Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Kỳ vọng du lịch là đòn bẩy thúc đẩy nền kinh tế
Hải Hà - 06/12/2018 22:55
 
Kết thúc diễn đàn Diễn đàn cấp cao Du lịch Việt Nam 2018 sáng nay, 6/12, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã đặt kỳ vọng ngành du lịch sẽ là ngành tiên phong kéo nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh.
.
Để trở thành ngành tiên phong kéo sự phát triển các nền kinh tế khác, ngành du lịch cần giải quyết các vấn đề nội tại để phát triển chất lượng, trong đó, số hóa là một trong những giải pháp có thể giúp ích lớn cho ngành phát triển nhanh.

Phó Thủ tướng cũng đặt câu hỏi cho những người làm du lịch “Người làm du lịch ngoài nỗ lực làm tốt trách nhiệm của mình có nhận trách nhiệm kéo đẩy, tiên phong đi trước không?”

Phó thủ tướng lấy ví dụ loại hình du lịch nông nghiệp đang thu hút khá nhiều khách quốc tế. Nếu mô hình này được nhân rộng sẽ giúp người dân chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sạch, do đó, rất có thể ngành xuất khẩu nông sản của Việt Nam sẽ được hưởng lợi. 

Trước những lo ngại  về nguồn tài chính cho  xúc tiến, quảng bá du lịch, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng, trong 10 năm nữa, Việt Nam cũng khó có 50 triệu USD để xúc tiến, quảng bá du lịch và lời giải cho việc sử dụng vài triệu USD vẫn quảng bá tốt theo Phó thủ tướng chỉ có thể làm bằng công nghệ.

Cùng với đó, thông điệp được Phó thủ tướng nhấn mạnh nhiều nhất là làm sao  khách du lịch sẵn sàng chi trả cao hơn khi đến du lịch Việt Nam. 

Thông điệp này được đưa ra xuất phát từ thực tế, khách quốc tế đến Việt Nam có sự tăng trưởng ấn tượng trong ba năm qua, từ 8 triệu lượt năm 2015 lên hơn 14 triệu lượt tính đến tháng 11/2018. Tuy nhiên, con số này được nhận định vẫn còn khá khiêm tốn so với các nước khác trong khu vực và doanh thu từ khách quốc tế chưa cao.

Cụ thể, năm 2017, Việt Nam thu về 8,3 tỷ USD từ khách quốc tế, nhưng số này ở Indonesia là 12,6 tỷ USD; Singapore là 18,4 tỷ USD, Thái Lan là 52,5 tỷ USD. Điều đó không chỉ do lượng khách quốc tế đến Việt Nam ít hơn các nước trong khu vực, mà còn bởi chi tiêu của khách trong mỗi chuyến đi cũng tiết kiệm hơn.

Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch các nước, mỗi chuyến du lịch, khách đến Việt Nam chi tiêu trung bình khoảng 900 USD. Nhưng mức chi tiêu của khách tại Indonesia là 1.109 USD, Singapore là 1.105 USD, tại Thái Lan là 1.565 USD.

Phát biểu tại diễn đàn này sáng nay, 6/12, ông John Lindquist, Cố vấn cấp cao BCG, thành viên hội đồng cơ quan du lịch Vương quốc Anh cũng nêu ra con số thực tế khiến khá nhiều người làm du lịch băn khoăn, đó là khách quốc tế đến Việt Nam trung bình ở lại 9,5 ngày trong khi ở Thái Lan là 9,6 ngày.

Điều đáng nói là lượng ngày không chênh lệch nhiều nhưng số tiền chi tiêu của khách đến Việt Nam chỉ là 96 USD/ngày, trong khi ở Thái Lan là 163 USD/ngày. Mức chi của khách đến Indonesia, Singapore cũng cao hơn, lần lượt là 132 USD và 325 USD.

Do vậy, để tạo đà cho ngành du lịch phát triển, Phó thủ tướng cũng cho biết, thời gian tới, ngành du lịch thông minh sẽ chính thức được phát động với thông điệp đơn giản kêu gọi sự phối hợp từ Chính phủ, người dân và doanh nghiệp cùng nhau phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh làm đòn bẩy cho du lịch phát triển theo hướng thực sự chất lượng.

Đây cũng là giải pháp mà ông James A.Kaplan, Phó chủ tịch cấp cao Tập đoàn Minor đưa ra nhằm thúc đẩy sự phát triển cho du lịch Việt Nam.

"Để thành công trong việc tăng lượt khách đến thì các yếu tố về cơ sở hạ tầng, công suất sân bay, nhân lực... cũng là những yếu tố đóng vai trò quan trọng. Ngoài ra, Việt Nam cần tham gia vào kỷ nguyên số cùng khu vực tư nhân, thông qua giải pháp số, dữ liệu nhân tạo, big data để tiếp cận hàng triệu nhóm khách hàng, trong đó, Chính phủ cần xem xét đến giải pháp số, marketing số để thúc đẩy Việt Nam làm điểm đến hấp dẫn”, ông James nói.

[Infographic] Vai trò của các nền kinh tế APEC đối với Việt Nam
Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) bao gồm 21 nền kinh tế thành viên. Đây là diễn đàn quy tụ hầu hết các đối tác hàng đầu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư