nghiệp được định giá từ 1 tỷ USD trở lên (kỳ lân) đang chậm lại, nhưng các quỹ vẫn thấy không có vấn đề gì với các start-up ở giai đoạn đầu.

Binance Labs hy vọng sẽ tận dụng được sự lao dốc gần đây của crypto để tìm kiếm những người sáng lập đang xây dựng thứ mà họ coi là điều lớn lao tiếp theo trong lĩnh vực công nghệ. Các khoản đặt cược của quỹ đầu tư này sẽ được chia thành vốn cho các vòng tiền hạt giống (pre-seed), giai đoạn đầu và tăng trưởng (early-stage and growth), cũng như để đầu tư vào mã thông báo (token) cùng cổ phiếu.

Ông Ken Li tiết lộ, Binance Labs đang tìm kiếm các dự án có tiềm năng thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái Web3. Các dự án như vậy có thể bao gồm hạ tầng, NFT và các tổ chức phi tập trung. Binance ước tính có khoảng 300.000 - 500.000 nhà phát triển Web3 đang hoạt động. Con số này sẽ tiếp tục tăng lên trong tương lai gần.

Dẫu biết ngành công nghiệp này còn non trẻ, đầu tư vào giai đoạn đầu tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhưng Binance Labs luôn có niềm tin mạnh mẽ vào chiến lược đầu tư của mình. Binance cũng đang có kế hoạch mua lại số lượng cổ phiếu Twitter trị giá 500 triệu USD để hỗ trợ nỗ lực của tỷ phú Elon Musk trong việc thâu tóm nền tảng truyền thông mạng xã hội này, một động thái mà Công ty hy vọng sẽ thúc đẩy mục tiêu “đưa mạng xã hội và Web3 xích lại gần nhau”.

“Ngồi trên đống lửa”

Hồi đầu năm, ông Changpeng Zhao (CZ), CEO Binance công bố đã chuẩn bị hàng tỷ USD sẵn sàng đầu tư vào Web3. Nhưng ông cho rằng, sẽ mất thời gian để biến Web3 thành hiện thực, bởi không ai biết chính xác Web3 sẽ hình thành như thế nào.

Những diễn biến trên cho thấy, đang có một dòng tiền lớn được đưa vào thị trường crypto, với các dự án tập trung ở thị trường Ấn Độ và Đông Nam Á. Đây là hai khu vực ngày càng thu hút sự chú ý với nhiều dự án và ý tưởng nổi bật. Tuy nhiên, cũng có những rủi ro khiến các nhà đầu tư rơi vào thế “ngồi trên đống lửa”.

Đầu tháng 7, quỹ đầu cơ tiền số hàng đầu thế giới Three Arrows Capital (3AC) có trụ sở tại Singapore bất ngờ đệ đơn xin phá sản lên Tòa án Liên bang Manhattan (Mỹ) khiến nhà đầu tư nháo nhào. Động thái của 3AC diễn ra sau khi tòa án tại quần đảo Virgin (Anh) ra lệnh thanh lý tài sản khi Quỹ không còn khả năng thanh toán nợ.

Quỹ 3AC được thành lập năm 2012, nổi lên với nhiều thương vụ đầu tư giá trị lớn vào tài sản kỹ thuật số. Năm 2021, Quỹ còn gây sốc khi mua gần 39 triệu cổ phiếu do Grayscale Bitcoin Trust (GBTC) phát hành - số cổ phiếu này thời điểm đó có giá 1,3 tỷ USD Bitcoin. Đây là thương vụ mua tiền số lớn nhất từng được ghi nhận.

Hồi đầu năm 2022, Quỹ Three Arrows Capital còn công bố đang quản lý khoảng 10 tỷ USD tài sản. Thế nên, việc họ tuyên bố vỡ nợ trong bối cảnh hiện nay đã đẩy cuộc khủng hoảng thanh khoản trong hệ sinh thái tiền điện tử thêm sâu sắc.

Sự sụp đổ của 3AC đã dẫn đến sự sụp đổ của nhiều công ty khác trong không gian tiền số, đặc biệt là những đơn vị mà quỹ đầu cơ này đã vay với số tiền khổng lồ. Đơn cử, Sàn giao dịch Voyager Digital đang nắm giữ 685 triệu USD tài sản tiền số, đã phải gánh chịu hậu quả sau khi 3AC không trả được nợ.

Trước đó, sự sụp đổ của terraUSD (UST) cũng đã làm rung chuyển niềm tin trong lĩnh vực tiền điện tử và đẩy nhanh đà trượt giá của các loại tiền kỹ thuật số. Những sự cố này những tưởng sẽ gây ra sự sợ hãi của các nhà đầu tư. Ngành công nghiệp Crypto được xây dựng một phần dựa trên sự sôi nổi, nhiệt tình và lạc quan. Vậy nên, bất chấp những điều đó, cộng đồng đầu tư Crypto ngày càng lớn mạnh.

Với kinh nghiệm điều hành Kardia Ventures, quỹ đầu tư crypto thứ 3 thế giới về số lượng công ty rót vốn, sau Houbi Ventures và CoinBase Ventures và đứng thứ 9 trong Bảng xếp hạng chất lượng quỹ của CB Insights, ông Huy Nguyễn, đồng sáng lập Công ty KardiaChain chia sẻ, thị trường crypto đi nhanh hơn thị trường truyền thống từ 6 - 7 lần. Chính vì vậy, việc đầu tư của quỹ crypto cũng khác biệt rất nhiều.

Theo giới đầu tư, một quỹ chuyên đầu tư của crypto sẽ đầu tư bằng những loại tiền chuyên biệt như Ethereum (ETH), USDT và Quỹ cũng sẽ nhận về token hoặc coin của chính dự án đó, thay vì cổ phần. Số tiền đầu tư cho một dự án cũng sẽ nhỏ hơn khá nhiều so với các vòng gọi vốn của start-up truyền thống, phổ biến khoảng 10.000 - 200.000 USD.

Ngoài ý tưởng, các quỹ sẽ yêu cầu các start-up phải có ít nhất là sản phẩm demo và chứng minh nó chạy được trên nền tảng blockchain đó. Trong thị trường crypto, các quỹ sẽ không mong đợi rằng, dự án được đầu tư sẽ tăng trưởng trong 2 - 3 năm rồi mới bắt đầu lấy lại tiền đầu tư. Thay vào đó, thị trường sẽ đi theo xu hướng nhiều hơn, nếu đầu tư đúng, có thể nhận số tiền gấp 10, 100 lần chỉ trong thời gian ngắn hơn rất nhiều.

Theo dữ liệu từ Công ty thanh toán tiền mã hóa Triple A, có khoảng 6 triệu người Việt Nam sở hữu tài sản kỹ thuật số, tương đương 6% dân số. Việt Nam đang đứng thứ 9 trên Bảng xếp hạng các quốc gia có tỷ lệ người dùng nắm giữ tiền crypto nhiều nhất thế giới. Cộng với sự thành công của Sky Mavis với tựa game Axie Infinity, hàng loạt start-up làm GameFi của Việt Nam đua nhau ra đời.

Trong số đó, có rất nhiều nhà khởi nghiệp tại Việt Nam và trong khu vực châu Á đang cố gắng huy động vốn bằng token, thay vì bán cổ phần. Theo Changpeng Zhao, CEO Binance, việc huy động tiền mặt qua bán token sẽ dễ hơn nhiều so với bán cổ phần. Mặc dù vốn cổ phần cũng có một số lợi ích nhất định trong ngành kinh doanh B2B, nhưng start-up trong ngành B2C phát triển trong không gian blockchain, thì bán token sẽ dễ dàng hơn. 

“Với công nghệ mới này, dưới góc độ của nhà sáng lập, việc sử dụng token sẽ dễ dàng hơn nhiều. Bạn sẽ kiếm được nhiều tiền hơn, mà vẫn giữ được nhiều quyền tự do trong điều hành doanh nghiệp do mình sáng lập. Đồng thời, bạn phải giữ tiêu chuẩn đạo đức của mình cao hơn, vì có hàng ngàn, hàng chục ngàn hay hàng triệu, hàng trăm triệu người phải trả giá cho lỗi lầm của bạn. Nó cũng ảnh hưởng đến danh tiếng của bạn và hàng triệu người dùng khác. Nếu bạn biết cách, bạn có đủ uy tín và làm việc có đạo đức, thì việc gia tăng token sẽ rất dễ dàng”, CEO Binance khẳng định với cộng đồng đầu tư crypto tại Việt Nam mới đây.

Theo Báo cáo thị trường gọi vốn crypto nửa đầu năm 2022 từ website của Dovemetrics và Team Coin98 Insights, trong 6 tháng đầu năm 2022, có 1.120 thương vụ gọi vốn được công bố, với hơn 28,8 tỷ USD tổng giá trị các khoản đầu tư vào thị trường tiền điện tử crypto. So với cùng kỳ năm 2021, số lượng vòng gọi vốn tăng gấp đôi và giá trị các vòng gọi vốn gần gấp 3 lần.

Cùng với blockchain, lĩnh vực GameFi, NFT và Metaverse đã nhận được rất nhiều khoản đầu tư ở giai đoạn sớm. Số lượng các thương vụ ở trong danh mục GameFi, NFT và Metaverse là 309 thương vụ (chiếm 27% tổng số các thương vụ), trong khi giá trị của các lần gọi vốn đó là 5,4 tỷ USD (20% tổng giá trị thị trường gọi vốn).

Trong khi đó, DeFi đang nhận được ít sự quan tâm và tiền từ các quỹ và các nhà đầu tư lớn, dù đây là hạng mục thu hút nhất trong năm 2021. Quy mô trung bình của mỗi vòng đầu tư trong danh mục DeFi là khoảng 10 triệu USD, thấp hơn nhiều so với toàn thị trường nói chung (khoảng 25 triệu USD) và của CeFi nói riêng (50 triệu USD). Tổng giá trị gọi vốn ở danh mục DeFi là 2,4 tỷ USD, với 229 khoản đầu tư, lần lượt chiếm 9% và 20% tổng số thị trường gây quỹ.
Nguyễn Thành Trung, nhà sáng lập Sky Mavis: Thay đổi “bộ mặt” thế giới tiền mã hóa
Khởi đầu cho làn sóng game kiếm tiền - “play to earn”, Nguyễn Thành Trung thực sự mang tới một trào lưu thú vị và đã làm thay đổi “bộ mặt”...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư