Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Lạm phát 2,54% phản ánh đúng diễn biến giá cả hàng hóa
Mạnh Bôn - 03/08/2022 08:08
 
Trong khi lạm phát ở các nước trên thế giới 7 tháng đầu năm 2022 đã lên đến 7-8%, thì Việt Nam mới dừng lại ở con số 2,54%.

“Cách tính lạm phát của Việt Nam hoàn toàn chính xác và phù hợp với thông lệ quốc tế”, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) khẳng định.

Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê).

Trong khi nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nền kinh tế lớn như EU, Hoa Kỳ, Anh... đang phải gồng mình đối phó với lạm phát, thì Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam chỉ ở mức 2,54%. Đây là kỳ tích, thưa bà?

Gọi là kỳ tích thì có lẽ hơi quá, nhưng các tổ chức quốc tế đều đánh giá, Việt Nam rất thành công trong kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, vẫn không được chủ quan, vì trong tháng 7 vừa qua, có tới 10/11 nhóm hàng hóa, dịch vụ tăng so với tháng trước, khiến CPI tăng 0,4% - mức tăng khá cao, nhưng rất may là, nhờ tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường, cộng với giá xăng dầu trên thị trường thế giới giảm, tạo điều kiện để giảm giá xăng dầu liên tiếp 3 lần (giảm tổng cộng 8,68% đối với xăng và 4,03% đối với dầu diesel), nên chỉ số giá dịch vụ giao thông giảm 2,85%, góp phần làm CPI chung giảm 0,28 điểm phần trăm.

Nhưng tính chung, trong 7 tháng đầu năm nay, mặc dù đã có tổng cộng 6 đợt giảm giá bán lẻ xăng dầu, song so với cùng kỳ năm 2021, giá xăng dầu bình quân vẫn tăng 49,75%, tác động làm CPI tăng 1,79 điểm phần trăm trong tổng số 2,54%.

Không nghi ngờ về con số lạm phát 2,54% do Tổng cục Thống kê công bố, nhưng thưa bà, giữa con số công bố với giá hàng hóa thực tế trên thị trường khác nhau xa quá?

Một lần nữa, tôi khẳng định, Tổng cục Thống kê áp dụng phương pháp tính CPI từ năm 1995 cho đến nay theo đúng thông lệ quốc tế và chuẩn mực tính lạm phát của các định chế tài chính quốc tế. Phương pháp tính, chuẩn mực áp dụng để tính CPI mà Việt Nam đang thực hiện cũng là phương pháp, chuẩn mực đang được hầu hết các nền kinh tế trên thế giới áp dụng để tính lạm phát. Do quyền số hàng hóa, dịch vụ trong rổ hàng hóa, dịch vụ tính CPI ở mỗi nước khác nhau, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trình độ kinh tế, thu nhập của người dân, chi tiêu của người tiêu dùng rất khác nhau, nên không thể thấy lạm phát ở tại EU, Hoa Kỳ, Anh... cao ngất ngưởng, còn Việt Nam thấp để suy luận rằng, cách tính CPI của Việt Nam chưa chuẩn.

Tôi cũng xin nói thêm, cùng chịu áp lực giá xăng dầu tăng, nguyên nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng, giá lương thực, thực phẩm tăng, nhưng lạm phát có nước cao, nước thấp, ở xung quanh chúng ta, lạm phát của Indonesia, Malaysia tương tự Việt Nam, thậm chí lạm phát của Nhật Bản, Trung Quốc còn thấp hơn, mặc dù 2 cường quốc này vẫn tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, thực hiện các gói tài khóa kích thích tăng trưởng kinh tế, đi ngược hoàn toàn với chính sách thắt chặt tiền tệ của EU, Hoa Kỳ và nhiều nước khác trên thế giới.

Nhưng thưa bà, trên thực tế, giá rau quả, lương thực, thực phẩm ở chợ tăng cao hơn rất nhiều với con số 2,54%?

Người tiêu dùng thấy giá xăng dầu giảm liên tiếp 3 lần trong tháng 7 với mức độ giảm rất lớn, chứ không “nhỏ giọt” như nhiều lần giảm trước đây, nhưng cước taxi, vé “xe đò” vẫn chưa chịu giảm, thậm chí giá lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu từ gạo, bánh mì, mỳ sợi... đến mỳ, phở, cháo ăn liền, bột mỳ, miến, phở, ngũ cốc, thủy sản tươi sống, dầu ăn, rau củ, nước mắm, đường, bơ, sữa, bánh, mứt, kẹo... còn tăng.

Đây là một thực tế, nhưng không phải cao hơn rất nhiều so với con số 2,54%. Cụ thể, so với tháng trước, trong tháng 7/2022, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,37%, đặc biệt là giá thịt lợn - thực phẩm chủ đạo trong bữa ăn của người Việt - tăng tới 4,29%. So với cùng kỳ năm trước, có tới 9/11 nhóm hàng hóa, dịch vụ trong tháng 7 tăng giá; còn so với đầu năm thì có 10/11 nhóm hàng hóa, dịch vụ tăng giá.

Nghĩa là, biến động của giá cả hàng hóa, dịch vụ được phản ánh đúng thực tế, thưa bà?

Giá cả hàng hóa, dịch vụ trên thị trường tăng đều được Tổng cục Thống kê phản ánh đầy đủ, kịp thời, chính xác, sát với diễn biến thực tế và bảo đảm được tính so sánh về số liệu với các nước trên thế giới cũng như trong khu vực.

Để tính toán được sự biến động của từng mặt hàng, Tổng cục Thống kê phải tổ chức thu thập giá cả hàng hóa, dịch vụ, giao dịch thực tế trên thị trường tại 40.000 địa điểm kinh doanh ổn định thuộc mọi loại hình kinh tế trên khắp cả nước. Và để khách quan hơn, hàng năm, Tổng cục Thống kê đều đề nghị Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cử chuyên gia đến Việt Nam rà soát, đánh giá nguồn thông tin, phương pháp tính, mặt hàng đại diện, quyền số từng nhóm hàng hóa trong rổ hàng hóa, dịch vụ tính CPI theo đúng tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế. Vì vậy, sự biến động của CPI nói chung, của từng loại hàng hóa, dịch vụ nói riêng do Tổng cục Thống kê thu thập, tính toán và công bố hoàn toàn chính xác, phản ánh đúng diễn biến của thị trường.

Còn nhiều người cho rằng, giá trên thị trường cao hơn thực tế chủ yếu là do cảm quan và cũng chỉ có một số rất ít loại hàng hóa nào đó tăng rất cao, nhưng trong rổ tính CPI lại không chỉ đích danh loại hàng hóa đó.

Chỗ dựa chính để kiểm soát lạm phát trong 7 tháng đầu năm là mặt hàng lương thực, thực phẩm dồi dào và ổn định. Tuy nhiên, giá thịt lợn và nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm khác trên thị trường bắt đầu “nhảy múa”, thưa bà?

Tại Việt Nam, việc sản xuất và cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm luôn được đảm bảo. Nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào, đáp ứng nhu cầu của người dân, nên giá cả thời gian qua tương đối ổn định. Tuy nhiên, nguy cơ đối diện với cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu sẽ tạo áp lực lên tiêu dùng trong nước.

Bên cạnh đó, do giá thức ăn chăn nuôi tăng, khiến giá thịt gia súc, gia cầm, thủy sản tươi sống đã tăng trở lại, đặc biệt là giá thịt lợn và sản phẩm chế biến từ thịt lợn. Vì vậy, để kiềm chế lạm phát, các bộ, ngành, địa phương phải đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của người dân đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu.

Các bộ, ngành, địa phương cần đánh giá, nhận định các mặt hàng, nguyên vật liệu nào có khả năng thiếu hụt tạm thời hay trong dài hạn để từ đó đưa ra được chính sách phù hợp. Đối với nguyên liệu đầu vào quan trọng như sắt thép, vật liệu xây dựng, thức ăn chăn nuôi cần thúc đẩy tăng năng lực sản xuất trong nước, ưu tiên cung ứng cho thị trường trong nước hơn thị trường xuất khẩu, đồng thời chủ động các biện pháp bình ổn giá, không để xảy ra trường hợp tăng giá bất hợp lý.

Trước bối cảnh lạm phát gia tăng do sức ép thiếu các mặt hàng thiết yếu, một số quốc gia đã áp dụng biện pháp cấm hoặc hạn chế xuất khẩu một số mặt hàng nào đó nhằm bảo đảm đủ nguồn cung trong nước. Vì vậy, tôi cho rằng, nếu tình hình căng thẳng, Việt Nam cũng có thể áp dụng biện pháp này đối với một số mặt hàng thiết yếu như thịt lợn và sản phẩm chế biến từ thịt lợn.

Cải cách là chìa khóa giảm áp lực đối với lạm phát
Dù mối lo lạm phát có vẻ đang làm khó mục tiêu quan trọng nhất của kinh tế Việt Nam là phục hồi tăng trưởng, song cải cách thể chế có thể là...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư