Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Kỳ vọng mô hình PPP ngành nông nghiệp
Thùy Liên - 26/04/2013 07:32
 
Không được chú ý nhiều như các lĩnh vực khác khi bắt đầu triển khai thí điểm, nhưng mô hình hợp tác công - tư (PPP) trong nông nghiệp tại Việt Nam đã mang lại kết quả khá bất ngờ.
TIN LIÊN QUAN
Triển khai mô hình PPP thành công sẽ là hướng đi tích cực, thúc đẩy
nông nghiệp Việt Nam phát triển.
Ảnh: Đức Thanh

Nhiều kỳ vọng mới đã được nhóm công tác PPP nông nghiệp, trong đó có sự tham gia của 20 tập đoàn đa quốc gia lớn như Unilever, Nestle, Pepsico, Metro Cash & Cary, Cargill… họp tại Hà Nội sáng qua (25/4) đặt ra với mô hình này.

Kỳ vọng là bởi, kể từ khi thực hiện mô hình, sản lượng nông sản của các dự án PPP đều tăng 2 - 3 lần, thu nhập của người dân nhờ thế cũng tăng 10 - 15%.

Cách thức, tập quán canh tác truyền thống của người nông dân đã thay đổi căn bản theo mô hình khép kín.

Năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cho nông sản của Việt Nam - nước vốn được coi là cường quốc xuất khẩu nông sản thô, giá trị thấp - được nâng lên.

Mô hình PPP nông nghiệp thành công bước đầu, trước hết là nhờ Việt Nam có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp. Sau nữa là do chúng ta đã triêån khai tốt việc xây dựng các chính sách về PPP.

Một yếu tố nữa giúp mô hình PPP nông nghiệp thành công là có sự bắt tay giữa các doanh nghiệp, như Nestle bắt tay với doanh nghiệp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thương mại; Metro (bán lẻ) tham gia cùng Cargill (cung cấp thức ăn chăn nuôi)...trong chuỗi sản xuất.

Ở đây cũng phải thấy rằng, điều mà các nhà đầu tư nước ngoài cần nhất khi tham gia mô hình PPP tại Việt Nam là một môi trường đầu tư minh bạch, thuận lợi, được giải đáp vướng mắc về chính sách kịp thời, bởi họ không thiếu vốn.

Có thể nói, trong bối cảnh thu hút vốn FDI vào nông nghiệp rất khó khăn, thì việc triển khai mô hình PPP thành công sẽ là hướng đi tích cực, thúc đẩy nông nghiệp Việt Nam phát triển.

Tuy vậy, một loạt câu hỏi đang được đặt ra khi liên kết với các tập đoàn đa quốc gia triển khai mô hình này. Chẳng hạn, liệu doanh nghiệp trong nước có bị doanh nghiệp nước ngoài thôn tính thị trường như đã xảy ra với ngành thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi? Khi liên kết với nước ngoài thì chuyện xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam sẽ như thế nào?...

Hiện tại, một chủ thể không thể thiếu trong chuỗi PPP nông nghiệp là người nông dân. Trước khi triển khai mô hình PPP nông nghiệp, Việt Nam cũng đã từng có mô hình liên kết 4 nhà, nhưng mức độ thành công rất hạn chế, bởi tình trạng nông dân và doanh nghiệp cùng phá hợp đồng liên tục diễn ra.

Vấn đề đặt ra là với mô hình PPP nông nghiệp hiện nay, Nhà nước cần có cơ chế hợp lý để hạn chế tình trạng trên, đảm bảo để ngành nông nghiệp phát triển bền vững, đặc biệt là bảo đảm quyền lợi của nông dân. Khi đó, chắc chắn người nông dân sẽ gắn bó hơn với nông nghiệp và cơ hội thành công với mô hình PPP trong lĩnh vực này sẽ ngày càng lớn.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư