Thứ Hai, Ngày 28 tháng 04 năm 2025,
Lá phiếu và trách nhiệm
Thùy Liên - 10/06/2013 06:33
 
Hôm nay, lần đầu tiên, Quốc hội chính thức lấy phiếu tín nhiệm 47 chức danh chủ chốt. Cử tri cả nước đang theo dõi và kỳ vọng, kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ khách quan và thực chất, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm và hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt trong bộ máy Nhà nước.

Bỏ phiếu tín nhiệm là quyền, đồng thời cũng là trách nhiệm nặng nề
của các đại biểu Quốc hội.

Bỏ phiếu tín nhiệm là quyền, đồng thời cũng là trách nhiệm nặng nề của các đại biểu Quốc hội.

Để đưa ra các quyết định chính xác, đại biểu Quốc hội sẽ phải hiểu đúng vị trí, đặc thù công việc, quyền và trách nhiệm của 47 người được lấy phiếu.

Đây là việc không đơn giản, bởi cùng một lúc, các đại biểu Quốc hội sẽ phải phân tích thông tin về 47 chức danh chủ chốt hoạt động ở các vị trí và lĩnh vực chuyên môn khác nhau.

Cho dù trước khi bỏ phiếu, các đại biểu Quốc hội đã nhận được báo cáo tự chấm điểm của từng chức danh, nhưng để đánh giá khách quan, đại biểu Quốc hội sẽ phải tìm thêm thông tin qua các kênh khác, từ đó sàng lọc, cân nhắc trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội lần này sẽ là thước đo chất lượng nhân sự cấp cao. Kết quả lá phiếu không chỉ ảnh hưởng đến uy tín, thậm chí sinh mạng chính trị của cá nhân được lấy phiếu, mà còn ảnh hưởng lớn đến uy tín của cả bộ máy lãnh đạo của Nhà nước. Điều đó đòi hỏi các đại biểu Quốc hội phải phát huy bản lĩnh, ý thức trách nhiệm với đất nước để bỏ phiếu khách quan, chính xác, công tâm.

Kỳ vọng rất lớn, song cũng phải thừa nhận rằng, lá phiếu tín nhiệm không phải là giải pháp thần kỳ để thay đổi phẩm chất, đạo đức, chất lượng của đội ngũ cán bộ lãnh đạo.

Tác động lớn nhất của lá phiếu tín nhiệm là buộc các cán bộ đã được Quốc hội bầu phải nỗ lực hơn, thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh, để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao. Tuy vậy, đây cũng chỉ là một trong nhiều giải pháp nhằm rà soát chất lượng cán bộ và nằm trong qui trình tổng thể từ khâu tuyển dụng, bổ nhiệm đến thanh tra, phát hiện, xử lý các sai phạm… của cán bộ, trong đó khâu có ý nghĩa quyết định là lựa chọn, bổ nhiệm và giám sát cán bộ.

Cũng cần thấy rằng, kết quả “chấm điểm” 47 chức danh chủ chốt là thước đo năng lực, trình độ, ý thức trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội trước nhân dân. Qua đó, cử tri sẽ đánh giá uy tín, trách nhiệm, hiệu quả hoạt động thực chất của mỗi đại biểu và của cả Quốc hội.

Không phải giải pháp thần kỳ
Hôm nay (10/6), Quốc hội chính thức lấy phiếu tín nhiệm 47 chức danh chủ chốt. Làm thế nào để các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đưa ra quyết...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư