Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 15 tháng 10 năm 2024,
Lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ quan ngại về lệnh cấm của Mỹ đối với TikTok
Lê Minh (TTXVN/Vietnam+) - 27/08/2020 09:12
 
Các nhà kinh tế và lãnh đạo các doanh nghiệp Mỹ cho rằng không có đủ bằng chứng cáo buộc về mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và cảnh báo về những hệ quả không mong muốn.
Lanh dao doanh nghiep My quan ngai ve lenh cam cua My doi voi TikTok hinh anh 1
Biểu tượng ứng dụng chia sẻ video TikTok tại văn phòng ở Culver, Los Angeles, Mỹ, ngày 21/8/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Các nhà kinh tế và lãnh đạo các doanh nghiệp Mỹ đã bày tỏ quan ngại về lệnh cấm mà chính quyền Tổng thống Donald Trump ban hành nhằm vào ứng dụng chia sẻ video TikTok.

Họ cho rằng không có đủ bằng chứng cho những cáo buộc về mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và cảnh báo về những hệ quả không mong muốn.

Ông Gary Hufbauer, một cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ và là chuyên gia của Viện Peterson về kinh tế quốc tế, cho rằng rõ ràng không có bằng chứng cho thấy TikTok gây mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Mỹ.

Theo ông, cáo buộc này dựa trên suy đoán rằng bất kỳ thiết bị di động nào có cài đặt ứng dụng của một công ty Trung Quốc đều có thể được sử dụng để theo dõi người Mỹ.

Đó là những phát biểu nhằm vào sắc lệnh hành pháp mà ông Trump đã ký ngày 6/8, theo đó cấm các công ty và người Mỹ giao dịch với công ty mẹ của TikTok là ByteDance của Trung Quốc trong vòng 45 ngày và một sắc lệnh tương tự đối với WeChat, một ứng dụng nhắn tin và mạng xã hội thuộc sở hữu của tập đoàn công nghệ Tencent cũng của Trung Quốc.

Ngày 24/8, TikTok đã đệ đơn kiện chính quyền của ông Trump liên quan đến sắc lệnh cấm giao dịch với ByteDance.

Trong hồ sơ khiếu kiện gửi tới Tòa án Liên bang Mỹ, TikTok cáo buộc giới chức Mỹ tước đoạt quyền của công ty mà không có bất cứ bằng chứng nào, đồng thời khiếu nại về sắc lệnh của chính quyền Tổng thống Trump nhằm hạn chế công ty này là sự lạm dụng Đạo luật Về quyền hạn kinh tế khẩn cấp quốc tế.

TikTok cho rằng Mỹ đã bỏ qua những nỗ lực của công ty để giải quyết những vấn đề mà Mỹ lo ngại.

TikTok khẳng định việc quản lý nội dung tại Mỹ do một nhóm hoạt động độc lập tại nước này thực hiện và ứng dụng này lưu trữ dữ liệu của người dùng tại Mỹ trên các máy chủ được đặt tại đây và tại Singapore.

Ông Craig Allen, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung (USCBC) - tổ chức đại diện cho hơn 200 doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc, dù ủng hộ chính quyền của ông Trump trong việc bảo mật dữ liệu và bảo vệ an ninh quốc gia vẫn cho rằng Chính phủ Mỹ cần cung cấp bằng chứng là cơ sở của lệnh cấm.

Ông nói cần có bằng chứng về những điều khoản rất không rõ ràng để thấy rằng quy định pháp luật và thủ tục hợp pháp được áp dụng đầy đủ với các công ty nước ngoài đang hoạt động tại thị trường Mỹ.

Ông cho rằng cần đối xử với các công ty Trung Quốc tại Mỹ theo cách mà Mỹ muốn các công ty nước này được đối xử tại Trung Quốc.

Nhấn mạnh rằng WeChat không chỉ là ứng dụng nhắn tin mà các doanh nghiệp Mỹ sử dụng để giao dịch với các khách hàng tại thị trường Trung Quốc mà còn là nền tảng thanh toán rất quan trọng, Chủ tịch USCBC cho rằng sẽ có những thiệt hại về thương mại nếu các doanh nghiệp Mỹ bị cấm sử dụng WeChat.

Ông lo ngại chính phủ các nước khác cũng có thể sẽ có hành động tương tự đối với các doanh nghiệp Mỹ.

Trong khi đó, ông Jeffrey Sachs, Giáo sư kinh tế tại Đại học Columbia và là cố vấn của Liên hợp quốc, cho rằng những hành động nhằm vào TikTok và WeChat nhằm làm suy yếu vị thế của Trung Quốc trong nền kinh tế số của toàn cầu, chủ yếu vì những lý do địa chính trị.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 14/8 đã yêu cầu ByteDance phải thoái vốn khỏi các hoạt động của TikTok tại Mỹ trong vòng 90 ngày. Microsoft Corp, Twitter và Oracle đã tham gia các cuộc đàm phán thâu tóm công ty này.

Ông Geoffrey Garrett, Hiệu trưởng Trường kinh doanh Marshall thuộc Đại học California, cho rằng giá trị của TikTok rõ ràng là sự kết hợp giữa khối lượng lớn dữ liệu người dùng và những thuật toán mà công ty này sử dụng để xây dựng nội dung theo thị hiếu của người dùng, và đây là lý do các tập đoàn lớn của Mỹ như Microsoft và Oracle quan tâm đến việc thâu tóm TikTok.

TikTok cho biết số người dùng ứng dụng này hàng tháng tại Mỹ đã vọt lên mức 91.937.040 người tính đến tháng Sáu và tính theo con số hàng quý, 100 triệu người Mỹ sử dụng ứng dụng này để thể hiện bản thân và kết nối với người khác./.

Lê Minh
TikTok xóa hơn 380.000 video có nội dung gây thù hận tại Mỹ
Ứng dụng chia sẻ video này cũng đã chặn khoảng 1.300 tài khoản vì vi phạm quy định cấm các nội dung và hành vi kích động hận thù, xóa 64.000 bình...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư