Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Lâm Đồng: Đề xuất tạm dừng giải quyết hợp, tách thửa từ ngày 20/1/2022
Nhiệt Băng - 07/03/2022 16:08
 
Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng đề xuất tạm dừng giải quyết hồ sơ hợp, tách thửa đất tại các khu vực đường đi có nguồn gốc từ việc người dân hiến đất từ ngày 20/1/2022.

Thực hiện văn bản số 473 (ngày 20/1/2022) của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc tạm dừng tiếp nhận, xem xét, giải quyết các thủ tục liên quan đến việc phân lô, tách thửa đất, xây dựng nhà ở riêng lẻ tại nông thôn trên địa bàn tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường vừa đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét tạm dừng tiếp nhận, xem xét, giải quyết hồ sơ hợp, tách thửa đất tại các khu vực đường đi có nguồn gốc từ việc người dân hiến đất đối với hồ sơ nộp từ ngày 20/1/2022 (theo Giấy biên nhận hồ sơ và phần mềm tiếp nhận, luân chuyển hồ sơ).

“Trường hợp người sử dụng đất đã nộp hồ sơ trước ngày 20/1/2022 (theo Giấy biên nhận hồ sơ và phần mềm tiếp nhận, luân chuyển hồ sơ) thì tiếp tục giải quyết hợp, tách thửa đất theo đúng quy định tại Quyết định số 40 (ngày 1/11/2021) của UBND tỉnh Lâm Đồng. Ngoài trường hợp nêu trên thì vẫn thực hiện giải quyết thủ tục hợp, tách thửa đất theo Quyết định số 40 (ngày 1/11/2022) của UBND tỉnh Lâm Đồng”, Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất.

Trước đó, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành văn bản số 473 (ngày 20/1/2022) cho biết, thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh có một số trường hợp hiến đất làm đường giao thông mới, tách thửa đất, xây dựng nhà ở riêng lẻ tại nông thôn, nhưng thực chất hình thành các khu, điểm dân cư mới và giới thiệu, quảng cáo, giao dịch tương tự các dự án bất động sản mà các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh, ảnh hưởng đến công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Về việc này, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố tạm dừng toàn bộ việc tiếp nhận, xem xét, giải quyết các thủ tục liên quan đến việc tách thửa đất, nhưng thực chất là biến tướng để đầu tư dự án bất động sản trái quy định trên địa bàn tỉnh (các trường hợp tách thửa đất thành nhiều thửa đất để chuyển nhượng, xây dựng nhà ở hình thành các khu, điểm dân cư mới tại nông thôn trên địa bàn tỉnh) cho đến khu Nghị định số 02/NĐ-CP ngày 6/1/2022 của Chính phủ có hiệu lực thi hành. Đối với các trường hợp tách thửa đất trên địa bàn tỉnh ngoài các trường hợp nêu trên, các sở, ngành, địa phương liên quan tiếp tục xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật đất đai.

Tại Quyết định 473, UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát kỹ các quy định pháp luật có liên quan (Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản…), đề xuất UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo đối với việc tách thửa để xây dựng nhà ở trên địa bàn cho phù hợp với quy định hiện hành.

Còn tại Quyết định số 40 (ngày 1/11/2021), UBND tỉnh Lâm Đồng quy định điều kiện tách thửa, điều kiện hợp thửa đất và diện tích tối thiểu tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, trường hợp diện tích thửa đất hoặc khu đất (gồm nhiều thửa đất) nhỏ hơn 5ha thì tiến hành lập bản vẽ tổng thể mặt bằng tỷ lệ 1/500, được UBND cấp huyện ký duyệt bản vẽ kèm theo văn bản thống nhất, trong đó thể các quy chuẩn quy định liên quan đến hạ tầng đường giao thông (chiều rộng đường đấu nối và đường nội khu trong bãi vẽ > hoặc = 7m).

Ngoài ra, đối với thửa đất hoặc khu đất đề nghị tách thửa, hợp thửa mà có diện tích từ 5.000 m2 trở lên sau khi đã trừ phần diện tích làm đường giao thông thì phải dành ít nhất 5% diện tích các thửa đất hoặc khu đất để làm hạ tầng xã hội phục vụ lợi ích công cộng…

Trường hợp diện tích thửa đất hoặc khu đất lớn hơn hoặc bằng 5ha thì tiến hành lập quy hoạch chi tiết xây dựng trình phê duyệt theo quy định để triển khai thực hiện.

Cũng tại Quyết định số 40, UBND tỉnh Lâm Đồng cho phép hợp thửa cùng mục đích sử dụng đất vào trong cùng một thửa đất và không quy định diện tích, kích thước tối tiểu khi hợp thửa.

Thửa đất mới hình thành từ việc tách thửa phải lớn hơn hoặc bằng diện tích tối thiểu theo từng trường hợp cụ thể.

Cụ thể là đối với thửa đất ở đô thị (thuộc các phường, thị trấn) thuộc quy hoạch sử dụng đất là đất ở đô thị, UBND tỉnh Lâm Đồng quy định nhà phố: diện tích > hoặc = 40m2 và có kích thước cạnh tiếp giáp đường đối với đường đã có tên hoặc đường hẻm có lộ giới > hoặc = 10m (đường chính) hoặc các đường, đường hẻm còn lại (đường hẻm) > hoặc = 4m; nhà liên kế có sân vườn: diện tích > hoặc = 72m2 và có kích thước cạnh tiếp giáp > hoặc = 4,5 m đối với đường chính, các đường hẻm > hoặc = 64 m2 và kích thước cạnh tiếp giáp đường > hoặc =  4m; nhà biệt lập: diện tích > hoặc = 250 m2 và có kích thước cạnh tiếp giáp đường > hoặc = 10m đối với đường chính, các đường hẻm diện tích >=200 m2 và kích thước cạnh tiếp giáp đường >= 10m; biệt thự: diện tích > hoặc = 400 m2 và có kích thước cạnh tiếp giáp đường > hoặc = 12 m đối với đường chính, các đường hẻm diện tích > hoặc = 250 m2 và kích thước cạnh tiếp giáp đường > hoặc = 10m…

Đối với đất nông nghiệp, UBND tỉnh quy định diện tích tối tiểu tách thửa là 500 m2 tại khu vực đô thị và 1.000 m2 tại khu vực nông thôn...

Tạm dừng san lấp mặt bằng

Ngày 15/2/2022, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành văn bản số 883/UBND-ĐC giao UBND các huyện yêu cầu các hộ tạm dừng việc san lấp mặt bằng, thi công các công trình; không được làm cổng, rào chắn đối với đường đã thi công trên diện tích đã hiến đất làm đường để bàn giao cho địa phương quản lý làm đường công cộng; kiểm tra, rà soát lại toàn bộ diện tích đất các hộ hiến, trả lại đất để mở đường, san lấp mặt bằng, phân lô trên địa bàn tỉnh, đối chiếu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các quy hoạch về nông thôn mới, xem xét xử lý theo đúng quy định (nếu có) hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý theo quy định

Lâm Đồng yêu cầu báo cáo việc hiến đất làm đường và tách thửa phân lô
Thành phố Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm chỉ có một ngày để báo cáo các nội dung liên quan đến việc hiến đất làm đường và tách thửa trên địa...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư