Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Lãi trong tháng 1/2024 của Biwase tăng 17%, lên 65,34 tỷ đồng
Duy Bắc - 23/02/2024 11:09
 
Sau khi đẩy mạnh hoạt động mua bán - sáp nhập trong năm 2023, các đơn vị thành viên mới của Công ty cổ phần - Tổng công ty Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase, mã BWE - sàn HoSE) đều đã có lãi.

Trong tháng 1/2024, Biwase ghi nhận tổng doanh thu đạt 280,94 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 65,34 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ. Trong đó, tỷ lệ thất thoát nước tiếp tục duy trì mức thấp chỉ 5%.

Báo cáo kết quả kinh doanh của Biwase trong tháng 1/2024 (Nguồn: Biwase)
Báo cáo kết quả kinh doanh của Biwase trong tháng 1/2024 (Nguồn: Biwase)

Điểm đáng lưu ý, Biwase cho biết thêm đến tháng 1/2024, Công ty chưa ghi nhận doanh thu 92,72 tỷ đồng từ lĩnh vực xử lý chất thải và xử lý nước thải.

Như vậy, so với kế hoạch tổng doanh thu là 4.100 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 700 tỷ đồng trong năm 2024, kết thúc tháng đầu năm 2024, Biwase đã lần lượt hoàn thành 6,9% kế hoạch doanh thu và 9,3% kế hoạch lợi nhuận.

Về hoạt động kinh doanh trong tháng đầu năm 2024, ngày 12/1/2024, Biwase đã làm lễ khánh thành và đưa vào hoạt động nhà máy đốt rác thu hồi nhiệt phát điện 5MW và nâng công suất phân loại tái chế, xử lý rác lên 2.520 tấn/ngày tại Khu xử lý chất thải Bình Dương.

Trong đó, tất cả các công trình trong khu liên hợp đều do kỹ sư, nhà quản lý Biwase thiết kế, lắp đặt và làm chủ công nghệ.

Thêm nữa, Biwase cũng cho biết các đơn vị được Công ty thực hiện M&A đã sinh lãi khi tại 5 Công ty con, 2 Công ty liên kết với nguồn vốn đầu tư là 612,2 tỷ đồng. Trong đó, chỉ trong thời gian ngắn, các đơn vị này đã mang lại lợi thế thương mại phát sinh hơn 277,86 tỷ đồng.

Lý giải về việc sinh lãi sớm là nhờ sau M&A, Biwase tiếp tục đầu tư phát triển ống trục, mở rộng địa bàn phục vụ, tăng lượng khách hàng, tăng doanh thu, quản trị và kiểm soát thất thoát tốt, giúp phát sinh lợi nhuận sớm so với dự kiến.

Lãi 679,4 tỷ đồng trong năm 2023

Trước đó, trong quý IV/2023, Biwase ghi nhận doanh thu đạt 1.127,9 tỷ đồng, tăng 8,1% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế ghi nhận 150,7 tỷ đồng, bằng 88,5% so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 32,3%, lên 42,5%.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 42,1% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 141,9 tỷ đồng, lên 479,3 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 11,4%, tương ứng giảm 2,5 tỷ đồng, về 19,4 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 396,6%, tương ứng tăng thêm 139,2 tỷ đồng, lên 174,3 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 24,2%, tương ứng tăng thêm 34,4 tỷ đồng, lên 176,7 tỷ đồng; và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Luỹ kế trong năm 2023, Biwase ghi nhận doanh thu đạt 3.525,9 tỷ đồng, tăng 1,2% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế ghi nhận 679,4 tỷ đồng, bằng 91% so với cùng kỳ năm trước.

Được biết, trong năm 2023, Biwase lên kế hoạch doanh thu tối thiểu 3.970 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế dự kiến 720 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm 2023, Biwase đã hoàn thành 94,4% so với kế hoạch lợi nhuận năm 2023.

Xét về dòng tiền, năm 2023 dòng tiền kinh doanh của Biwase tiếp tục là điểm sáng khi tạo ra tới 1.062 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 1.303,2 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư ghi nhận âm 1.203,2 tỷ đồng và dòng tiền tài chính ghi nhận dương 522,8 tỷ đồng.

Được biết, Biwase được niêm yết chính thức trên sàn HoSE năm 2017. Trong đó, theo dữ liệu trên iBoard của Chứng khoán SSI, từ năm 2017 tới năm 2023, Biwase liên tục duy trì hoạt động kinh doanh tạo dòng tiền dương, điều mà hiếm doanh nghiệp niêm yết nào làm được trong một thời gian dài.

Quy mô tài sản tiếp tục tăng khi Biwase sở hữu thêm nhiều thành viên trong năm 2023

Tính tới 31/12/2023, tổng tài sản của Biwase tăng mạnh 21,2% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 2.120,8 tỷ đồng, lên 12.108,1 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tài sản cố định ghi nhận 4.364,5 tỷ đồng, chiếm 36% tổng tài sản; đầu tư tài chính dài hạn ghi nhận 2.081,2 tỷ đồng, chiếm 17,2% tổng tài sản; tài sản dở dang dài hạn ghi nhận 1.558,7 tỷ đồng, chiếm 12,9% tổng tài sản; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn ghi nhận 920,1 tỷ đồng, chiếm 7,6% tổng tài sản; và các khoản mục khác.

Trong kỳ, tài sản biến động mạnh chủ yếu tài sản cố định tăng 20,7% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 747,9 tỷ đồng, lên 4.364,5 tỷ đồng; tài sản dở dang dài hạn tăng 55,9% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 558,75 tỷ đồng, lên 1.558,7 tỷ đồng; đầu tư tài chính dài hạn tăng 43,9% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 634,5 tỷ đồng, lên 2.081,2 tỷ đồng …

Biwase có thuyết minh đầu tư tài chính dài hạn tăng chủ yếu do khoản mục đầu tư vào Công ty liên kết trong năm 2023 đã tăng từ 847,7 tỷ đồng, lên 1.472,8 tỷ đồng. Trong đó, năm 2023 đã lần đầu tiên xuất hiện việc nắm cổ phần tại các Công ty như CTCP Cấp thoát nước Long An, CTCP Cấp nước Quảng Bình, CTCP Cấp nước Vĩnh Long, CTCP Công trình đô thị Thủ Thừa, và CTCP Biwase Quảng Bình.

Về quy mô Công ty, thời điểm 31/12/2022, Biwase chỉ có 2 công ty con là Công ty cổ phần Tái chế Vật liệu Xanh và Công ty cổ phần Xây lắp - Điện Biwase. Tuy nhiên, tại thời điểm 31/12/2023, Biwase đã nâng sở hữu lên 7 công ty con (6 công ty con trực tiếp và 1 công ty con gián tiếp). Trong đó, danh sách 7 Công ty con bao gồm Công ty cổ phần Xây lắp - Điện Biwase, Công ty cổ phần Nước Biwase - Long An, Công ty TNHH MTV Tư vấn Biwase, Công ty cổ phần Nước và Môi trường Bằng Tâm, Công ty cổ phần Công trình Đô thị Cần Giuộc, Công ty cổ phần Công trình Đô Thị Châu Đức và Công ty cổ phần Nước và Môi trường Cần Đước.

Theo kế hoạch, ngày 25/3/2024, Biwase sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, Đại hội dự kiến sẽ trình cổ đông Báo cáo kết quả kinh doanh năm 2024, kế hoạch triển khai năm 2024, kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2023…

Biwase tiếp tục mang Xuân đến với người dân vùng biên giới năm 2024
CTCP - Tổng Công ty Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase, mã BWE) tiếp tục hành trình mang Xuân đến với người dân vùng biên giới thông qua chương...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư