Thứ Bảy, Ngày 19 tháng 04 năm 2025,
Lào khuyến khích trồng sầu riêng quy mô lớn
Nhung Bùi - 16/04/2025 16:25
 
Chính phủ Lào đang tích cực hỗ trợ ngành trồng sầu riêng thương mại, tham vọng sớm mở rộng xuất khẩu sang Trung Quốc

Theo thông tin từ tờ Thời báo Viêng Chăn, chính quyền tỉnh Attapeu, một tỉnh nằm phía đông nam của Lào, mới đây đã cấp phép cho ba công ty tư nhân được trồng sầu riêng trên diện tích đất 300 ha.

Các bản thỏa thuận được ký kết vào khoảng đầu tháng 4, tại Sở Kế hoạch và Đầu tư của tỉnh Attapeu. Theo đó, mỗi công ty được phân bổ khoảng 100 ha đất với thời hạn sử dụng là 30 năm. Một phần nhỏ trong các khu đất vẫn dùng để duy trì hoạt động bảo tồn rừng, còn lại được chuyển đổi sang trồng sầu riêng.

Sau khi ký kết các thỏa thuận cấp phép, mỗi công ty cần phải xin giấy phép đầu tư và thực hiện các nghĩa vụ khác có liên quan, bao gồm nộp thuế và các khoản phí. 

Lào nỗ lực phát triển vùng trồng sầu riêng, hướng tới xuất khẩu sang Trung Quốc.

Kể từ năm 2021, các nhà đầu tư từ Trung Quốc, Việt Nam và Malaysia tích cực tham gia vào việc trồng sầu riêng ở Lào, bằng cách thành lập đồn điền trên khắp các vùng phía bắc, trung tâm và phía nam của đất nước này.

Được biết, nhờ dòng vốn đầu tư chủ yếu từ Trung Quốc và nhu cầu ngày càng tăng đối với sầu riêng ở thị trường tỷ dân, các đồn điền sầu riêng tại Lào đang mở rộng nhanh chóng. Một số doanh nghiệp Trung Quốc đã bắt đầu trồng sầu riêng tại Lào sau đó xuất khẩu số lượng lớn sản phẩm ngược trở lại Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu tăng cao của người tiêu dùng đại lục.

Các báo cáo trước đây chỉ ra rằng Công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp hiện đại Tứ Xuyên (Trung Quốc) đã được cấp phép sử dụng 5.000 ha đất ở tỉnh Attapeu. Công ty có kế hoạch trồng khoảng 2.670 ha sầu riêng và khoảng 2.000 ha các loại trái cây nhiệt đới có giá trị cao khác, với mục tiêu biến nơi đây thành đồn điền sầu riêng lớn nhất tại Lào.

Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp Lào từng tuyên bố hoạt động xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc dự kiến ​​sẽ bắt đầu vào năm 2025.

Vào tháng 10 năm ngoái, một nhóm thương nhân Trung Quốc đã gặp gỡ các thành viên của Phòng Thương mại và Công nghiệp Quốc gia Lào, cũng như các lãnh đạo từ Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp và Bộ Công nghiệp và Thương mại, để thảo luận về khả năng hợp tác trong thương mại với ngành hàng sầu riêng.

Trung Quốc đã yêu cầu Lào thành lập các hiệp hội và viện nghiên cứu để giám sát mọi khía cạnh của quy trình sản xuất sầu riêng, bao gồm lựa chọn giống, kỹ thuật canh tác, kiểm soát chất lượng, giá cả và hậu cần. Phía Lào bày tỏ sự ủng hộ đối với các đề xuất này, coi đây là những bước thiết yếu hướng tới việc tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc.

Về lâu dài, sầu riêng Lào được hưởng lợi nhờ vị trí địa lý gần Trung Quốc và lợi thế về hậu cần của tuyến đường sắt Trung Quốc-Lào, giúp giảm chi phí vận chuyển. Hơn nữa, chi phí canh tác ở Lào thấp hơn ở Thái Lan. Nhiều nhà đầu tư Trung Quốc cũng đặt mục tiêu cải thiện hoạt động nông nghiệp ở Lào thông qua các mô hình quản lý sáng tạo.

Dữ liệu từ Hải quan Trung Quốc cho thấy Trung Quốc đã nhập khẩu khoảng 1,56 triệu tấn sầu riêng vào năm 2024 với tổng giá trị kỷ lục là 6,99 tỷ USD, tăng 9,4% về lượng và 4,1% về giá trị so với 2023. Thái Lan và Việt Nam là 2 nguồn cung chính, chiếm thị phần lần lượt là 57,4% và 42,1%. Philippines và Malaysia cùng nhau chiếm 0,5% thị phần còn lại.

Ngoài Lào, Indonesia cũng đang nỗ lực xúc tiến để đưa sầu riêng vào thị trường Trung Quốc trong thời gian sớm nhất.

Indonesia tìm cách chen chân vào thị trường sầu riêng Trung Quốc
Là quốc gia sở hữu diện tích sầu riêng lớn nhất Đông Nam Á, Indonesia đang ráo riết chuẩn bị để có thể xuất khẩu loại “trái cây vua” sang...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư