Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 12 năm 2024,
Lao đao thay tướng
Nhã Nam - 16/05/2015 15:22
 
Khi “tướng” đột ngột xin từ nhiệm, không ít doanh nghiệp lao đao chọn người kế nhiệm. Thuê nhân sự cấp cao bên ngoài hay đào tạo từ bên dưới là câu hỏi không dễ trả lời.

Một tuần trước đây, ông Atul Malik, Tổng giám đốc của Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank) đã chính thức từ nhiệm. Tạm thời, Maritime Bank phải giao nhiệm vụ điều hành cho Phó tổng giám đốc Tạ Ngọc Đa cho đến khi Ngân hàng bổ nhiệm Tổng giám đốc mới.

Dù là một trong những lãnh đạo cấp cao, giàu kinh nghiệm và đã nhiều năm gắn bó với Maritime Bank và cũng đã từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng, nhưng chuyện ông Đa có chính danh Tổng giám đốc trong tương lai hay không lại là chuyện khác.

Bà Quỳnh Như ở vị trí “ghế nóng” của chương trình kỳ này
Bà Quỳnh Như ở vị trí “ghế nóng” của chương trình kỳ này

 

 

Tương tự, Tập đoàn FLC cũng vừa chính thức bổ nhiệm bà Hương Trần Kiều Dung làm Tổng giám đốc Tập đoàn, thay cho ông Doãn Văn Phương được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Quản trị. Trước khi được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc, bà Hương Trần Kiều Dung đang là Phó tổng giám đốc thường trực Tập đoàn.

Trong khi đó, Tổng công ty Khí Việt Nam cũng vừa quyết định bổ nhiệm ông Dương Mạnh Sơn làm Thành viên HĐQT, kiêm Tổng giám đốc PVGas. Trước khi làm Tổng giám đốc, ông Sơn là Phó tổng giám đốc và đã đảm nhiệm vị trí này từ năm 2009.

Điều đáng nói là, vị trí Tổng giám đốc của PVGas cũng mới được bổ nhiệm ngày ngày 22/4/2015. Lúc đó, ông Lê Như Linh, Chủ tịch HĐQT PVGas được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam bổ nhiệm giữ chức Tổng giám đốc thay cho ông Đỗ Khang Ninh cho đến khi có quyết định bổ nhiệm chính thức.

Thay “tướng” có thể nói là chuyện đặng chẳng đừng. Nhưng những năm gần đây, có thể thấy xu thế này diễn ra khá rộng ở các doanh nghiệp, khi kinh doanh khó khăn, áp lực đặt trên vai người đứng đầu là vô cùng lớn.

Thậm chí, không chỉ là thay tướng, mà ngay cả đội ngũ nhân sự cấp cao cũng vậy. Xu thế này ngày càng rõ ràng hơn trong bối cảnh thị trường lao động cạnh tranh gay gắt, các ngành đều “khát” nhân sự cao cấp. Nguy cơ còn có thể lớn hơn khi hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, đặc biệt là việc cuối năm nay, Việt Nam sẽ tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN, thị trường lao động sẽ tự do đối với tất cả các quốc gia trong khu vực.

Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải chuẩn bị kỹ và có phương án dự phòng ngay từ bây giờ để tránh bị động trong trường hợp nhân sự cấp cao đột ngột xin nghỉ việc, thậm chí là chuẩn bị để xử lý các tình huống đang diễn ra hàng ngày tại doanh nghiệp.

Câu chuyện xảy ra ở một doanh nghiệp công nghệ thông tin, khi gần đây một số nhân sự cấp cao của công ty xin thôi việc với nhiều lý do khác nhau. Sau khi tìm hiểu, công ty phát hiện các nhân sự này có xu hướng tự bỏ đi để tìm cơ hội mới. Sự việc trở nên phức tạp khi một số khách hàng dừng mua sản phẩm, dịch vụ của công ty và chuyển sang làm việc với đối thủ cạnh tranh khiến công ty rơi vào tình cảnh khó khăn.

Trước tình hình này, CEO và các cổ đông đã phải ngồi lại với nhau. CEO cho rằng, ngay lập tức công ty phải bỏ thời gian, công sức và tiền bạc để săn lại những nhân sự giỏi tương tự ở các công ty khác về thay thế những nhân sự này. Đồng thời, phải xây dựng các chính sách nhân sự tốt hơn, có sức cạnh tranh cao hơn để thu hút và giữ chân được người giỏi khi bước vào kinh doanh trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN đầy cạnh tranh và thách thức.

Trong khi đó, dù đồng tình với CEO về vấn đề điều chỉnh chính sách nhân sự, nhưng các cổ đông lại cho rằng, để bổ sung, thay thế, không nên lấy người bằng cách săn nhân sự giỏi từ các công ty khác, vì như vậy quá tốn kém mà rủi ro vẫn cao. Tốt nhất nên tìm và tuyển chọn từ các hệ thống đào tạo nhân sự cao cấp bằng cách liên kết với các hệ thống đào tạo chất lượng cao để lấy người. Đồng thời, kiên nhẫn đào tạo đội ngũ kế cận trong doanh nghiệp của mình.

Mỗi bên đều có cái lý của mình. Vậy đâu là giải pháp hợp lý nhất cho doanh nghiệp? Câu trả lời sẽ được gợi mở trong Chương trình CEO - Chìa khóa thành công kỳ này, với chủ đề “Nhân sự thời hội nhập - Mất đội ngũ cấp cao”. Bà Đinh Thị Quỳnh Như, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên An Luật sẽ ngồi ở vị trí CEO để giải quyết tình huống nói trên.

CEO trẻ nhất ngành ngân hàng từ nhiệm
Ông Phạm Duy Hiếu, CEO trẻ nhất ngành ngân hàng vừa từ nhiệm từ 4/5 vì lý do cá nhân. Người thay thế là Phó tổng giám đốc Cù Anh Tuấn.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư