Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Lãi suất giảm, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế cải thiện
Thùy Vinh - 08/12/2020 07:39
 
Mặt bằng lãi suất cho vay được dự báo sẽ giảm thêm vào cuối năm trong bối cảnh lạm phát thấp, thanh khoản dồi dào... sẽ là động lực để kích cầu tăng trưởng tín dụng.
.
Các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay để kích cầu tín dụng mùa kinh doanh cuối năm.

Chi phí đầu vào giảm thêm

Cuối năm 2020, lãi suất huy động trên thị trường tiếp tục xuống thấp, khi mới đây, 3 ngân hàng lớn giảm thêm 0,2 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi ở nhiều kỳ hạn. Theo đó, các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất tiền gửi ở các kỳ hạn dài.

Thanh khoản của hệ thống ngân hàng dồi dào, nên theo điều tra của Vụ Dự báo, Thống kê (Ngân hàng Nhà nước - NHNN), mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường được kỳ vọng giảm 0,1 điểm phần trăm trong quý cuối năm. Giới chuyên gia tài chính - ngân hàng cũng nhận định, lãi suất huy động có thể giảm thêm, nhưng dư địa không nhiều.

TS. Lê Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc đầu tư tại Dragon Capital cho rằng, so với lạm phát, lãi suất tiền gửi tiết kiệm vẫn thực dương. Vì vậy, dư địa giảm lãi suất vẫn còn. Lãi suất thị trường liên ngân hàng đã tiệm cận 0%, với thanh khoản hệ thống tốt. Lãi suất tiền gửi dân cư giảm dần, song người dân vẫn chọn gửi tiết kiệm.

Phó thống đốc NHNN, ông Đào Minh Tú cho biết, dù có tình trạng rút tiền để đầu tư vào các kênh khác hiệu quả hơn, lợi nhuận cao hơn, nhưng tính đến cuối tháng 11/2020, tăng trưởng huy động vẫn lên tới 10,65%, tăng trưởng tín dụng là 7,93% so với cuối năm 2019.

“Như vậy, huy động đang tăng nhanh hơn tăng trưởng tín dụng. Hơn nữa, những tháng gần đây, lượng tiền gửi vào các ngân hàng thương mại vẫn tăng, cho thấy người rút tiền ra so với người gửi tiền vào vẫn nhỏ hơn”, ông Tú cho hay.

Lãi suất cho vay giảm, sức hấp thụ vốn cải thiện

Chi phí đầu vào giảm, các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay để kích cầu tín dụng mùa kinh doanh cuối năm.

Từ tháng 11, Vietcombank giảm 1%/năm lãi suất cho vay cho toàn bộ dư nợ vay hiện hữu và cho vay mới của doanh nghiệp và người dân tại địa bàn các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Trong khi đó, Nam A Bank tiếp tục giảm lãi vay lên đến 2% với các khách hàng doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ Covid-19; đồng thời tung gói cho vay 1.000 tỷ đồng lãi suất chỉ từ 9,9%/năm dành cho cá nhân.

Ông Từ Tiến Phát, Phó tổng giám đốc Ngân hàng ACB cho biết, lãi suất cho vay mua nhà tại ACB đã giảm nhiều so với đầu năm, chỉ còn 7,5 - 8% trong năm đầu, sau đó theo xu hướng thị trường. Trong quý cuối năm 2020, khả năng mặt bằng lãi suất cho vay mua nhà sẽ tiếp tục điều chỉnh nhẹ.

Theo Giám đốc Khối Bán lẻ Ngân hàng Shinhan Việt Nam, ông Trịnh Bằng Vũ, từ đầu năm đến nay, ngân hàng này đã thực hiện 4 lần giảm lãi suất trên toàn bộ khung lãi suất chung, chưa kể các lần giảm trên các gói vay cho một số phân khúc khách hàng cá nhân đặc biệt khác. Thời điểm hiện nay, người tiêu dùng có nhu cầu vốn để mua nhà, mua xe…, nên lãi suất giảm sẽ kích cầu tín dụng tăng. Song từ nay đến cuối năm, lãi suất cho vay tiêu dùng khó có thể giảm thêm. Nếu có thì chỉ xảy ra tại vài ngân hàng và mức giảm không nhiều.

Tín dụng 11 tháng đầu năm nay chỉ tăng 7,93%, song theo nhận định của giới phân tích tài chính - tiền tệ, con số này là phù hợp trong “năm Covid-19”. TS. Lê Anh Tuấn cho rằng, không nên kỳ vọng tín dụng tăng cao, nhất là trong bối cảnh thị trường còn có khó khăn hiện nay.

Không còn nhiều dư địa giảm lãi suất
Dư địa giảm lãi suất từ nay đến cuối năm nhằm kích cầu tín dụng được nhận định là không còn nhiều.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư