Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Lãng phí nguy hại hơn tham ô
Hàn Tín - 07/06/2013 06:05
 
Cho ý kiến vào Dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí sửa đổi, ông Trần Tiến Dũng, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Hà Tĩnh cho rằng: “Tham ô còn không nguy hại bằng lãng phí. Vì tham ô, dù sao tài sản, tiền bạc vẫn còn, còn lãng phí là vứt đi, thậm chí còn phải bỏ thêm thời gian, tiền bạc để khắc phục sự lãng phí”.
TIN LIÊN QUAN
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Đinh Tiến Dũng cho biết, từ năm 2006 đến năm 2010, các đơn vị ngành tài chính thực hiện 32.933 cuộc thanh tra, kiểm tra, đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính 18.473 tỷ đồng.

Trong đó, thu hồi cho ngân sách nhà nước 15.037 tỷ đồng; xử phạt hành chính 1.037 tỷ đồng; xử lý tài chính khác 2.398 tỷ đồng.

“Từ năm 2006 đến tháng 7/2012, hệ thống kho bạc nhà nước đã thực hiện kiểm soát và phát hiện trên 219.000 khoản chi của hơn 96.443 lượt đơn vị chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định và đã yêu cầu đơn vị bổ sung các thủ tục cần thiết, đã từ chối chưa thanh toán với số tiền khoảng 2.086 tỷ đồng”, ông Đinh Tiến Dũng cho biết thêm.

Đối với lĩnh vực xây dựng cơ bản, Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa nhận: “Thất thoát, lãng phí xảy ra ở hầu hết các giai đoạn của quá trình đầu tư, dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp”.

Cụ thể, trong năm 2010, cả nước có 3.386 dự án chậm tiến độ, chiếm 9,78% số dự án thực hiện trong kỳ; số dự án phải điều chỉnh chiếm 15,14% (5.239/34.607 dự án); số dự án vi phạm quy định về quản lý đầu tư là 221 dự án, chiếm 0,63%.

“Kết quả kiểm toán 8 tháng đầu năm 2012 cho thấy, hầu hết các dự án đầu tư được kiểm toán đều có sai phạm trong công tác đấu thầu, thẩm định, phê duyệt dự án, nghiệm thu khống, nghiệm thu sai khối lượng, đơn giá, quyết toán thừa cho nhà thầu”, nguyên Tổng Kiểm toán Nhà nước Đinh Tiến Dũng cho biết thêm.

Đại biểu Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh)

Tình trạng lãng phí, theo ĐBQH Trần Tiến Dũng thì khó lòng đo đếm một cách chính xác như số liệu tổng hợp của các cơ quan Trung ương (Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ...).

“Ngành y tế kêu thiếu tiền để kiên cố hóa trường lớp học. Số tiền trái phiếu chính phủ phát hành hàng năm và cấp cho ngành này vô cùng lớn nhưng vẫn kêu không đủ, nhưng có một thực tế là trong khi nhiều nơi chưa đủ tiền để kiên cố hóa trường lớp học, vậy mà có không ít nơi trường học không có học sinh, lớp học được đầu tư kiên cố vẫn không có học sinh. Đây chính là sự lãng phí vô cùng lớn”, ông Trần Tiến Dũng khẳng định.

Ngoài lãng phí về mặt vật chất, tiền bạc có thể cân đo, đong đếm được và cũng có thể hạn chế được nếu có chế tài xử lý nghiêm và minh bạch trong việc sử dụng tài sản công, sử dụng tiền ngân sách thì có một sự lãng phí vô cùng lớn không thể cân đo đong, đong đếm được đó là lãng phí nguồn nhân lực.

“Hiện có một tỷ lệ rất lớn cán bộ, công chức, viên chức “sáng cắp ô đi, chưa hết giờ đã cắp ô về”; và một tỷ lệ rất lớn công chức, cán bộ, viên chức làm việc không hiệu quả. Đây không chỉ là lãng phí nguồn nhân lực mà thực ra là sự tham ô thời gian, tiền bạc của người dân, vì người dân phải đóng thuế để nuôi báo cô những người này”, ông Trần Tiến Dũng bức xúc và kiến nghị trong lần sửa Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí lần này phải tính đến chống lãng phí nguồn nhân lực chứ không chỉ chống lãng phí trong sử dụng tài sản công, ngân sách nhà nước.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, ông Ngô Văn Minh

ĐBQH tỉnh Quảng Nam, ông Ngô Văn Minh lại có sự bức xúc khác trước thực trạng “xài tiền chùa” vô tội vạ.

“Công trình, dự án nào khi hoàn thành, chưa cần biết hiệu quả đến đâu, nhưng lúc khánh thành phải thật “hoành tráng”, băng-rôn, khẩu hiểu rợp trời, ô tô biển công nối đuôi nhau đi dự lễ khánh thành; các quan chức cắt băng khánh thành dài hàng chục mét, rộng mấy chục phân chỉ để quay phim, chụp ảnh rồi sau đó vứt đi. Đây chính là sự lãng phí vô cùng lớn”, Đại diện cho cử tri tỉnh Quảng Nam bức xúc.

Ông Minh cho biết, ông rất bức xúc trước thực tế này nên đã nhiều lần lên tiếng tại nhiều diễn đàn khác nhau, kể cả trên nghị trường Quốc hội nhưng ít người hưởng ứng vì cho rằng tiền tổ chức khai trương, khánh thành, động thổ là tiền của doanh nghiệp, không phải tiền nhà nước.

“Dù là tiền của ai, của người dân, tổ chức, doanh nghiệp thì cũng đều là của cải xã hội, vì thế Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí sửa đổi phải điều chỉnh cả việc này”, ông Minh kiến nghị.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư