Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Làm giàu từ mạng xã hội
Hữu Tuấn - 24/09/2016 07:20
 
Facebook, Google, Microsoft… đã “chuyển giao công nghệ làm giàu” trên nền tảng số hóa cho khối Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa (SMEs)…

“Không ai mua biệt thự, mua căn hộ qua Facebook, nhưng nó tác động dẫn đến khách hàng quyết định mua nhà hay không. Ví dụ như ở Phú Mỹ Hưng có 80% khách hàng cũ mua nhà lần 2 và chỉ có 20% khách hàng mới. Nhiệm vụ đặt ra cho nhóm sale là tìm kiếm khách hàng mới. Cách làm là tạo nên 1 trang với các hình ảnh, video Dự án này từ lúc khởi công... cho cả khách hàng cũ và khách hàng tiềm năng. Lúc này, Facebook đóng vai trò kênh marketing để bán hàng, chứ không phải là kênh bán hàng”, ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc phụ trách SMEs ở các thị trường mới nổi khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Facebook kể cho gần 200 SMEs tại Hội thảo “Tăng cường năng lực cho doanh nghiệp SMEs thông qua đổi mới công nghệ” vừa diễn ra.

.

“Việt Nam đang có 45 triệu người dùng Facebook, đứng đầu thế giới về tỷ lệ người online và cũng là quốc gia “xuất khẩu qua Internet” thứ 3 thế giới, đứng thứ 8 thế giới về bán hàng qua Facebook… Đối với SMEs, đây là một cơ hội tuyệt vời. Hãy tập trung vào hàng tiêu dùng. Một hộp café ở Việt Nam bán chỉ được 5 USD, nhưng bán trên trang Amazon được gần 20USD. Đó là cơ hội và thực tế tôi đã gặp những bạn trẻ Việt Nam kiếm tiền qua nền tảng Facebook mỗi tháng hơn 100.000 USD”, ông Tước chia sẻ.

Facebook giờ không còn là một mạng xã hội chia sẻ cá nhân mà đã trở thành “cỗ máy kiếm tiền” khổng lồ, trở thành công cụ kiếm tiền cho bất kỳ ai sáng tạo, biết nắm bắt cơ hội từ nền tảng công nghệ này. Ngay cả một Tập đoàn xuyên quốc gia như Coca-Cola cũng đã nắm bắt xu hướng này và họ đã không bỏ qua kênh quảng bá hình ảnh qua mạng xã hội, nơi khoảng 80% bạn trẻ sử dụng để tiếp thị, truyền thông.

Theo ông Nguyễn Khoa Mỹ, Giám đốc Đối ngoại và Truyền thông của Coca-Cola Southeast Asia, Inc., tháng 4/2016, Coca-Cola đã  chia sẻ ứng dụng công nghệ số cho lực lượng bán hàng và làm thế nào tận dụng nền tảng di động để thúc đẩy các thông điệp tương tác giữa thương hiệu và người tiêu dùng. “SMEs ở Việt Nam là xương sống của nền kinh tế, chiếm đến 98% số doanh nghiệp, nhưng chỉ mới hơn 2 % sử dụng công nghệ số cho kinh doanh.

Để bứt phá, họ không cần phải sáng tạo công nghệ mới, chỉ cần ứng dụng nền tảng công nghệ của các hãng công nghệ nguồn vào sản xuất, kinh doanh, tiếp thị, bán hàng và chắc chắn sẽ thành công.

Khẳng định việc các dịch vụ đám mây có thể giúp chuyển đổi SMEs gia tăng năng lực cạnh tranh, giúp SMEs giải quyết các bài toán về vận hành, ông Nguyễn Văn Giáp, Phụ trách khối SMEs của Microsoft Việt Nam cho rằng, những hạn chế như rào cản tâm lý, bài toán chi phí khi triển khai dịch vụ đám mây, đã hạn chế sự đổi mới công nghệ của SMEs.

Theo thống kê của Google Customer Barometer, có tới 54% người Việt đã kết nối trực tuyến, với khoảng 52 triệu người dùng internet và Việt Nam là quốc gia có dân số kết nối trực tuyến đứng thứ 5 trong khu vực Châu Á - Thái Bình Duơng. Internet đã giúp chuyển biến nhiều khía cạnh cuộc sống hàng ngày tại Việt Nam, bao gồm cả cách thức người tiêu dùng tương tác với doanh nghiệp. Trong khi đó, gần 98% các doanh nghiệp Việt Nam là SMEs, khối doanh nghiệp này mang đến 51% tổng số việc làm và đóng góp 40% GDP. Internet mở ra cơ hội lớn cho khối SMEs nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung. Nhưng cho đến nay, việc số hóa của các SMEs còn chậm bởi những thách thức như thiếu nhận thức về lợi ích của kết nối trực tuyến; cho rằng việc số hóa tốn nhiều chi phí và thiếu cơ hội tiếp cận với nguồn vốn đầu tư; thiếu chuyên môn kỹ thuật nội bộ; xã hội có thói quen dùng tiền mặt...

Ông Kevin O'Kane, Giám đốc điều hành khối Doanh nghiệp vừa và nhỏ của Google Châu Á Thái Bình Dương chia sẻ, mỗi doanh nghiệp Việt Nam, dù hoạt động ở bất cứ ngành nghề nào, đều có thể trở thành một doanh nghiệp thương mại điện tử. “Chúng tôi hy vọng, SMEs Việt Nam sẽ nhận thấy, việc tạo dựng mô hình thương mại điện tử dễ hơn họ nghĩ và Google có đủ công cụ cũng như sản phẩm để sẵn sàng giúp họ thành công”, ông Kevin O'Kane nói.

Đầu tư thương mại điện tử cho ngành hàng tiêu dùng nhanh sẽ tăng mạnh
Thị phần thương mại điện tử trong ngành hàng tiêu dùng nhanh ở Việt Nam hiện mới chiếm 0,2%, và đây là thời điểm đầu tư thích hợp cho lĩnh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư