Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
Lạm phát tiếp tục duy trì mức tăng thấp, chỉ 1,29%
Hà Nguyễn - 29/05/2021 10:06
 
Với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2021 tăng 0,16% so với tháng trước, bình quân 5 tháng, CPI chỉ tăng 1,29%, thấp nhất kể từ năm 2016.
CPI tháng 5/2021 tăng 1,43% so với tháng 12/2020 và tăng 2,9% so với tháng 5/2020.

Tổng cục Thống kê vừa chính thức công bố, CPI tháng 5/2021 tăng 0,16% so với tháng trước. Giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào tăng ảnh hưởng đến chi phí sản xuất làm cho giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng; giá xăng dầu tăng theo giá thế giới; giá điện, nước sinh hoạt tăng theo nhu cầu tiêu dùng là những nguyên nhân chính của sự tăng giá này.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho biết, CPI tháng 5/2021 tăng 1,43% so với tháng 12/2020 và tăng 2,9% so với tháng 5/2020.

Trong khi đó, bình quân 5 tháng đầu năm 2021, CPI tăng 1,29% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.

Cụ thể, CPI bình quân 5 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước các năm 2016-2021 lần lượt tăng 1,59%; 4,47%; 3,01%; 2,74%; 4,39%; và tăng 1,29%.

Như vậy, lạm phát của Việt Nam vẫn đang tiếp tục duy trì mức tăng thấp, chỉ 1,29% và vẫn còn cách khá xa mục tiêu điều hành lạm phát dưới 4% của năm nay.

Điều này sẽ tạo thuận lợi hơn cho công tác chỉ đạo, điều hành giá cả năm 2021, cho dù nhiều yếu tố rủi ro vẫn còn ở phía trước.

Quay trở lại với diễn biến giá cả thị trường tháng 5/2021, Tổng cục Thống kê cho biết, trong mức tăng 0,16% của CPI tháng 5/2021 so với tháng trước, có 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 3 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.

Trong đó, Nhóm giao thông có mức tăng cao nhất - với 0,76%, làm CPI chung tăng 0,07 điểm phần trăm. Có mức tăng này chủ yếu là ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng, dầu vào ngày 27/4/2021 và ngày 12/5/2021, làm chỉ số giá xăng tăng 2,12%, dầu diezen tăng 2,8%.

Tiếp đó, là Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng - tăng 0,4%. Nhóm đồ uống và thuốc lá và nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình cùng tăng 0,09%; Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,04%; Nhóm giáo dục tăng 0,03%; Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01%; còn Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,06%.

Trong khi đó, các nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm bao gồm: Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch - giảm 0,23%, do chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19; Nhóm bưu chính - viễn thông, giảm 0,15%; Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép - giảm 0,01%.

Ở một góc độ khác, Tổng cục Thống kê cho biết, lạm phát cơ bản tháng 5/2021 tăng 0,15% so với tháng trước và tăng 1,13% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 5 tháng đầu năm nay tăng 0,82% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong khi đó, giá vàng trong nước tiếp tục biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Bình quân giá vàng thế giới đến ngày 25/5/2021 tăng 4,38% so với tháng 4/2021. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 5/2021 tăng 1,68% so với tháng trước; giảm 0,88% so với tháng 12/2020 và tăng 13,02% so với cùng kỳ năm trước.

Còn với chỉ số USD, theo Tổng cục Thống kê, do giới đầu tư lo ngại về lạm phát của Mỹ gia tăng, nên đồng USD trên thị trường thế giới giảm.

Ở trong nước, lượng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dồi dào đáp ứng nhu cầu về ngoại tệ của các doanh nghiệp nhập khẩu. Do vậy, chỉ số giá USD tháng 5/2021 giảm 0,21% so với tháng trước; giảm 0,02% so với tháng 12/2020 và giảm 1,15% so với cùng kỳ năm trước.

Những yếu tố gây áp lực lên lạm phát
Theo Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), “áp lực lạm phát trong những tháng cuối năm vẫn vô cùng lớn”.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư