Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Lâm Việt ghi dấu ấn cho gỗ xuất khẩu Việt
Như Nguyệt - 30/11/2015 20:45
 
Trong bối cảnh ngành chế biến gỗ xuất khẩu Việt Nam đang dần lấy lại đà tăng trưởng, năm 2015, Công ty cổ phần Lâm Việt (tỉnh Bình Dương) tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ngoạn mục, tạo dấu ấn tốt trong ngành gỗ xuất khẩu.
Sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu Lâm Việt được hàng loạt nhà nhập khẩu tầm cỡ thế giới chú ý
Sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu Lâm Việt được hàng loạt nhà nhập khẩu tầm cỡ thế giới chú ý

Tăng trưởng ấn tượng

Công ty cổ phần Lâm Việt được thành lập năm 2002, với lĩnh vực hoạt động chính là sản xuất hàng đồ gỗ xuất khẩu gồm nhiều chủng loại như đồ gỗ ngoài trời (Outdoor), trong nhà (Indoor). Với nhiều nỗ lực đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực sản xuất và tích cực xúc tiến thương mại, Lâm Việt đã tìm được chỗ đứng vững chắc trong nhiều thị trường trọng điểm như Mỹ, châu Âu, Australia…

Những năm gần đây, Lâm Việt luôn đạt mức tăng trưởng cao, từ 25 đến 30%/năm. Đặc biệt, năm 2015 là thời điểm tăng trưởng ấn tượng nhất trong 13 năm phát triển của Công ty, với mức tăng trưởng trên 50%.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Liêm, Giám đốc Công ty cho biết, xuất khẩu gỗ toàn ngành luôn đạt giá trị tăng trưởng khá, năm sau cao hơn năm trước. Dự báo kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sẽ tăng mạnh đến cuối năm nay do châu Âu đang giảm sản xuất đồ gỗ vì bị ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, khiến nhiều nhà máy tại các nước sản xuất đồ gỗ lớn tại Italy, Đức, Mỹ phải thu hẹp sản xuất hoặc đóng cửa, trong khi đồ gỗ của Trung Quốc đang bị Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá…

Hơn nữa, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập sẽ tạo thêm nhiều cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp công nghiệp chế biến gỗ vì đây là một trong 12 ngành ưu tiên xuất khẩu của Việt Nam. “Điểm đáng chú ý là, có sự dịch chuyển các đơn hàng từ Trung Quốc về Việt Nam, bởi xu hướng tiêu dùng thế giới đã thay đổi, đồng thời ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam có chi phí sản xuất thấp hơn, chất lượng đảm bảo. Cùng với việc phát huy tốt các ưu thế của mình, Lâm Việt cũng tận dụng tốt cơ hội thị trường để có những bước đi đột phá”, ông Liêm nói.

Các báo cáo tài chính những năm gần đây cho thấy, kim ngạch xuất khẩu Lâm Việt luôn đạt được kết quả rất ấn tượng. Cụ thể, năm 2013, xuất khẩu giúp Lâm Việt thu về 12 triệu USD, thì năm 2015, con số này cán mốc kỷ lục 20 triệu USD, vượt xa chỉ tiêu 17 triệu USD mà Công ty đặt ra. Kết quả này giúp Lâm Việt củng cố vị thế vững chắc trong top các doanh nghiệp lớn của ngành gỗ xuất khẩu Việt Nam.

Theo lãnh đạo Công ty Lâm Việt, tại thời điểm này, diễn biến thị trường khá thuận lợi, nhu cầu đặt hàng từ đối tác tăng mạnh và vượt xa năng lực cung ứng của Công ty. Nếu đà tăng trưởng thị trường xuất khẩu duy trì như hiện nay, thì mục tiêu nâng kim ngạch xuất khẩu của Lâm Việt lên 24 triệu USD vào năm sau có tính khả thi rất cao.

Điểm ấn tượng trong hoạt động của Lâm Việt là, trải qua giai đoạn suy thoái của kinh tế thế giới những năm trước đây, thị trường xuất khẩu đồ gỗ của Lâm Việt được tái cấu trúc hiệu quả. Theo đó, Công ty tăng dần tỷ trọng hàng xuất khẩu sang thị trường chủ lực, đòi hỏi chất lượng cao, nhu cầu ổn định và giá trị gia tăng cao như Mỹ, Anh. Tính riêng hai thị trường này đã chiếm 90% tỷ trọng hàng xuất khẩu hàng năm của Lâm Việt, trong đó thị trường Mỹ chiếm 60%.

Thương hiệu đồ gỗ Lâm Việt được đánh giá cao khi hàng loạt nhà nhập khẩu tầm cỡ thế giới tìm tới thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Có thể kể tới Restoration Hardware, Front Gate, Williams - Sonoma (Mỹ), Nixxin, JB Global, Silver Cross, Hartman, Bettenwelt, Persoon (châu Âu)…

Theo ông Liêm, Lâm Việt được các nhà nhập khẩu chú ý vì sản phẩm gỗ đảm bảo chất lượng, nhất là được sản xuất từ nguồn gỗ hợp pháp. Khoảng một năm trở lại đây, nhiều nhà nhập khẩu đã tìm đến Lâm Việt đặt hàng, góp phần thúc đẩy Công ty mở rộng thị trường, nâng cao năng lực sản xuất, tạo thêm giá trị gia tăng.

Đầu tư tăng năng lực sản xuất

Thế mạnh của Lâm Việt dựa trên 3 trụ cột là nguyên liệu bền vững, tài chính mạnh mẽ, chất lượng đảm bảo. Với quan điểm chất lượng nguyên liệu tạo nên sự khác biệt cho sản phẩm, Lâm Việt quan hệ chặt chẽ với các nhà cung cấp nguyên liệu gỗ lớn. Gỗ nguyên liệu của Lâm Việt chủ yếu được nhập khẩu từ những quốc gia có trình độ quản lý rừng bền vững và tin cậy như Hoa Kỳ và một số nước ở châu Âu.

Đặc biệt, Công ty luôn truy suất nguồn gốc để kiểm soát và chọn gỗ hợp pháp thông qua nhật ký trồng gỗ được quản lý bền vững và khai thác nguồn gỗ rừng trồng trưởng thành trên 20 năm, đảm bảo một mức độ cao về môi trường và xã hội, cũng như chất lượng phù hợp.

Ông Liêm cho biết thêm, trở ngại lớn nhất với doanh nghiệp gỗ khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ là việc Chính phủ nước này áp dụng nghiêm ngặt Đạo luật Lacey, Flegt về vấn đề tăng cường thực thi luật pháp về lâm nghiệp, quản trị rừng và buôn bán gỗ, trong đó nguồn nguyên liệu gỗ đầu vào bị thắt chặt quản lý. Tuy nhiên, Lâm Việt không ảnh hưởng lớn từ trở ngại này, bởi từ trước đó, Công ty đã rất quan tâm vấn đề xuất xứ nguyên liệu.

Để đáp ứng các đơn hàng lớn, yêu cầu chất lượng cao từ các đối tác nhập khẩu tên tuổi trên thế giới, Lâm Việt mạnh tay đầu tư nâng cao năng lực sản xuất. Năm 2014, Công ty đã đầu tư hơn 40 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng thứ hai sản xuất đồ gỗ indoor trên diện tích 12.000 m2, nâng tổng mức đầu tư lũy kế lên trên 80 tỷ đồng (chưa kể giá trị đầu tư đất).

Cũng nhằm tối ưu hóa quy trình, tiết giảm chi phí sản xuất và nâng cao trình độ gia công đồ gỗ, Lâm Việt đang đầu tư 700.000 USD lắp đặt hệ thống máy CNC hiện đại từ châu Âu. Hiện tại, Lâm Việt đủ năng lực đáp ứng nhanh chóng những đơn hàng lớn, với công suất 50 container đồ gỗ indoor và 70 container đồ gỗ outdoor (loại 40 feet)/tháng.

Với đội ngũ nghiên cứu, phát triển, sản xuất năng động và giàu kinh nghiệm, Lâm Việt thực hiện tốt các đơn hàng OEM, sản xuất theo thiết kế, thông số kỹ thuật được đặt trước từ các đối tác quốc tế. Công ty được đánh giá rất chuyên nghiệp trong thực hiện đơn đặt hàng theo yêu cầu của khách hàng từ bất cứ loại gỗ như gỗ thông, gỗ sồi, gỗ keo, gỗ teak…

“Chúng tôi cũng đa dạng hóa các sản phẩm phụ kiện từ nhiều loại vật liệu như MDF, ván ép, nhôm, dệt may, thép… Song song đó, nhờ cải tiến liên tục, chúng tôi luôn cung cấp cho khách hàng sản phẩm với giá cả cạnh tranh, chất lượng tốt, đảm bảo thời gian giao hàng, đặc biệt là dịch vụ sau bán hàng”, ông Liêm nói.

Với việc nhiều hiệp định thương mại song phương, đa phương đã và đang chuẩn bị được ký kết, tạo cơ hội mở rộng thị trường, cùng với nhu cầu về các sản phẩm gỗ trên thế giới tăng cao, xu hướng thị trường sẽ thuận lợi trong năm 2016. Đón tín hiệu lạc quan, Lâm Việt chuẩn bị tốt nguyên liệu sản xuất, tiếp tục đầu tư thiết bị, công nghệ mới và đầu tư thêm nhà máy mới để gia tăng năng lực, tận dụng tốt thời cơ đưa Lâm Việt tham gia sâu chuỗi giá trị ngành gỗ toàn cầu.

126 doanh nghiệp tham gia Hội chợ đồ gỗ và trang trí nội thất Việt Nam 2015
Hội chợ đồ gỗ và trang trí nội thất Việt Nam 2015 (VIFA HOME 2015) nhằm khuyến khích người tiêu dùng hàng Việt.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư