Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Lãi suất tiết kiệm tăng dịp Tết
Vân Linh - 06/02/2018 13:13
 
Càng cận Tết Nguyên đán, các ngân hàng càng cạnh tranh thu hút tiền nhàn rỗi, nhất là khi các khoản chi phí cuối năm của nhà băng tăng, trong khi nhiều người có tiền nhàn rỗi muốn gửi vào ngân hàng “cho chắc”, để rồi ra năm mới tính tiếp.

Để cạnh tranh thu hút tiền nhàn rỗi trong dân, nhiều nhà băng đã tăng lãi suất tiền gửi, như Eximbank nâng lãi suất thêm 0,1 - 0,2%, với tiền gửi kỳ hạn 1 tháng lên 4,6%/năm, 3 tháng lên 5%/năm và 6 tháng là 5,6%/năm. Với Sacombank, lãi suất kỳ hạn 2 tháng và 6 tháng có mức tăng từ 0,2%/năm. Sau khi điều chỉnh, lãi suất kỳ hạn 2 tháng tăng từ 4,9%/năm lên 5,1%/năm; lãi suất kỳ hạn 6 tháng đến 11 tháng tăng từ 5,9%/năm lên 6%/năm.

.
Cận Tết Nguyên đán, để cạnh tranh thu hút tiền nhàn rỗi, nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất tiền gửi.

Các ngân hàng OCB, Bảo Việt, NCB có lãi suất tăng lên 7,5 - 8%/năm, trong đó, NCB có lãi suất cao nhất. Ocean Bank, CBBank và GPBank có lãi suất 7 - 7,4%/năm.

Đặc biệt, tại Viet Capital Bank, lãi suất lên đến 8,5%/năm cho kỳ hạn 18 tháng. Ngoài ra, nhà băng này còn cộng thêm các khoản ưu đãi khác…

OCB cũng tăng 0,5% lãi suất tiết kiệm khi U23 Việt Nam vào chung kết. Bên cạnh đó, nhiều nhà băng đưa ra chương trình gửi tiền được quà, tặng thêm lãi suất, các chương trình khuyến mãi với cơ hội trúng thưởng lớn.

Ở 3 ngân hàng lớn nhất là BIDV, Vietcombank, VietinBank, lãi suất 1 tháng chỉ 4,3%/năm, 3 tháng là 4,8%/năm và 6 tháng cũng chưa đến 5,5%/năm.

Trong khi đó, ở các ngân hàng cổ phần lớn như Techcombank, VPBank, ACB, lãi suất lại dao động từ 4,7% đến 5,2%/năm. Đặc biệt, mới đây, VPBank còn tặng thêm 0,1 - 0,2% lãi suất tiết kiệm cho khách hàng nhân chiến thắng của U23 Việt Nam.

Một số nhà băng khác thu hút vốn bằng ưu đãi lãi suất cho khách hàng gửi tiền đồng từ 1 đến 12 tháng kèm theo quà tặng. Tại một số nơi, khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng sẽ được hưởng lãi suất như kỳ hạn 1 năm, lên đến 7,9%/năm.

Trong khi đó, thanh khoản của các ngân hàng đang được đánh giá ở trạng thái khá dư thừa. Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất cũng có xu hướng tăng, nhưng chỉ ở mức nhẹ đối với các loại kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần, với biên độ tăng 0,08 - 0,12%.

Cụ thể, lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm tăng 0,08%, đạt mức 2,09%/năm; lãi suất trung bình kỳ hạn 1 tuần tăng 0,08%, đạt mức 2,35%/năm; lãi suất trung bình kỳ hạn 2 tuần tăng 0,12%, đạt mức 2,64%/năm.

Theo đánh giá của TS. Bùi Quang Tín (Đại học Ngân hàng TP.HCM), lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại hiện ở mức 7 - 8%/năm, song vẫn đối mặt những thách thức lớn khi dòng vốn có xu hướng chuyển dịch sang các kênh đầu tư khác, như chứng khoán, bất động sản, trong khi tốc độ tăng trưởng huy động của các ngân hàng đang thấp hơn cho vay.

Với cuộc chạy đua lãi suất huy động của ngân hàng đầu năm nay, người gửi tiền có cơ hội nhận lãi suất lớn đến 8,5%. Dưới tác động của Thông tư 06/2017/TT-NHNN về quản lý nguồn vốn cho vay bất động sản, nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất kỳ hạn dài lên 8%. Tuy nhiên, phần đông ngân hàng thương mại vẫn giữ mức lãi suất huy động 6,2 - 7%/năm. Như vậy, bình quân lãi suất ngân hàng khoảng 6,5%. Tuy nhiên, lạm phát trong cả năm qua chỉ ở mức 3 - 4%, nên kênh đầu tư gửi tiền ngân hàng vẫn được đánh giá là sinh lời và an toàn.

Lãi suất tiết kiệm dài hạn vọt lên 9,2%/năm
Các ngân hàng đang ra sức huy động tiền gửi kỳ hạn dài theo hình thức chứng chỉ tiền gửi với lãi suất từ 8,8% lên tới 9,2%/năm.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư