Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Tăng sức ép với lãi suất tiết kiệm
Thùy Vinh - 19/05/2016 10:19
 
Xu hướng lạm phát, tỷ giá, lãi suất trái phiếu và một số kênh đầu tư khác như bất động sản tăng… đang gây sức ép lên lãi suất tiền gửi tiết kiệm.

Bằng nhiều hình thức khác nhau, các ngân hàng đã gia tăng khuyến mãi để tăng tính hấp dẫn cho lãi suất tiền gửi tiết kiệm. Chẳng hạn, Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) vừa đưa ra chương trình ưu đãi cộng lãi suất tiết kiệm online tối đa lên đến 0,3%/năm kể từ ngày 12/4. Dù có lãi suất tiền gửi tiết kiệm khá cạnh tranh, nhưng từ nay đến hết ngày 13/7, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) vẫn triển khai chương trình khuyến mãi “Gửi tiền - trúng liền” cho khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm tại các điểm giao dịch với tổng giá trị giải thưởng hơn 60 tỷ đồng.

Ngoài ra, một số ngân hàng khác còn cộng thêm biên độ lãi suất cho khách hàng gửi tiết kiệm. Chẳng hạn, ngoài mức lãi suất theo quy định, Ngân hàng TMCP Việt Á (VietA Bank) còn cộng thêm biên độ 0,2% cho khách hàng gửi tiết kiệm độ tuổi từ 45 tuổi trở lên.

Lãi suất huy động nhiều khả năng sẽ tiếp tục nhích lên trong thời gian tới khi cầu tín dụng vẫn tăng.
Lãi suất huy động nhiều khả năng sẽ tiếp tục nhích lên trong thời gian tới khi cầu tín dụng vẫn tăng.

Một số ngân hàng khác lại cộng biên độ từ 0,2 đến 0,3% cho khách hàng có giá trị tiền gửi lớn. Tại một ngân hàng có trụ sở tại TP.HCM, nhưng quy mô còn nhỏ và đang trong giai đoạn tái cấu trúc, mức lãi suất tiết kiệm cao nhất là 7,8%/năm cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, số tiền gửi ít nhất là 1 tỷ đồng. Hiện ở Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Sacombank, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), mức lãi suất tiết kiệm cao nhất cho kỳ hạn 13 tháng và số tiền gửi tối thiểu là 500 tỷ đồng lần lượt là 7,5%/năm, 7,55%/năm và 7,7%/năm.

Trả lời phóng viên Báo Đầu tư, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam cho rằng, lãi suất huy động nhiều khả năng sẽ tiếp tục nhích lên trong thời gian tới khi cầu tín dụng vẫn tăng; Bộ Tài chính cần phát hành một lượng lớn trái phiếu chính phủ; Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 36/2014/TT-NHNN giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 60% xuống còn 40%.

Trái với việc mặt bằng lãi suất huy động tăng nhanh, mặt bằng lãi suất cho vay VND của các ngân hàng hầu như không thay đổi trong thời gian qua. Theo ông Hải, lãi suất cho vay có khả năng sẽ tăng nhẹ trong thời gian tới, do các ngân hàng vẫn cần duy trì một biên lợi nhuận hợp lý khi chi phí đầu vào đã tăng. Tuy nhiên, lãi suất cho vay vốn trung, dài hạn sẽ giảm cho các doanh nghiệp có chất lượng tín dụng tốt.

Chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh cũng cho rằng, mặt bằng lãi suất thời gian qua tương đối ổn định đã tác động tích cực lên tăng trưởng tín dụng. Trong đó, bất động sản là thị trường được hưởng lợi khi mặt bằng lãi suất giảm, nhu cầu vốn tăng làm cho tín dụng ngân hàng được tác động tích cực.

Theo ông Minh, lãi suất VND bắt đầu tăng nhẹ trong những tháng đầu năm một phần do áp lực tỷ giá trước các tác động bên ngoài, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết sẽ còn tăng lãi suất trong thời gian tới. Lãi suất tăng sẽ tác động đến nhu cầu vốn của khách hàng, nhất là vay mua nhà. Cùng với đó, với Dự thảo sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN, các ngân hàng có nhu cầu thu hút tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn dài để đảm bảo đúng tỷ lệ cho vay theo yêu cầu.

Thế nhưng, ông Minh cho rằng, lãi suất đầu ra sẽ khó tăng so với hiện nay, trừ các yếu tố bên ngoài tác động mạnh vào thị trường Việt Nam, nhất là tỷ giá nếu Fed sớm tăng lãi suất cơ bản đồng USD. Lý do là nếu lãi suất cho vay tăng, thì sẽ khó kích thích cầu tín dụng đi lên. Trước mắt, Fed đã có thông điệp chưa tăng thêm lãi suất cơ bản đồng USD.

Theo ông Huỳnh Bửu Sơn, chuyên gia ngân hàng, hiện lãi suất vay của doanh nghiệp dao động trong khoảng 8-9%/năm đối với vốn ngắn hạn, còn vốn trung, dài hạn thì lãi suất cao hơn, nhưng cầu vốn doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu chủ yếu là ngắn hạn. Tuy nhiên, nếu mặt bằng lãi suất tăng thêm, doanh nghiệp sẽ tính toán lại việc đầu tư, kinh doanh.

Lãi suất khó giảm vì tín dụng chệch hướng
Rất nhiều nguyên nhân được các ngân hàng đưa ra để lý giải cho nguyên nhân lãi suất tăng. Song nhiều chuyên gia cho rằng, hai năm qua, tín dụng có...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư