Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Lập 5 đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm tại 10 tỉnh, thành phố
T.T - 30/03/2024 16:36
 
Từ ngày 15/4 - 15/5/2024, ở cấp trung ương, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm sẽ lập 5 đoàn kiểm tra tại 10 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Internet)

Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm vừa thông tin kế hoạch triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024, có chủ đề "Tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới".

Thời gian triển khai từ ngày 15/4 đến 15/5 trên phạm vi toàn quốc.

Theo đó, trước ngày 10/4, các đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương sẽ được thành lập do 3 Bộ chủ trì (gồm: Bộ Y tế chủ trì đoàn số 1, Bộ NN&PTNT chủ trì đoàn số 2 và 3, Bộ Công Thương chủ trì đoàn số 4 và 5).

Các Bộ sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiến hành kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại 10 tỉnh, thành phố trọng điểm.

Các tỉnh, thành này gồm: Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Hải Phòng, Hưng Yên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hòa Bình, Sơn La.

Cũng theo Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm , các Bộ Y tế, Công thương, NN&PTNT có quyền giao các đơn vị chức năng thanh tra, kiểm tra đột xuất tại các tỉnh, thành phố nhằm triển khai hiệu quả Tháng hành động.

Ở cấp địa phương, các đoàn kiểm tra liên ngành từ các xã, phường đến tỉnh, thành cũng sẽ được thành lập.

Bộ Y tế - cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm cho biết, việc tổ chức Tháng hành động vì an toàn thực phẩm nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm.

Đồng thời đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm; kịp thời thông tin các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cũng như các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, an toàn thực phẩm.

Đặc biệt, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm. Từ đó, giúp nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; giảm thiểu ngộ độc do thực phẩm không an toàn.

Vi phạm an toàn thực phẩm tràn lan, có phải do chế tài chưa đủ mạnh?
Dù thanh kiểm tra nhiều song vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm vẫn phổ biến, vì sao lại như vậy? Phải chăng chế tài xử lý vi phạm hiện nay...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư