Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Lâm Đồng: Nhà kính, nhà lưới “mọc” tràn lan trên đất rừng
Nhiệt Băng - 02/09/2021 09:21
 
Hàng trăm héc-ta đất lâm nghiệp tại Lâm Đồng bị xâm phạm để xây dựng trái phép nhà kính, nhà lưới trồng rau, hoa, củ, quả..., gây rất nhiều hệ lụy cho kinh tế - xã hội địa phương.
nh
Nhà kính, nhà lưới mọc tràn lan trên đất lâm nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Nhiệt Băng

“Mọc” tràn lan trên đất rừng

Tại Lâm Đồng, mô hình nhà kính, nhà lưới trồng rau, hoa, củ, quả xuất hiện ở nhiều địa phương. Dù  mô hình này góp phần cải thiện đời sống kinh tế của nhiều hộ gia đình, cá nhân, nhưng việc phát triển nhà kính, nhà lưới kiểu “mạnh ai nấy làm”, mất kiểm soát đã để lại nhiều hệ lụy về đất đai, quy hoạch. Đáng chú ý, đất nông nghiệp không đủ “sức chứa”, nhiều hộ gia đình, cá nhân “đẩy mạnh” xây dựng nhà lưới, nhà kính trên cả đất lâm nghiệp.

Tại văn bản số 3075 ngày 17/5/2021, UBND tỉnh Lâm Đồng nêu thực trạng: “Thời gian qua, mặc dù UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về tăng cường công tác quản lý việc xây dựng nhà lưới, nhà kính vừa phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vừa đảm bảo mỹ quan, môi trường. Tuy nhiên, trong công tác quản lý, điều hành của một số địa phương chưa nghiêm, chưa quyết liệt nên tình trạng xây dựng công trình, làm nhà lưới, nhà kính trên đất quy hoạch 3 loại rừng (đất lâm nghiệp) diễn ra phức tạp, làm ảnh hưởng đến công tác quản lý đất lâm nghiệp, quản lý và phá triển rừng, ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường chung, đặc biệt là dọc các tuyến đường dẫn vào TP.Đà Lạt như tuyến đường cao tốc Liên Khương - Prenn, đèo Pren, đèo Mimoza, tuyến đường 723 (Quốc lộ 27C)…”.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, ngoại trừ các huyện Lâm Hà, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên và TP.Bảo Lộc không có diện tích nhà lưới, nhà kính trên đất quy hoạch lâm nghiệp, còn các địa phương còn lại, hàng trăm héc-ta đất lâm nghiệp bị sử dụng xây dựng trái phép mô hình này.  

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hiện tại, tổng diện tích công trình, nhà kính, nhà lưới làm trên đất quy hoạch lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đông lên đến 227,4437 ha (trong đó 210,1037 ha nhà kính và 17,34 ha nhà lưới), với 649 hộ đang sử dụng.

Dẫn đầu về số lượng là TP. Đà Lạt là 184,8753 ha (gồm 184,2074 ha nhà kính và 102 công trình xây dựng/6.666 m2), với 475 hộ đang sử dụng. Còn tại huyện Lạc Dương, 21,42 ha (gồm 20,79 ha nhà kính và 0,63 ha nhà lưới), với 106 hộ đang sử dụng. Xếp thứ 3 là huyện Đơn Dương, với 16,235 ha (gồm 0,305 ha nhà kính và 15,93 ha nhà lưới), được 44 hộ đang sử dụng trồng rau, củ, quả… Và huyện Đức Trọng là 3,3623 ha (gồm 3,3623 ha nhà kính), với 17 hộ đang sử dụng...

Trong vòng 60 ngày phải tự tháo dỡ

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, UBND các huyện, thành phố tại tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định thành lập Tổ công tác kiểm tra, xử lý tình trạng xây dựng công trình, làm nhà kính, nhà lưới trên đất quy hoạch lâm nghiệp, đồng thời ban hành văn bản chỉ đạo và giao nhiệm vụ cụ thể cho UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp chủ rừng và các đơn vị liên quan, thực hiện công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân có công trình, nhà lưới, nhà kính trên đất quy hoạch lâm nghiệp, đặc biệt là các khu vực dọc tuyến đường cao tốc Liên Khương - Prenn, các tuyến đường đèo: Prenn, Mimoza, tuyến đường ĐT.723 (Quốc lộ 27C) và các tuyến đường cửa ngõ vào thành phố Đà Lạt tự nguyện tháo dỡ.

“Trường hợp chủ sử dụng không tự giác tháo dỡ thì tổ chức cưỡng chế để tháo dỡ, hoàn thành trong tháng 9/2021”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay.

Đối với trường hợp các chủ sử dụng tự giác chấp hành tháo dỡ công trình, UBND huyện, thành phố giao Tổ công tác cùng chính quyền địa phương theo dõi, đôn đốc tự tháo dỡ, di dời theo đúng cam kết; nếu không thực hiện thì lập hồ sơ xử lý theo đúng quy định. Đối với trường hợp chủ sử dụng không tự giác chấp hành, các huyện, thành phố tiến hành xác lập biên bản vi phạm hành chính và ban hành quyết định xử phạt, cưỡng chế tháo dỡ hoặc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo đúng trình tự, thủ tục của Luật xử lý vi phạm hành chính và các quy định có liên quan.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết, diện tích đất lâm nghiệp sau khi tháo dỡ nhà lưới, nhà kính, công trình xây dựng trên đất lâm nghiệp chỉ được sử dụng để trồng rừng/trồng cây nông nghiệp, trồng hoa ngoài trời kết hợp trồng xen cây lâm nghiệp, cây đa mục đích theo Đề án “Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khôi phục và phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”.

Theo yêu cầu của UBND tỉnh Lâm Đồng, UBND các huyện, thành phố thành lập Tổ công tác để tổ chức kiểm tra, xử lý, tháo dỡ toàn bộ nhà kính, nhà lưới trên diện tích đất lâm nghiệm. Trước mắt, Tổ công tác vận động chủ sử dụng tự nguyện tháo dỡ trong thời hạn không quá 60 ngày. Trường hợp chủ sử dụng không tự giác tháo dỡ thì tổ chức cưỡng chế tháo dỡ, đặc biệt là các khu vực dọc các tuyến đường dẫn vào TP.Đà Lạt như tuyến đường cao tốc Liên Khương - Prenn, đèo Prenn, đèo Mimoza, tuyến đường 723 (Quốc lộ 27C) và các tuyến đường cửa ngõ vào TP.Đà Lạt để sử dụng đất đúng mục đích cho mục tiêu phát triển rừng, đồng thời đảm bảo mỹ quan đô thị. Việc tháo dỡ hoàn thành trước ngày 30/9/2021, báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện trước ngày 15/10/2021.

UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các đơn vị chủ rừng nhà nước trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban, cơ quan, đơn vị của huyện, thành phố trong việc xác định diện tích nhà lưới, nhà kính trên đất lâm nghiệp, làm cơ sở xử lý, tháo dỡ theo quy định; quản lý diện tích đất lâm nghiệp, xây dựng kế hoạch để thực hiện trồng cây lâm nghiệp, cây đa mục đích theo kế hoạch trồng 50 triệu cây xanh và Đề án 1836 của tỉnh; tăng cường kiểm tra để ngăn chặn, xử lý ngay từ đầu việc xây dựng công trình, làm nhà lưới, nhà kính trên đất lâm nghiệp được giao quản lý.

Xử lý trách nhiệm người đứng đầu

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, địa phương, chủ rừng nào để xảy ra việc xây dựng công trình, làm nhà lưới trên đất quy hoạch lâm nghiệp thuộc lâm phần quản lý mà không kịp thời ngăn chặn, xử lý thì chính quyền các huyện, thành phố phải xử lý trách nhiệm/đề xuất xử lý trách nhiệm người đứng đầu đơn vị chủ rừng, UBND cấp xã và tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm theo quy định.

Lâm Đồng: “Trốn” bồi thường tài nguyên rừng, hàng chục doanh nghiệp bị điều tra
Công an vào cuộc điều tra 37 DN “trốn” bồi thường giá trị tài nguyên rừng thuộc các dự án đầu tư về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư