Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Lào Cai: Hạt nhân tăng trưởng miền núi phía Bắc
Ngọc Trâm - 02/04/2013 07:10
 
Là tỉnh vùng cao, biên giới có nhiều dân tộc anh em sinh sống, các điều kiện về tự nhiên, xã hội, con người đã tạo cho Lào Cai các tiềm năng, thế mạnh đa dạng, phong phú cùng lợi thế so sánh vượt trội trong khu vực.
TIN LIÊN QUAN

(baodautu.vn) Về kinh tế cửa khẩu, Lào Cai có vị trí địa kinh tế, địa chính trị và vai trò quan trọng trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, là cầu nối giữa Việt Nam, các nước ASEAN với miền Tây Nam Trung Quốc. Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu đang thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp kinh doanh thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu và du lịch.

Với hệ thống đường sắt, đường thủy, đường bộ, tương lai gần có cả đường hàng không; đặc biệt có đường cao tốc Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đang xây dựng, việc nâng cấp tuyến đường sắt đang thực hiện, dự án xây dựng sân bay đã được phê duyệt, Lào Cai có điều kiện để phát triển nhanh và bền vững, trở thành “cực tăng trưởng” và “hạt nhân tăng trưởng” của các tỉnh miền núi phía Bắc.

Cửa khẩu Quốc tế Hà Khẩu (Lào Cai)?đang thu hút sự quan tâm, chú ý của nhiều doanh nghiệp

Về công nghiệp, Lào Cai là tỉnh giàu tài nguyên khoáng sản có trên 35 loại khoáng sản khác nhau với trên 150 điểm mỏ có giá trị công nghiệp, trong đó có nhiều loại khoáng sản quý, có chất lượng cao, trữ lượng lớn hàng đầu Việt Nam như: Apatít, sắt, đồng, graphít, nguyên liệu gốm, sứ, thuỷ tinh... Lào Cai còn là tỉnh có tiềm năng thuỷ điện gần 1.000 MW.

Về nông lâm nghiệp, Lào Cai có diện tích đất nông, lâm nghiệp dồi dào kết hợp với đặc điểm khí hậu xứ lạnh là tiềm năng để phát triển các loại nông sản đặc sản xứ lạnh có giá trị kinh tế cao như: hoa, quả, thảo dược.... Thực vật rừng phong phú cả về số lượng loài và tính đa dạng, điển hình của thực vật. Diện tích rừng lớn, thảm thực vật phong phú và sự đa dạng các loại động vật là lợi thế của tỉnh trong phát triển công nghiệp khai thác, chế biến lâm sản.

Về du lịch, Lào Cai có các điểm du lịch Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, đặc biệt điểm du lịch Sa Pa nổi tiếng trong nước và quốc tế, với khí hậu mát mẻ, những tour du lịch sinh thái hấp dẫn trên Vườn Quốc gia Hoàng Liên là Vườn di sản tự nhiên ASEAN với đỉnh Fansipan cao 3.143m, được coi là nóc nhà của Đông Dương.

Những năm qua, với sự chủ động và tích cực, tỉnh Lào Cai đã triển khai có hiệu quả chính sách của Chính phủ, có các giải pháp phù hợp, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành nên kinh tế của tỉnh vượt qua nhiều khó khăn, tiếp tục duy trì tăng trưởng cao và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Năm 2012, vượt qua những khó khăn chung của nền kinh tế, kinh tế - xã hội của Lào Cai đã có sự bứt phá: tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 14%; cơ cấu kinh tế theo GDP: nông lâm nghiệp chiếm 27,1% - công nghiệp xây dựng 38,2% - dịch vụ 34,7%; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 1,229 tỷ USD; thu hút khách du lịch đạt gần 1 triệu lượt; tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 3.221 tỷ đồng; tổng dư nợ tín dụng đạt 12.200 tỷ đồng, tỷ lệ giảm nghèo đạt 7,6%, hiện còn 27,96%.

Trong những năm qua, môi trường đầu tư sản xuất kinh doanh của tỉnh Lào Cai đạt nhiều bước tiến đáng kể, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao và phản ánh khách quan, trung thực thông qua Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Liên tục trong nhiều năm liền, PCI của Lào Cai đứng trong Top 10 cả nước. Môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh được cải thiện tích cực là một trong những điều kiện hỗ trợ hiệu quả công tác thu hút đầu tư.

Năm 2012, Lào Cai đã thu hút, cấp mới giấy chứng nhận đầu tư cho 39 dự án, với tổng vốn đăng ký 2.482 tỷ đồng, trong đó có 3 dự án FDI (vốn đăng ký 4,8 triệu USD). Trên địa bàn tỉnh hiện có 397 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 43.645 tỷ đồng, 27 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 510 triệu USD.

Trên địa bàn tỉnh Lào Cai đang và sẽ triển khai nhiều dự án công nghiệp quan trọng như Dự án Nhà máy Gang thép Lào Cai (công suất giai đoạn I là 500.000 tấn/năm, quý III/2013 hoàn thành, đi vào hoạt động; giai đoạn 2 nâng lên 2 triệu tấn/năm). Nhà máy DAP số 2 công suất suất 330.000 tấn/năm, hoàn thành vào năm 2014, Nhà máy gỗ MDF Bảo Yên, nhà máy sản xuất phân lân nung chảy công suất 100.000 tấn/năm, nâng công suất nhà máy super lân Lào Cai lên 200.000 tấn/năm; Nhà máy chế biến chè chất lượng cao Thanh Bình.

Tại địa bàn tỉnh, còn có 10 dự án trọng điểm với hơn 11.000 tỷ đồng của Tổng Công ty Khoáng sản Vinacomin đang triển khai, các dự án của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam với hơn 10.000 tỷ đồng ,...

Tổng dự án theo quy hoạch thủy điện trên địa bàn Lào Cai hiện là 123 dự án, với tổng công suất thiết kế 1.087 MW, đến nay đã hoàn thành đi vào hoạt động 27 dự án với công suất 373,8 MW; 50 dự án đã khởi công, đang thi công với công suất 602,4 MW. Tại Lào Cai còn triển khai các dự án đầu tư về lĩnh vực kho tàng, bến bãi tại Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai , Khu Thương mại - Công nghiệp Kim Thành; các dự án khách sạn, khu nghỉ dưỡng tại Sapa, Bắc Hà và TP. Lào Cai, các dự án đầu tư khu đô thị, khu nhà ở thương mại. Các dự án về lĩnh vực nông nghiệp đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư, dự án trồng chuối, cao su, lá thuốc lá, rau chất lượng cao,...

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIV đã chỉ rõ định hướng phát triển của tỉnh Lào Cai đến năm 2015 là phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới là trọng tâm; phát triển công nghiệp là đột phá; phát triển thương mại - du lịch, dịch vụ là mũi nhọn.

Lào Cai đã và đang phối hợp với Bộ Giao thông - Vận tải để hoàn thành Dự án Đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai và nâng cấp các tuyến Quốc lộ 4E, 4D, 279; cải tạo tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội; nghiên cứu thực hiện đầu tư Sân bay Lào Cai. Phát triển đô thị trung tâm TP. Lào Cai trở thành đô thị loại 2, là trung tâm kinh tế lớn, đô thị hiện đại của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ, là địa bàn quan trọng về hợp tác quốc tế với vùng Tây Nam (Trung Quốc) của vùng và cả nước.

Hiện Sa Pa tiếp tục được mở rộng thành thị xã du lịch và trở thành điểm du lịch trọng điểm của cả nước. Tỉnh còn đầu tư nâng cấp thị trấn Phố Lu thành thị xã Phố Lu sau năm 2015. Thực hiện tốt vai trò “cầu nối” của Hành lang kinh tế Côn Minh - Hà Nội - Hải Phòng, đẩy mạnh tốc độ gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu qua cặp cửa khẩu quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu; đầu tư nâng cấp Khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai, trọng tâm là Khu Thương mại - Công nghiệp Kim Thành; quảng bá, nâng cao thương hiệu du lịch Sa Pa, Bắc Hà.

Mục tiêu của Lào Cai đến năm 2015 là đạt kim ngạch xuất nhập khẩu 2-3 tỷ USD; lượng khách du lịch đạt 1,5 triệu lượt người. Xây dựng mở rộng Khu công nghiệp Tằng Loỏng trở thành khu công nghiệp luyện kim - hoá chất trọng điểm quốc gia; quy hoạch, đầu tư thêm 1-2 khu công nghiệp tập trung. Đầu tư trạm biến áp 220KV và đường truyền tải điện 220KV Lào Cai - Yên Bái. Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng chương trình nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2015 có 36/144 xã đạt tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.

Để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng trên, tỉnh Lào Cai đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; cải tạo tuyến đường sắt Lào Cai- Hà Nội; báo cáo Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép thành lập Trường đại học Fansipan nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực có trình độ cao phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.

Tỉnh đề nghị Trung ương hỗ trợ đầu tư hạ tầng, xử lý chất thải tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng trở thành khu công nghiệp luyện kim- hoá chất lớn của cả nước, gồm nhà máy luyện gang thép, luyện đồng, tuyển apatit, sản xuất phân bón (lân, DAP), các nhà máy hoá chất HN3, H2SO4, H2PO4, phốt pho vàng... Lào Cai hiện có tiềm năng lớn về phát triển cây cao su, đề nghị Trung ương bổ sung Lào Cai vào quy hoạch phát triển cây cao su các tỉnh Tây Bắc.

Để khai thác các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và giúp các doanh nghiệp thực hiện dự án trên địa bàn, Lào Cai đã và đang chỉ đạo hệ thống ngân hàng chuẩn bị nguồn vốn tín dụng đến năm 2015 hơn 27.000 tỷ đồng.

Với tôn chỉ “Doanh nghiệp phát tài, Lào Cai phát triển”, tỉnh đã và đang tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đến đầu tư, kinh doanh, cùng hợp tác phấn đấu xây dựng quê hương Lào Cai trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế xã hội của vùng Tây Bắc và cả nước.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư