Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Kỳ vọng các cam kết mới sau khoản đầu tư của AES
Nguyên Đức - 17/11/2019 14:21
 
AES - tập đoàn năng lượng hàng đầu của Mỹ - đã tiến thêm một bước tại thị trường Việt Nam, khi ký Biên bản ghi nhớ về việc triển khai Nhà máy Điện khí Sơn Mỹ 2, công suất 2,2 GW, tại tỉnh Bình Thuận, vốn đầu tư 1,7 tỷ USD.
Dự án Nhiệt điện Mông Dương 2 do AES cùng hai nhà đầu tư nước ngoài khác phát triển.
Dự án Nhiệt điện Mông Dương 2 do AES cùng hai nhà đầu tư nước ngoài khác phát triển.

Ông lớn gửi thêm “chân”

Cuối tuần trước, Tập đoàn AES đã chính thức kết Biên bản ghi nhớ với Bộ Công thương về việc triển khai thực hiện Nhà máy Điện khí Sơn Mỹ 2 tại tỉnh Bình Thuận.

Dự án có quy mô 2,2 GW, vốn đầu tư dự kiến 1,7 tỷ USD này trên thực tế đã được Chính phủ chấp thuận giao AES từ hồi tháng 9/2019. Đích thân Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã trao văn bản chấp thuận của Chính phủ cho ông Andrés Gluski, Chủ tịch AES trong một sự kiện diễn ra tại Mỹ vào ngày 30/9 vừa qua. Và nay, thỏa thuận chính thức đã được ký kết giữa hai bên.

“Biên bản ghi nhớ này là một cột mốc quan trọng đối với quá trình phát triển Nhà máy Sơn Mỹ 2, dự án mà chúng tôi tin là sẽ giúp chuyển đổi ngành năng lượng tại Việt Nam”, ông Mark Green, Chủ tịch AES khu vực châu Á - châu Âu nói.

Còn ông David Stone, Giám đốc điều hành của AES Việt Nam thì cho biết, biên bản ghi nhớ này đã định rõ tiến độ tổng thể của Dự án, qua đó sẽ giúp AES triển khai các bước tiếp theo của dự án quan trọng này.

Thông tin chi tiết chưa được tiết lộ, song theo kế hoạch sơ bộ, Điện khí Sơn Mỹ 2 sẽ có thời hạn hợp đồng với Chính phủ Việt Nam là 20 năm, dự kiến đóng tài chính vào năm 2021 và bắt đầu vận hành thương mại năm 2024. Điều đó có nghĩa, sau khi biên bản ghi nhớ được ký kết, AES sẽ phải rất nhanh chân thì mới kịp thời triển khai các thủ tục và các bước đi tiếp theo cho Dự án.

Ngoài Điện khí Sơn Mỹ 2, AES cũng sẽ đầu tư Kho cảng nhập khí hóa lỏng (LNG) Sơn Mỹ, với tổng vốn đầu tư dự kiến 1,4 tỷ USD. Dự án này cũng đã được Chính phủ Việt Nam chấp thuận từ tháng 8/2019.

Như vậy, tổng ngân khoản cho kế hoạch đầu tư vào hạ tầng khí đốt tại Việt Nam của AES sẽ lên tới 3,1 tỷ USD, một con số không nhỏ nếu so với tổng vốn đầu tư 9,26 tỷ USD mà các doanh nghiệp Mỹ đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam trong suốt 30 năm qua. Đóng góp vào số vốn đầu tư trên 9 tỷ USD này, cũng cần phải nhấn mạnh là có công sức không nhỏ của AES.

AES đã cùng với Posco Energy (Hàn Quốc) và China Investment Corporation (Trung Quốc) phát triển Dự án Nhiệt điện Mông Dương 2, công suất 1.200 MW, vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD. Dự án này đã hoàn thành và được đưa vào vận hành thương mại từ tháng 4/2015.

Đầu tư vào Dự án Điện khí Sơn Mỹ 2, AES sẽ gửi thêm “chân” vào thị trường Việt Nam. Nếu mọi kế hoạch đầu tư của AES hoàn tất, tập đoàn này có thể trở thành nhà đầu tư Mỹ lớn nhất tại Việt Nam.

Những bước đi mới

Có thể nói, sự kiện AES ký Biên bản ghi nhớ triển khai Dự án Điện khí Sơn Mỹ 2 đã mở ra những cơ hội hợp tác mới trong đầu tư của Mỹ vào Việt Nam. Đã từ rất lâu, các nhà đầu tư Mỹ chưa đầu tư vào Việt Nam một dự án lớn như vậy.

Biên bản ghi nhớ này là một cột mốc quan trọng đối với quá trình phát triển Nhà máy Sơn Mỹ 2, dự án mà chúng tôi tin là sẽ giúp chuyển đổi ngành năng lượng tại Việt Nam”.

- Ông Mark Green, Chủ tịch AES khu vực châu Á - châu Âu

Chính ông David Stone cũng đã nhấn mạnh rằng, biên bản ghi nhớ mà AES vừa ký là “trường hợp mới nhất” cho thấy hoạt động kinh tế của các công ty Mỹ ở Việt Nam.

Nếu các dự án của AES được cấp chứng nhận đầu tư, có thể sẽ có sự thay đổi trong “bảng tổng sắp” các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư lớn vào Việt Nam.

Ở một khía cạnh khác, việc AES, một tập đoàn năng lượng nằm trong Top 500 tập đoàn năng lượng lớn nhất toàn cầu của Fortune (với doanh thu năm 2018 đạt 11 tỷ USD và đang sở hữu cũng như quản lý tổng tài sản trị giá 33 tỷ USD), đầu tư dự án mới tại Việt Nam cũng sẽ đánh dấu bước phát triển mới của lĩnh vực điện khí tại Việt Nam.

Điều này càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhòm ngó các dự án điện khí ở Việt Nam, song chưa dự án nào trở thành hiện thực. Thậm chí, còn có hiện tượng có nhà đầu tư “có vấn đề” về năng lực tài chính cũng đăng ký đầu tư dự án hàng tỷ USD.

AES, với kinh nghiệm và năng lực tài chính của mình, có thể sẽ làm được điều mà họ đã từng làm đối với Dự án Nhiệt điện Mông Dương 2, rất nhanh chóng triển khai và đưa vào hoạt động từ năm 2015. Cùng thời điểm triển khai với Nhiệt điện Mông Dương 2, nhưng hiện tại, Nhiệt điện BOT Hải Dương vẫn rất trì trệ.

Một thông tin tích cực khác liên quan đến lĩnh vực điện khí là đầu tháng 11/2019, ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đã ký thỏa thuận với bà Porntipa Chinvetkitvanit - Chủ tịch, CEO Tập đoàn GULF (Thái Lan) về việc hợp tác, nghiên cứu xây dựng Dự án Điện khí Cà Ná, cũng như đầu tư hạ tầng cảng nhập khẩu LNG tại Ninh Thuận.

Dự án này từng được GULF đề xuất vốn đầu tư lên tới 9,8 tỷ USD.

Tập đoàn AES chính thức tham gia Dự án Nhà máy điện Sơn Mỹ 2
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã trao văn bản của Bộ Công thương thông báo việc Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao Tập đoàn AES làm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư