Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 08 tháng 09 năm 2024,
Lao động dệt may chờ được hỗ trợ
Hải Yến - 26/03/2020 13:20
 
Ông Lê Tiến Trường, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho rằng, vấn đề cấp bách nhất của doanh nghiệp dệt may hiện nay không phải là giao nhận đơn hàng nữa mà là làm thế nào sớm có chính sách hỗ trợ, để đảm bảo đời sống cho người lao động.
Trước khó khăn của dịch covid-19, 2,8 triệu lao động trong ngành dệt may đang chờ được hỗ trợ để vượt qua giai đoạn khó khăn, thiếu hụt đơn hàng xuất khẩu.
Trước khó khăn của dịch Covid-19, 2,8 triệu lao động trong ngành dệt may đang chờ được hỗ trợ để vượt qua giai đoạn khó khăn, thiếu hụt đơn hàng xuất khẩu

Khẩn trương đưa ra phương án hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Đào Ngọc Dung trong buổi làm việc với Lãnh đạo Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), giảm bớt phần nào ảnh hưởng do tác động của dịch Covid-19.

Báo cáo về tình hình lao động, việc làm ngành dệt may hiện nay, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Vitas cho biết, ngành dệt may Việt Nam hiện có khoảng 6.800 doanh nghiệp với 2,8 triệu lao động. Quy mô năng lực của toàn ngành dệt may Việt Nam đạt khoảng 45 tỷ USD, trong đó tiêu thụ nội địa chỉ khoảng 5 tỷ USD, phần còn lại đều phụ thuộc vào xuất khẩu.

Đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát từ Trung Quốc đã khiến ngành dệt may Việt Nam rơi vào khó khăn do thiếu hụt nguyên phụ liệu sản xuất. Khi đầu vào nguyên liệu vừa tạm đỡ thì đến lượt một số khách hàng tại 2 thị trường xuất khẩu chiếm trên 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành là Mỹ và EU thông báo tạm dừng nhận hàng trong khoảng thời gian từ 3 tuần đến 1 tháng.

Hiệp hội dệt may kiến nghị Bộ LĐ-TBXH về việc miễn toàn bộ việc đóng bảo hiểm xã hội đến hết tháng 6/2020, sau đó cho hoãn đóng đến tháng 12/2020 đối với phần của người sử dụng lao động và miễn đóng phần của người lao động; Miễn đóng bảo hiểm thất nghiệp đến hết năm 2020; Sử dụng quỹ bảo hiểm thất nghiệp để chi trả 50% lương tối thiểu cho công nhân thiếu việc làm, 50% còn lại do Tập đoàn chi trả; Miễn phí công đoàn đến hết năm 2020.

Ông Lê Tiến Trường, vấn đề cấp bách nhất của doanh nghiệp dệt may hiện nay không phải là giao nhận đơn hàng nữa mà là làm thế nào để đảm bảo đời sống cho người lao động.

“Để giải quyết vấn đề trên cần sự nỗ lực của doanh nghiệp, chia sẻ của người lao động, đặc biệt là hệ thống chính sách kịp thời của nhà nước để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Điều quan trọng, các nhóm giải pháp trợ giúp người lao động, doanh nghiệp cần được triển khai càng sớm càng tốt. Bởi, đến thời điểm này, không ít doanh nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp ngành dệt may buộc phải thu hẹp quy mô sản xuất, tạm thời cho một số người lao động nghỉ việc”, ông Lê Tiến Trường chia sẻ.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định, ngành dệt may đang thu hút tới 2,8 triệu người lao động làm việc, phía sau họ còn có những người thân trong gia đình. Con số này có thể lên tới cả chục triệu người. Bộ trưởng gợi ý việc đề xuất ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay cho doanh nghiệp vay để đóng bảo hiểm xã hội và trả lương ngừng việc cho người lao động do dịch Covid-19.

Về bảo hiểm thất nghiệp, 100% doanh nghiệp và người lao động được tạm dừng đóng bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian từ tháng 2 đến hết tháng 12/2020. Sau đó doanh nghiệp và người lao động phải đóng bù thời gian này mà không phải nộp tiền lãi chậm đóng.

Liên quan đến nhóm bảo hiểm xã hội với chính sách tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất theo quy định tại Điều 88 Luật Bảo hiểm xã hội, Điều 16 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ đối với doanh nghiệp gặp khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ này đang trình Chính phủ 3 phương án hỗ trợ doanh nghiệp.
Phương án 1, theo quy định hiện đang áp dụng là doanh nghiệp có từ 50% số lao động trong diện tham gia BHXH bắt buộc bị ngừng việc, thôi việc, không bố trí được việc làm; doanh nghiệp bị thiệt hại từ 50% tổng thu nhập do dịch Covid-19.
Phương án 2, mở rộng quy định về mức thiệt hại và hỗ trợ. Tuỳ theo tình hình thiệt hại của doanh nghiệp do Covid-19 gây ra và tỷ lệ lao động bị ngừng việc tới đâu thì hỗ trợ ở mức bấy nhiêu. Việc hỗ trợ không chỉ căn cứ vào phần trăm số lao động bị ảnh hưởng mà tất cả người bị ảnh hưởng, những người bị ngừng việc đều được tạm dừng việc đóng một phần bảo hiểm xã hội. Đồng thời không khống chế tỷ lệ thiệt hại trên 50% đối với doanh nghiệp mới được nhận hỗ trợ
Phương án 3, tạm dừng đóng vào quỹ hưu và tử tuất cho tất cả các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, người lao động bị mất việc làm hoặc ngưng việc, ưu tiên tập trung vào lĩnh vực bị thiêt hại nặng như vận tải, du lịch, chế biến thuỷ sản, may mặc… Thời hạn tạm dừng có thể kéo dài tới tháng 6. Nếu còn khó khăn thì có thể kéo dài tới tháng 12/2020.
Lo ngại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp lớn tạm hoãn đại hội cổ đông
Sabeco, Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động, Công ty Cổ phần Vinhomes... thông báo tạm hoãn tổ chức đại hội cổ đông do lo ngại dịch...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư