Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Lãi suất cho vay giảm dần về cuối năm
Vân Linh - 11/08/2023 17:40
 
Mặc dù có độ trễ, song trước xu hướng giảm mạnh của lãi suất huy động, mặt bằng lãi vay đang giảm dần khi ngân hàng đồng loạt tung nhiều gói vốn ưu đãi kích cầu tín dụng.

Tiếp tục chủ trương giảm lãi suất

Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo điều hành quyết liệt để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất. Đó là một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2023 đó là Chính phủ yêu cầu NHNN chỉ đạo điều hành quyết liệt để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay, tăng cung tiền và hướng dòng tiền vào lĩnh vực ưu tiên.

NHNN chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tiếp tục điều hành chủ động, kịp thời, linh hoạt, sáng tạo, trọng tâm, trọng điểm, phù hợp, hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách khác để thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; giữ ổn định thị trường ngoại tệ, điều hành tỷ giá phù hợp tình hình.

Đồng thời, triển khai kịp thời, có hiệu quả chính sách giãn, hoãn, cơ cấu lại nợ vay; chỉ đạo điều hành quyết liệt để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay, tăng cung tiền, tăng tín dụng phù hợp gắn với nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng, tập trung cho sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu.

Trước đó, theo chỉ đạo của Chính phủ đã 4 lần giảm lãi suất điều hành trong năm nay nhằm hạ mặt bằng chi phí cho vay, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng ảm đạm. Vì thế, khi mặt bằng lãi suất huy động giảm dần trong thời gian gần đây được kỳ vọng tác động tích cực lên lãi vay.

Đồng thời, các dự báo đưa ra từ HSBC, UOB, Standard Chartered cũng đư ra dự báo, khả năng ngân hàng sẻ giảm thêm 0,5% lãi suất điều hành trong nửa cuối năm sẽ là điều kiện để ngân hàng giảm lãi suất, nhằm kích cầu tín dụng khi dư nơ toàn ngành chỉ mới tăng trưởng 4,7% so với mục tiêu đưa ra cho cả năm nay là 14%.

Phó thống đốc NHNN ông Đào Minh Tú cũng cho hay, có điều kiện NHNN sẽ tiếp tục hạ lãi suất điều hành. Nếu không, các ngân hàng thương mại sẽ phấn đấu giảm lãi suất cho vay dựa trên giảm chi phí. Tuy nhiên, theo Phó thống đốc Tú, giảm lãi suất chỉ là một phần của vấn đề, chưa đủ để kéo tăng trưởng tín dụng đi lên.

Đáng chú ý trong bối cảnh thị trường có khó khăn hiện nay, rủi ro nợ xấu gia tăng. Nếu nhà băng hạ điều kiện cho vay thì tín dụng sẽ tăng ồ ạt, nhưng hệ luỵ là nợ xấu lập tức gia tăng, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống ngân hàng

TS Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM cũng đưa ra nhận định, khả năng mặt bằng lãi suất cho vay trong nửa cuối năm sẽ giảm nhanh hơn 2 quý đầu năm nay khi các ngân hàng tiêu thụ hết nguồn vốn huy động lãi suất cao. 

Tuy nhiên, theo TS Huân,trước mắt chưa thể kỳ vọng lãi vay giảm mạnh, bởi các ngân hàng vẫn chưa tiêu thụ hết vốn huy động giá cao từ quý III/2023, do sức hấp thụ vốn của kinh tế nửa đầu năm nay yếu. Đồng thời, theo TS Huân, dư địa giảm lãi suất điều hành không còn nhiều. Bởi chính sách tiền tệ đã được nới trong hai quý đầu năm hỗ trợ kinh tế.

Đánh giá được đưa ra từ HSBC cũng cho rằng, Việt Nam đang trong giai đoạn suy giảm tín dụng, đây là một khó khăn khác đối với tăng trưởng. Tăng trưởng tín dụng đã giảm kể từ tháng 11/2022 và vẫn chưa chạm đáy. Để giải quyết tình trạng này, NHNN đã nhanh chóng cắt giảm lãi suất, động thái này ngay lập tức khiến lãi suất thị trường tiền tệ thấp đi.

Theo HSBC, Việt Nam và Philippines đều có những mối lo ngại rõ rệt trong nước – nhưng vì những lý do trái ngược nhau. Việt Nam đồng thời phải đối mặt với suy thoái thương mại và tín dụng suy giảm. Do đó, tăng trưởng đã chậm lại và NHNN đã nhanh chóng cắt giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế.

"Lạm phát tiếp tục hạ nhiệt, NHNN có thể giảm thêm 50 điểm cơ bản lãi suất trong quý III/2023, sẽ là lần cắt giảm lãi suất cuối cùng trong chu kỳ nới lỏng hiện tại", các nhà phân tích của HSBC đưa ra nhận định. 

Ngân hàng tăng kích cầu tín dụng

Tín dụng tăng chậm trong nửa đầu năm nay khi tăng trưởng dư nợ ngành ngân hàng vào cuối tháng 7/2023 được ghi nhận là 4,3% so với cuối năm 2023, giảm nhẹ so với mức 4,7% được công bố vào cuối tháng 6/2023 của NHNN, báo cáo của SSI trích dẫn. Tăng trưởng tín dụng giảm so với tháng trước tiếp tục cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế đang ở mức thấp.

Trước đó, Phó thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho hay, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 27/6 là 4,03% so với cuối năm 2022 và tăng 9,08% so cùng kỳ. Còn tính đến hết tháng 6/2023, tín dụng toàn ngành ngân hàng tăng 4,7%, chỉ xấp xỉ một nửa mức tăng 9,35% của cùng kỳ năm ngoái. 

Mặc dù nguyên nhân tín dụng tăng chậm không chỉ từ phía ngân hàng mà còn cả doanh nghiệp, song để có thể hoàn tất được chỉ tiêu kinh doanh đưa ra cho năm 2023 các ngân hàng đang tìm mọi cách cạnh tranh tăng trưởng tín dụng, nhất là những tháng còn lại của năm khi room tín dụng không còn khan hiếm và cầu vốn dự báo tăng.

Vì thế, một loạt ngân hàng đã thông báo triển khai mới hoặt mở rộng các gói hỗ trợ lãi suất cho vay đối với nhiều đối tượng khách hàng. LPBank vừa quyết định mở rộng gói tín dụng ưu đãi lên 10.000 tỷ đồng. Mức lãi suất từ 7,5%/năm dành cho vay doanh nghiệp và 8,5%/năm cho khách hàng cá nhân.

Tại MSB giảm lãi suất cơ sở cho vay đến 1% với khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) được giải ngân bằng VNĐ từ ngày 19/7 và tiếp tục triển khai các gói tín dụng ưu đãi lên đến 10.000 tỷ đồng cho các SME tiềm năng lĩnh vực ưu tiên như xuất nhập khẩu, thương mại, sản xuất và xây dựng.

VietBank triển khai gói cho vay ưu đãi 1.000 tỷ đồng với mức lãi suất từ 8,9% một năm cho doanh nghiệp đến 30/8. Khảo sát ở nhiều ngân hàng cho thấy, các gói vay ưu đãi hiện đang thấp hơn từ 0,5-2%/năm tùy nhóm. Bên cạnh lãi suất, nhiều ngân hàng cũng nỗ lực tiết giảm chi phí hoạt động, để hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các chính sách miễn giảm phí dịch vụ.

ACB đẩy mạnh gói ưu đãi lãi suất vay, quy mô được tăng từ 20.000 tỷ lên mức 30.000 tỷ đồng cho khách hàng doanh nghiệp, khách hàng cá nhân với mức ưu đãi giảm tối đa 3% lãi vay so với biểu lãi suất. Ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB cho biết, đến nay ngân hàng đã giải ngân được hai phần ba ngân sách chương trình, với khoảng 60.000 khách hàng.

Tổng hợp các chương trình, mức hỗ trợ của Ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2023 là 488 tỷ đồng, dự kiến đến tháng 9 là 900 tỷ đồng và cả năm là 1.000 tỷ đồng. ACB thực hiện nhiều giải pháp để tiết kiệm chi phí, từ đó giảm lãi suất cho vay (6 tháng đầu năm 2023 tiết kiệm được hơn 500 tỷ đồng so với kế hoạch ban đầu, chỉ số chi phí trên doanh thu giảm từ 40% xuống gần 30%).

Vietcombank thông báo tiếp tục giảm lãi suất cho vay với mức giảm tới 0,5%/năm lãi suất cho vay VND cho toàn bộ khoản vay của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp với thời gian áp dụng trong 5 tháng từ ngày 1/8/2023 đến hết ngày 31/12/2023.

Trước đó, Vietcombank cũng đã triển khai 2 chính sách giảm lãi suất cho vay khách hàng. Đợt 1 là từ ngày 1/1 – 30/4 Vietcombank giảm đồng loạt 0,5% trên số lượng khách hàng được giảm lãi suất là 130.000 khách hàng, với số tiền lãi suất được giảm tương đương 800.000 tỷ đồng.

Đợt 2, từ ngày 1/5 – 31/7 với số lượng khách hàng được giảm lãi suất khoảng 110.000 khách hàng, quy mô dư nợ được hạ lãi suất là khoảng 700.000 tỷ đồng.

Agribank cũng mới triển khai chương trình tín dụng ưu đãi dành cho các khách hàng xuất, nhập khẩu với quy mô lên tới 25.000 tỷ đồng. Theo đó, lãi suất ưu đãi thấp hơn đến 1%/năm so với sàn lãi suất cho vay hiện hành của Agribank tương ứng đối với từng dải kỳ hạn. Ngoài ưu đãi về lãi suất, các khách hàng tham gia chương trình còn được hưởng ưu đãi hấp dẫn về tỷ giá mua bán ngoại tệ, phí dịch vụ.

Với VietinBank , ngân hàng này vừa tăng quy mô gói ưu đãi lãi suất SME UP lên 15.000 tỷ đồng và giảm thêm lãi suất cho vay với mức lãi suất ưu đãi mới chỉ từ 6,8%/năm.

Tại BIDV, ngân hàng này đã triển khai gói tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản nhà ở thương mại với quy mô 20.000 tỷ đồng. Chương trình áp dụng đến hết ngày 31/12/2024 hoặc đến khi hết quy mô của gói tín dụng, tùy theo điều kiện nào đến trước.

Theo đó, các chủ đầu tư thực hiện các dự án nhà ở thương mại có phương án vay vốn khả thi, đảm bảo tính pháp lý, có khả năng tiêu thụ tốt và phù hợp với nhu cầu thực tế về nhà ở trên thị trường sẽ được hỗ trợ vay vốn với lãi suất từ 8,5%/năm. Đối với các cá nhân, lãi suất cho vay áp dụng từ 7,8%/năm.

Trước đó, thực hiện hướng dẫn của NHNN về triển khai chương trình 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP; BIDV đã triển khai gói tín dụng quy mô 30 nghìn tỷ đồng cho vay với lãi suất thấp hơn từ 1,5-2% so với mức thông thường của các ngân hàng.

Mới đây, Sacombank cũng thông báo triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân nhằm tiếp sức hỗ trợ người dân, kích thích hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng phục vụ đời sống từ nay đến cuối năm 2023.

Cụ thể, Sacombank dành 20.000 tỷ đồng cho khách hàng vay vốn mục đích phục vụ sản xuất kinh doanh ngắn hạn (bao gồm sản xuất nông nghiệp) với mức lãi suất thấp chỉ từ 7,5%/năm.

Đối với nhu cầu vay phục vụ đời sống, Sacombank dành 10.000 tỷ đồng cho khách hàng vay vốn mua, xây, sửa bất động sản và nhiều mục đích tiêu dùng khác nhau với mức lãi suất chỉ từ 9%/năm. Đặc biệt, đối với khách hàng lần đầu tiên mua nhà để ở thỏa điều kiện, mức lãi suất chỉ từ 8%/năm.

OCB vừa triển khai gói cho vay ưu đãi lãi suất áp dụng cho khách hàng có nhu cầu sản xuất kinh doanh ngắn hạn, mua nhà đất và ô tô với hạn mức 5.000 tỉ đồng. Theo đó, từ tháng 8, những khách hàng cá nhân vay với mục đích sản xuất kinh doanh sẽ được áp dụng lãi suất ưu đãi từ 7,5%. Khách hàng mua nhà để ở được hưởng lãi suất 8,5% một năm.

Ngay cả BVBank cũng triển khai gói vay 7.000 tỷ đồng kích cầu tiêu dùng với lãi suất chỉ từ 8,8%/năm, giảm đến 2%/năm so với lãi suất thông thường. Thời gian áp dụng từ ngày 04/8 - 31/12/2023.

Theo các chuyên gia tài chính, lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới do chi phí vốn của các ngân hàng thương mại đang giảm nhờ tác động từ các đợt cắt giảm lãi suất điều hành của NHNN từ đầu năm và việc ban hành Thông tư 02/2023 cho phép giãn trích lập dự phòng nợ xấu.

Trong báo cáo chiến lược mới phát hành, Chứng khoán VnDirect dự báo, lãi suất cho vay có thể giảm mạnh hơn trong nửa cuối năm 2023 do chi phí vốn của các ngân hàng thương mại đang giảm nhờ tác động từ các đợt cắt giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước từ đầu năm và việc ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép giãn trích lập dự phòng nợ xấu.

TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế - tài chính cho rằng, một trong những rủi ro lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam hiện nay là lãi suất cho vay vẫn còn cao, nhiều doanh nghiệp đang phải chịu lãi vay 14-15%/năm, bất chấp NHNN đã có nhiều nỗ lực giảm lãi suất điều hành.

Theo TS Nghĩa, nhiều khả năng cuối năm nay Fed dừng tăng lãi suất và có thể giảm  lãi suất từ cuối năm sau. Châu Âu cũng có thể dừng tăng lãi suất từ cuối năm nay do lạm phát giảm nhanh hơn dự đoán. Đây là cơ hội để NHNN giảm thêm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp.

Sắp có thêm đợt giảm lãi suất cho vay
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang chuẩn bị họp với các ngân hàng thương mại, vận động các ngân hàng tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi vay để...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư