Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 15 tháng 09 năm 2024,
Kỳ vọng đón sóng đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam
Thanh Huyền - 11/12/2023 08:11
 
Việt Nam được đánh giá sẽ trở thành điểm đến của nhà đầu tư Trung Quốc trong thời gian tới, khi lĩnh vực đầu tư ngày càng đa dạng, như năng lượng, phát triển xanh, kinh tế số…
Trung Quốc hiện đứng thứ 6 trong tổng số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam.  Ảnh: Đ.T

Tăng tốc đầu tư vào Việt Nam

Từ đầu năm 2023 đến nay, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt là các doanh nghiệp có khả năng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đã tăng cường khảo sát đầu tư tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam.

Đáng chú ý là, Tập đoàn Wingtech, nhà lắp ráp điện thoại thông minh lớn nhất Trung Quốc cam kết sẽ tiếp tục khảo sát và lựa chọn đầu tư tại tỉnh Phú Thọ; Tập đoàn Goertek Trung Quốc vừa đầu tư thêm một dự án mới với vốn đầu tư 280 triệu USD và mở rộng một dự án đang hoạt động tại tỉnh Bắc Ninh. Hay Tập đoàn BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc, cũng đã đầu tư dự án về linh kiện ô tô tại tỉnh Phú Thọ, với tổng vốn đầu tư 269 triệu USD…

Theo ông Đỗ Văn Sử, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 5 năm qua, Trung Quốc luôn là một trong những quốc gia có vốn đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Trong 11 tháng năm 2023, Trung Quốc đầu tư 3,96 tỷ USD vào Việt Nam, đứng thứ 4 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Lũy kế đến nay, các nhà đầu tư Trung Quốc đã đầu tư vào Việt Nam 4.161 dự án, với tổng vốn đăng ký trên 27 tỷ USD, đứng thứ 6 trong tổng số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam.

Đánh giá Trung Quốc đang chứng minh là một nhà đầu tư với tiềm lực vô cùng lớn, GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết, không chỉ Việt Nam, các nhà đầu tư Trung Quốc đã đầu tư sang nhiều nước trên thế giới, trong đó, những nền kinh tế lớn như Mỹ hay EU đều muốn thu hút và tận dụng nguồn vốn đầu tư này.

Theo ghi nhận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam đã có sự thay đổi đáng kể trong những năm gần đây, với đa dạng ngành nghề và lĩnh vực. Theo đó, bên cạnh việc đầu tư vào các lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, hàng tiêu dùng…, thời gian qua, các nhà đầu tư Trung Quốc đã mở rộng sang các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo như điện, điện tử, sản xuất lốp, dệt may, da giày… Việc này đóng góp quan trọng vào ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.

Bên cạnh đó, trao đổi tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Thương mại Trung Quốc mới đây, bà Thúc Giác Đình, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, hợp tác đầu tư giữa Trung Quốc và Việt Nam trong các lĩnh vực như phát triển xanh, kinh tế số không ngừng phát triển và trở thành điểm tăng trưởng mới cho hợp tác đầu tư giữa hai nước.

Chờ đón những dự án lớn

Với những tiềm năng trong quan hệ hợp tác kinh tế, đầu tư, theo dự báo của các chuyên gia, sẽ có thêm nhiều khoản đầu tư lớn nữa từ Trung Quốc vào Việt Nam. “Không chỉ năm 2023, mà từ nay đến năm 2025 và dài hơn, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến của nhà đầu tư Trung Quốc. Trung Quốc không thể bỏ lỡ các cơ hội đầu tư sang Việt Nam nhằm tận dụng các đối tác xuất khẩu thuận lợi để giao thương hàng hoá”, GS-TSKH Nguyễn Mại nói.

Bên cạnh việc đầu tư vào các lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, hàng tiêu dùng…, thời gian qua, các nhà đầu tư Trung Quốc đã mở rộng sang các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo như điện, điện tử, sản xuất lốp, dệt may, da giày… Việc này đóng góp quan trọng vào ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.

Tại cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhân chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Thủ tướng hồi tháng 6/2023, lãnh đạo các tập đoàn kinh tế của Trung Quốc như Hong Tian Zhu, Chủ tịch Tập đoàn Texhong; Song Hailiang, Chủ tịch Tập đoàn Energy China; Jiang Bin, Chủ tịch Tập đoàn Goertek… đánh giá cao và tin tưởng vào sự phát triển năng động của Việt Nam, đồng thời bày tỏ mong muốn mở rộng sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.

Lãnh đạo các doanh nghiệp này cho biết, họ đã sản xuất, kinh doanh hiệu quả và mong muốn tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong một số lĩnh vực như năng lượng, hạ tầng khu công nghiệp, nhà ở xã hội, bến cảng thủy nội địa, sản xuất ô tô, nghiên cứu phát triển, xây dựng chuỗi cung ứng tại Việt Nam...

Lý giải nguyên nhân Việt Nam thu hút các doanh nghiệp Trung Quốc, ông John Campbell, Phó giám đốc Bộ phận Dịch vụ công nghiệp (Savills Việt Nam) cho rằng, Việt Nam có vị trí tiếp giáp Trung Quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu thô và dây chuyền sản xuất. Thêm vào đó, mức độ hội nhập kinh tế cao của Việt Nam tạo cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam mở rộng sự hiện diện trên thị trường. Ngoài ra, Việt Nam sở hữu lực lượng lao động dồi dào, bao gồm lực lượng lao động có tay nghề cao, kèm chi phí lao động cạnh tranh.

Quyết tâm mở rộng kinh doanh, tăng cường đầu tư vào Việt Nam của các doanh nghiệp Trung Quốc đã được khẳng định bằng cam kết chính trị, khi tại Phiên họp lần thứ 15, Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc ngày đầu tháng 12 - diễn ra trước thềm chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình (từ ngày 12 đến 13/12), hai bên đã nhất trí tăng cường đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam trong các lĩnh vực sử dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường; tiếp tục áp dụng các biện pháp hiệu quả, thực chất để thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư phát triển bền vững, lành mạnh.

Đây là cơ sở để tin tưởng rằng, hợp tác kinh tế, đầu tư sẽ tiếp tục góp phần đưa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc phát triển tích cực trong thời gian tới.

Ứng xử với vốn đầu tư từ Trung Quốc
Sự hiện diện của vốn Trung Quốc ở Việt Nam là rõ ràng, nhưng nếu mổ xẻ kỹ, thì dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) không phải là...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư