Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Lãnh đạo phải là “kiến trúc sư” của doanh nghiệp
Thị Hồng - 28/05/2018 20:27
 
Để một doanh nghiệp kinh doanh thành công, đằng sau định hướng chiến lược, tầm nhìn đúng đắn cần xây dựng một nền tảng kiến trúc doanh nghiệp thực thi cho chiến lược.
.
Ông Đàm Diệu Phúc, Phó giám đốc Canon Marketing Việt Nam trong tập 6 Cafe khởi nghiệp

Kiến trúc doanh nghiệp là gì?

Cụm từ tái cơ cấu doanh nghiệp được nhắc đến và lặp lại rất nhiều trong bối cảnh kinh doanh hiện nay. Nhưng, khái niệm “kiến trúc doanh nghiệp” có lẽ còn khá mới với các doanh nghiệp Việt Nam.

Theo ông Đàm Diệu Phúc (Bill Đàm), Phó giám đốc Canon Marketing Việt Nam, kiến trúc doanh nghiệp không chỉ xoay quanh việc phát triển kinh doanh, mà còn là tìm cách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển từ 5-10 năm tới và không thể đứng ngoài sự phát triển của công nghệ.

Nói một cách ngắn gọn, kiến trúc doanh nghiệp nhằm tạo nên đồng bộ hóa và mang lại sự phát triển trong dài hạn cho doanh nghiệp.

“Đó là thể hiện tầm nhìn tương lai và sự chuẩn bị chủ động”, ông Bill Đàm nói.

Ông lấy ví dụ, công nghệ xử lý hình ảnh đã trở thành lợi thế cốt lõi của Canon suốt 85 năm qua. Dựa trên giá trị cốt lõi này, Canon đã nghiên cứu và cho ra mắt hàng loạt sản phẩm vệ tinh hướng vào đối tượng doanh nghiệp (B2B) như máy in, máy chiếu, máy photocopy, máy fax hay máy scan... thay vì tập trung vào sản phẩm dành cho đến người tiêu dùng cuối cùng (B2C).

Tuy nhiên, trong tiềm thức của nhiều khách hàng, nhắc đến Canon là nghĩ về máy ảnh. Như vậy, với yêu cầu của kiến trúc doanh nghiệp, ban lãnh đạo Tập đoàn và các phòng ban phải làm sao để người tiêu dùng có thể hiểu những lĩnh vực mà Canon đang tham gia.

“Ngoài các giải pháp hình ảnh, hiện chúng tôi đang tiến hành số hóa tài liệu, phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Cùng với đó là khẩu hiệu Business can be simple với mong muốn góp phần tạo nên sự đơn giản mà hiệu quả trong kinh doanh”, ông Bill Đàm chia sẻ kinh nghiệm.

Với những công ty start-up, khi nguồn vốn còn hạn hẹp, ông Bill Đàm đưa ra gợi ý, chỉ cần đầu tư cho những công nghệ cần thiết nhất, hoặc thuê ngoài (outsourcing) thay vì thành lập cả một đội ngũ chuyên biệt.

Giảm đến 50% tổng chi phí bằng đồng bộ hóa

Trong quá trình tiếp xúc với các doanh nghiệp đối tác của Canon tại Singapore, ông Bill Đàm nhận ra, tầm nhìn ban lãnh đạo của các doanh nghiệp đang dần thay đổi.

10 năm trước, Canon phải làm việc với bộ phận hành chính văn phòng trong việc thương thảo các hợp đồng đặt hàng, mua sắm máy móc, thiết bị liên quan, thì nay, bộ phận IT của một số công ty được giao trách nhiệm này.

“Bộ phận IT hiểu được khó khăn về công nghệ, thiết bị... ở các phòng ban, từ đó đưa ra những kế hoạch đầu tư tạo nên sự đồng bộ hóa và tối giản hoạt động kinh doanh mà vẫn trở nên hiệu quả”, ông Bill Đàm nói.

Theo nghiên cứu và phân tích của Canon, trung bình mỗi doanh nghiệp chi từ 3-5% doanh thu cho các hoạt động in ấn. “Đây là những con số rất lớn”, ông Bill nói. Đó là lý do vì sao Canon đã tiến hành giới thiệu các giải pháp xử lý thông tin hình ảnh và quản lý quy trình số hóa tài liệu trong văn phòng. Nếu sự đồng bộ hóa được triển khai toàn diện, cắt giảm các quy trình lưu trữ và tìm kiếm tài liệu một cách thủ công, các giải pháp trên có thể tiết giảm từ 20-50% tổng phi phí cho hoạt động in ấn của doanh nghiệp.

Đại diện này cũng chia sẻ về công nghệ hình ảnh cũng như phân tích dữ liệu giúp Amazon có thể chủ động giảm giá theo từng không gian, thời gian từng phút khác nhau.

B2C mang lại 60% tổng doanh thu của Canon tuy nhiên, tỷ lệ này sẽ thay đổi và phụ thuộc vào B2B trong 10-20 năm tới.

Sự phát triển của công nghệ tạo mục tiêu cuối cùng là gia tăng năng suất làm việc của người lao động cũng như đưa ra những quyết định kịp thời cho kế hoạch từng giai đoạn. Điều nan giải là Canon phải phân tích và giải các bài toán cho từng doanh nghiệp, nhất là những kiến trúc sư trưởng.

Công thức chung để một doanh nghiệp hoạt động hiểu quả là phải bắt đầu từ tầm nhìn, sứ mệnh của người lãnh đạo, từ đó thực hiện các quyết sách đầu tư vào phần cứng, phần mềm cho việc đồng bộ hóa và tăng trưởng dài hạn. Nhưng quan trọng nhất vẫn là kiến trúc sư trưởng – người lên kế hoạch cho thực thi các định hướng của doanh nghiệp.

CAFÉ KHỞI NGHIỆP là chương trình dành cho những người trẻ nhiệt huyết, đam mê và có hoài bão ghi dấu ấn của mình trên thương trường. Chương trình là nơi các Start-up đã, đang và sắp thành công gặp gỡ, chia sẻ về những chông gai trên con đường thực hiện mơ ước của cuộc đời.
Chương trình do HTV7 phối hợp cùng TV Hub Entertainment & Media độc quyền sản xuất và được phát sóng vào 7 giờ sáng thứ 6 hàng tuần trên kênh HTV7.
Website chương trình tập 6: https://www.youtube.com/watch?v=dRQVgcKZiAk
Baodautu.vn là đơn vị bảo trợ thông tin Chương trình CAFÉ KHỞI NGHIỆP.

 

Doanh nhân Bùi Xuân Phong: Khởi nghiệp nên bắt đầu từ... làm thuê
Ông Bùi Xuân Phong, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sam Tuyền Lâm, đồng thời là thành viên HĐQT độc lập Công ty cổ phần Công viên nước Đầm Sen...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư