Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
Làm gì để giữ vững thị trường xuất khẩu lao động
Nguyễn Trang - 17/03/2017 13:34
 
Trước những thông tin gây bất lợi có thể ảnh hưởng tới các thị trường xuất khẩu lao động, thông điệp được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra là sẽ chấn chỉnh lại hoạt động nhằm giữ vững các thị trường trọng điểm của Việt Nam.

Bức tranh tối của XKLĐ

Ngày 3/3, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 261/QĐ-LĐTBXH về việc thu hồi Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 (Cienco 8).

Lý do là các vi phạm về tổ chức bộ máy hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài chưa đảm bảo quy định; bộ máy chuyên trách bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài không đảm bảo quy định.Sau vụ việc này, năm 2017 được dự báo sẽ có khá nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này sẽ bị xử lý.

.
Các doanh nghiệp nên chuyển tư duy từ xuất khẩu lao động sang tư duy đưa lao động đi đào tạo

Trong cuộc họp mới đây về nâng cao chất lượng hoạt động đưa người lao động làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã khẳng định: “Bộ sẽ công khai, minh bạch, sai đâu sửa đó. Doanh nghiệp có những hoạt động vượt quá hành lang pháp lý phải được chấn chỉnh kịp thời. Những vấn đề còn tồn tại như thu phí cao quá quy định, tuyển dụng qua môi giới, cò mồi, bán giấy phép... kiên quyết phải xử lý, tránh tình trạng vàng thau lẫn lộn”.

Bức tranh tối của lao động xuất khẩu được ông Phạm Hoàng Tùng, Phó vụ trưởng Vụ Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) phác họa qua một số con số như số lao động bỏ hợp đồng tại Đài Loan, Hàn Quốc lần lượt là 12.000 và 17.000 lao động. Tỷ lệ tội phạm của người lao động Việt tại Hàn Quốc đang đứng thứ 3 chỉ sau Trung Quốc và Mông Cổ. Tại Nhật Bản, nếu giai đoạn 2010 - 2013, số người lao động Việt phạm tội từ 500 - 600 người thì từ năm 2014 đến nay, con số này tăng lên khoảng 1.100 người.

Báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, Việt Nam có số lao động cung ứng sang Đài Loan đứng thứ 2 trong số các nước đưa lao động sang Đài Loan, chiếm khoảng 29% thị phần lao động nước ngoài tại thị trường này, nhưng Đài Loan cũng là thị trường nổi cộm về thu phí cao và lao động làm việc bất hợp pháp. Hiện có khoảng 26.500 lao động Việt Nam bỏ hợp đồng, cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Đài Loan, chiếm gần 50% tổng số lao động nước ngoài bỏ hợp đồng, chiếm gần 15% số lao động Việt Nam đang làm việc tại thị trường này. Cùng với đó, các doanh nghiệp môi giới xuất khẩu lao động đang thu phí của người lao động quá cao cũng là vấn đề nổi cộm. Nguyên nhân là do từ lâu đã tồn tại thỏa thuận hợp đồng tự do giữa chủ sử dụng lao động Đài Loan và doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, phí môi giới sẽ bị doanh nghiệp môi giới “đổ” lên người lao động.

Việc đưa ra các giải pháp mạnh tay vào thời điểm hiện tại được xem là bước đi hợp lý để giữ vững một số thị trường xuất khẩu lao động trọng điểm của Việt Nam, khi chất lượng lao động thấp cùng với việc bỏ trốn đang khiến cho việc tiếp tục ký kết các biên bản ghi nhớ về phái cử lao động Việt Nam sang một số thị trường gặp khó khăn.

Cần giải pháp bền vững

Đồng ý với quan điểm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là mạnh tay kiểm tra doanh nghiệp, nhưng ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội cho rằng, Bộ Lao động cần có biện pháp căn cơ mang tính bền vững để quản lý các doanh nghiệp xuất khẩu lao động.

“Bộ Lao động phải đưa ra mức sàn tiền lương đi làm ở từng thị trường và trần của chi phí phải đóng góp cho từng thị trường, để từ đó người lao động xác định được chính xác mức đóng và làm cơ sở quản lý doanh nghiệp”, ông Lợi nói.

Lâu nay việc bỏ hợp đồng, cư trú bất hợp pháp sau khi hết hạn hợp đồng xuất phát từ tình trạng người lao động muốn có mức lương cao hơn nên bỏ hợp đồng nhảy việc, hoặc ở lại để kiếm thêm thu nhập.

Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Long Sơn, Giám đốc Công ty Esuhai cho rằng, trong khi lực lượng lao động trẻ tại Việt Nam thất nghiệp mỗi năm ở mức tương đối cao, thì các doanh nghiệp nên chuyển tư duy từ xuất khẩu lao động sang tư duy đưa lao động đi đào tạo.

“Kinh nghiệm cho thấy, nếu lao động ở độ tuổi từ 20 - 25 được đưa sang Nhật làm công nhân, thì ở độ tuổi 30 - 35 khi trở về Việt Nam, có thể đảm nhiệm những vị trí quản lý cấp trung, quản lý dây chuyền tại các doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam. Và như vậy không cần xuất khẩu lao động, người lao động có tay nghề vẫn có được mức lương cao ở ngay trong nước. Đây chính là giải pháp bền vững vừa giải quyết được việc làm cho lao động trẻ thất nghiệp, vừa đáp ứng tốt nhu cầu của cả thị trường tuyển dụng khó tính như Nhật Bản”, ông Sơn nhấn mạnh.

Xuất khẩu lao động Việt Nam sang Nhật Bản: Đổi chất nguồn nhân lực
Không chỉ đơn thuần là nơi tiếp nhận lao động, Nhật Bản còn là nơi được phía Việt Nam đặt kỳ vọng sẽ làm thay đổi chất lượng nguồn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư