Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Lan rộng làn sóng chuyển đổi số du lịch
Tú Ân - 23/07/2023 08:09
 
Cuộc chuyển đổi số du lịch đang diễn ra mạnh mẽ ở nhiều địa phương, doanh nghiệp tại Việt Nam.

Đua nhau chuyển đổi số du lịch

Khám phá hang Sơn Đoòng - tour du lịch luôn kín khách, với chi phí tới 70 triệu đồng/khách - đã được National Geographic tái hiện bằng ứng dụng công nghệ thực tế ảo (VR). Tour du lịch ảo này sẽ đưa người tham quan đi theo hành trình được tạo ra từ hình ảnh 360 độ, kết hợp cùng các hiệu ứng âm thanh phù hợp với từng cảnh quan…, tạo hiệu quả tích cực trong quảng bá du lịch cho tỉnh Quảng Bình.

Tại TP.HCM, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ đã ứng dụng công nghệ trình chiếu 3D (thiết bị công nghệ Hologram) trong không gian trưng bày, giúp khách tham quan có thể cảm nhận hiện vật như trong không gian thực với nhiều góc độ khác nhau.

Hay Bảo tàng Chứng tích chiến tranh tái hiện 5 nhà tù lớn ở miền Nam Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ trong một container mô phỏng đặt ngoài trời. Không chỉ sử dụng các công nghệ 3D, tại đây còn kết hợp cả các công nghệ ánh sáng, nhiệt độ, âm thanh... nhằm thể hiện phần nào tính chân thật của các nhà tù xưa…

Thời gian tới, ngành du lịch TP.HCM sẽ tiếp tục xây dựng máy tra cứu thông tin du lịch và tham quan thực tế ảo, triển khai hệ thống chatbot hỗ trợ thông tin du lịch, nâng cấp hệ thống ứng dụng QR code trong thông tin giới thiệu tại các điểm tham quan thành công nghệ RFID, triển khai Dự án Trung tâm Điều hành du lịch thông minh…

-Tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong nửa đầu năm 2023 đạt 5.574.969 lượt, với tổng doanh thu ước đạt 343.199 tỷ đồng.

-Năm 2023, ngành du lịch đề ra mục tiêu đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó có khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, với tổng doanh thu từ khách du lịch khoảng 650.000 tỷ đồng.

Tại Hà Nội, ấn tượng chuyển đổi số là trợ lý du lịch ảo hỗ trợ du khách trên các ứng dụng du lịch thông minh như Visit Hanoi, MyHanoi, với các tính năng như là trợ lý du lịch ảo hỗ trợ du khách. Tại các điểm đến như Văn Miếu, Hoàng thành Thăng Long, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam… đã phát triển hệ thống thuyết minh tự động và nhiều công nghệ hiện đại khác phục vụ du khách. Các doanh nghiệp áp dụng hệ thống phần mềm QR code, cửa soát vé tự động, phần mềm quản lý khách…, qua đó nâng cao năng lực quản trị của đơn vị.

Cũng trong tháng 7/2023, tỉnh Ninh Bình ra mắt ứng dụng du lịch thông minh “Ninhbinhtourisminfo” giúp du khách cập nhật thông tin về các điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn của Ninh Bình để có lựa chọn phù hợp cho chuyến du lịch.

Đến nay, đã có hơn 40 tỉnh, thành phố có ứng dụng, phần mềm, web du lịch thông minh nhằm quảng bá, thu hút khách du lịch đến với địa phương. Sự thay đổi trong chuyển đổi số du lịch đến từ những việc nhỏ như thay vé giấy bằng vé điện tử, QR-code đến ứng dụng những công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo để nâng cao trải nghiệm của khách du lịch.

Ông Phạm Văn Thủy, Phó cục trưởng Cục Du lịch quốc gia (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, thời gian tới, ngành du lịch sẽ tiếp tục đẩy mạnh số hóa các điểm di sản, danh thắng. Triển khai áp dụng hệ thống vé điện tử tại các điểm di tích, loại bỏ vé giấy truyền thống và thay thế bằng việc sử dụng vé điện tử quét mã QR vào cổng, có thể sử dụng một vé duy nhất cho cả một đoàn khách. Đồng thời, tăng cường xúc tiến, quảng bá các điểm di sản, danh thắng trên các nền tảng số.

Cần thêm nhiều trợ lực

Với du lịch Việt Nam, các nội dung chuyển đổi số hướng tới 3 đối tượng chính là cơ quan quản lý, doanh nghiệp và du khách. Các nội dung liên quan chuyển đổi số rất đa dạng như đầu tư hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, số hóa, tài liệu, số hóa điểm đến, hệ thống quản lý, chia sẻ dữ liệu và dịch vụ dùng chung ngành du lịch, xây dựng, nâng cấp các phần mềm chuyên ngành hướng tới hiện đại hóa và quảng bá thông tin du lịch theo các định hướng chuyển đổi số...

Bà Đỗ Hồng Xoan, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, chuyển đổi số là nhu cầu tất yếu, là vấn đề sống còn của các doanh nghiệp du lịch hiện nay.

“Quốc hội đã thông qua chương trình phát triển, có bổ sung ngân sách để bổ sung chuyển đổi số và xúc tiến du lịch. Chúng tôi mong muốn có những chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch nhỏ và vừa chuyển đổi số, giúp phục hồi du lịch và phát triển mạnh mẽ hơn nữa”, bà Xoan đề xuất.

Còn ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất, Việt Nam cần có một website quốc gia và một ứng dụng quốc gia chuyên nghiệp. Website này là địa chỉ tin cậy, đầy đủ các hoạt động du lịch của Việt Nam cũng như kênh hỗ trợ du khách về tất cả các vấn đề liên quan một cách chuyên nghiệp. Hiện tại, Việt Nam đã có website quốc gia, nhưng cần đầu tư mạnh hơn vào việc thiết kế, xây dựng, tổ chức, vận hành một website quốc gia và một ứng dụng di động quốc gia về du lịch theo cách chuyên nghiệp, nội dung phong phú, hấp dẫn, trong đó có cả bản đồ về du lịch, mang lại nhiều hữu ích cho khách du lịch...

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia cho biết, Chính phủ rất quan tâm đến chuyển đổi số, thể hiện qua việc ban hành nhiều văn bản, chính sách, định hướng cũng như đầu tư nguồn lực.

Việt Nam đã và đang tập trung triển khai các giải pháp mang tính nền tảng hỗ trợ công tác quản lý và kinh doanh du lịch, như hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu du lịch, kết nối dữ liệu giữa các địa phương và với các bộ, ngành liên quan khác. Đồng thời, phát triển nền tảng số hỗ trợ du khách với các dịch vụ đa tiện ích. Bên cạnh đó, áp dụng hệ thống vé điện tử, đổi mới công tác quản lý vé tại các khu, điểm du lịch, nâng cao trải nghiệm cho du khách và bảo vệ môi trường…

Thúc đẩy hợp tác công - tư trong chuyển đổi số du lịch
Du lịch Việt Nam cần nâng cao hạ tầng công nghệ để đáp ứng phiên bản kế tiếp của Internet - vũ trụ ảo (metaverse), nhằm đón đầu xu thế nhân...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư