Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Lạm phát có đáng lo?
Hà Nguyễn - 12/08/2016 09:05
 
Ngân hàng HSBC vừa đưa ra dự báo về khả năng lạm phát năm 2016 “sẽ đánh bật mức dự báo 5% của Chính phủ Việt Nam”. Vậy lạm phát năm 2016 có thực sự đáng lo?

Thực tế, nỗi lo về lạm phát cao quay trở lại trong năm 2016 đã được cảnh báo từ mấy tháng trước, sau khi Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giữ đà tăng khá nhanh trong quý I và sang cả quý II/2016. Cũng đã có những dự báo về lạm phát năm nay sẽ vượt mục tiêu 5% mà Chính phủ đề ra. Song sau khi CPI tháng 7/2016 được công bố, với mức tăng 0,13% so với tháng 6/2016 và tăng 2,48% so với tháng 12/2015, thì nỗi lo dịu hẳn.

Cả Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đều cho rằng, lạm phát năm nay sẽ tiếp tục được kiểm soát ở mức khoảng 5%, lạm phát cơ bản sẽ chỉ khoảng 2% và nếu chưa tính tới việc tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục trong 6 tháng cuối năm, thì lạm phát cả năm 2016 sẽ chỉ ở mức 3,5 - 4%.

.

Một yếu tố có thể khiến CPI tăng cao trong những tháng cuối năm đó là tăng trưởng tín dụng có thể vượt mức dự kiến 18-20%.

Đây có thể là kịch bản khá lạc quan, bởi sau 6 tháng tăng liên tiếp, CPI tháng 7 đã không còn tăng nhanh và bắt đầu đi ngang.        

Xu hướng này có thể tiếp diễn trong thời gian tới, khi giá dầu thô dự báo sẽ không tăng mạnh, làm giảm áp lực tăng giá đầu vào. Ở trong nước, việc điều chỉnh tăng giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý cũng được điều phối chặt chẽ theo lộ trình, đi đôi với tăng cường công tác quản lý, bình ổn giá, đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hoá trên thị trường. Có nghĩa, các yếu tố làm tăng giá đang khá an toàn.

Nhưng HSBC cũng có lý khi viện dẫn một loạt yếu tố có thể khiến CPI tăng cao trong những tháng cuối năm. Đó là giá thực phẩm và dịch vụ chăm sóc sức khỏe đã tăng dần đều trong suốt 6 tháng qua; Chính phủ cũng đang có kế hoạch tăng chi phí chăm sóc sức khỏe vào những tháng cuối năm 2016, nửa đầu năm 2017. Tương tự, học phí sẽ được điều chỉnh trong tháng 9/2016. Và một yếu tố không thể bỏ qua, đó là tăng trưởng tín dụng có thể vượt mức dự kiến 18-20%.

Thực tế, lạm phát cả năm 2016 hiện không phụ thuộc nhiều vào yếu tố bên ngoài, ngoại trừ trường hợp giá dầu thô tăng đột biến, mà chịu tác động lớn bởi các chính sách điều hành giá cả các mặt hàng do Nhà nước quản lý. Nếu không khéo và không đi đúng lộ trình, việc điều chỉnh giá này sẽ ảnh hưởng tới lạm phát cả năm. Bên cạnh đó, nỗi lo không hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay, khiến các nhà hoạch định chính sách ưu tiên hơn cho mục tiêu tăng trưởng cũng có thể là một nguyên nhân khác khiến lạm phát năm 2016 tăng cao hơn so với năm 2015.

Mặc dù dư địa điều hành vẫn còn lớn, bởi theo cách tính của Việt Nam, lạm phát sau 7 tháng mới dừng ở con số 2,48% và lạm phát năm 2016 chưa phải là mối quan ngại lớn, song vẫn không thể chủ quan.

Không chỉ HSBC, mà nghiên cứu mới đây của Học viện Chính sách phát triển cũng đã chỉ ra rằng, tần suất xuất hiện lạm phát cao ngày càng dày. Nếu trước đây là 5 năm, thì nay là 3 năm. Điều đó có nghĩa rằng, một khi không kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, thì sau 1-2 năm nữa, lạm phát cao có thể quay trở lại. Khi đó, vòng xoáy suy giảm tăng trưởng lại bắt đầu và kinh tế Việt Nam sẽ càng khó khăn hơn.

Cũng bởi thế, không riêng các tổ chức quốc tế, mà nhiều chuyên gia trong nước cũng liên tiếp đưa ra khuyến nghị. Đó là, Chính phủ không nên hướng tới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá, thay vào đó vẫn phải kiên định các ưu tiên đề ra về cải cách kinh tế vi mô, củng cố dư địa điều hành chính sách kinh tế.

Khuyến nghị này được đánh giá là có ý nghĩa trong mọi trường hợp, ngay cả khi lạm phát năm 2016 tiếp tục ở mức thấp.

Lo lãi suất tăng theo lạm phát
Động thái tăng lãi suất huy động trở lại từ giữa tháng 6/2016 đến nay của một loạt ngân hàng thương mại đang khiến nguy cơ lãi suất cho vay...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư