Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Vi phạm an toàn thực phẩm tràn lan, có phải do chế tài chưa đủ mạnh?
D.Ngân - 13/02/2024 19:58
 
Dù thanh kiểm tra nhiều song vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm vẫn phổ biến, vì sao lại như vậy? Phải chăng chế tài xử lý vi phạm hiện nay chưa đủ sức răn đe?

Nói về khó khăn trong công tác kiểm soát an toàn thực phẩm hiện nay, ông Nguyễn Hùng Long, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế do lực lượng của chúng ta rất mỏng. Một tỉnh chỉ có một chi cục hoặc thậm chí chỉ là một phòng trong sở thực hiện nhiệm vụ.

Cơ quan chức năng đang lấy mẫu thực phẩm của cơ sở kinh doanh.

Còn của ngành Y tế thì số lượng cán bộ cũng khiêm tốn, tuyến huyện có vài người, tuyến xã, phường thì vài cán bộ y tế làm kiêm nhiệm. Trong khi, tổng số cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm trên toàn quốc khoảng 700.000 cơ sở lớn nhỏ. Với lực lượng như vậy khó mà đi kiểm soát hết được.

Cho nên ông Long cho rằng vấn đề trọng tâm vẫn là tuyên truyền để người sản xuất, người tiêu dùng tuân thủ theo quy định; Kiểm tra để xác định những nơi nào là nhóm thực phẩm nguy cơ, cơ sở nào có phản ánh của người dân không tốt sẽ tập trung kiểm tra ưu tiên.

Về chế tài xử lý, mức xử phạt hiện nay theo Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm không phải là thấp. Bởi vì những cơ sở nhỏ có khi bị phạt đến mấy chục triệu. Những vi phạm của doanh nghiệp lớn sản xuất số lượng nhiều, khi vi phạm có thể bị phạt đến hàng tỷ đồng.

"Chế tài phạt không phải là không có tính chất răn đe, bởi phạt nhiều thì cơ sở kinh doanh có thể phá sản, không thể sản xuất được nữa. Tuy nhiên, thực tế trong xã hội luôn có những thành phần cố tình lách luật để làm những sản phẩm không đạt yêu để lưu thông kiếm lợi bất chính. Do đó, dù chế tài xử phạt đến đâu thì vẫn sẽ có những người vi phạm", ông Nguyễn Hùng Long lý giải.

Về trách nhiệm của các bộ ngành trong quản lý an toàn thực phẩm theo ông Long, việc phân công hiện nay đang chia ra 3 bộ là y tế, công thương và nông nghiệp cùng kiểm tra, quản lý, còn theo Chỉ thị 17 của Ban Bí thư, sau này việc quản lý về an toàn thực phẩm sẽ về một đầu mối. Khi đó dù một đầu mối là bộ nào quản lý thì sự phối hợp liên ngành vẫn cần phải tiếp tục.

Chẳng hạn, ngành nông nghiệp thì không bao giờ thoát khỏi trách nhiệm đảm bảo nuôi trồng, thu hái đánh bắt, sơ chế nông sản thực phẩm;

Ngành công thương cũng không thể thiếu vì họ quản lý thị trường, trách nhiệm quản lý về lưu thông trên thị trường. Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng… cơ quan truyền thông cũng vẫn phải tuyên truyền trên các phương tiện đại chúng… Tất cả các ban ngành khác đều có vai trò nhất định.

“Việc cần thiết là phối kết hợp liên ngành ngày càng chặt chẽ hơn thì sẽ đảm bảo tốt hơn về vấn đề an toàn thực phẩm”, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm nói.

Về phía người dân, theo ông Nguyễn Hùng Long, để bảo đảm an toàn thực phẩm nguyên tắc đầu tiên là thực phẩm nên ăn chín. Nấu xong không để quá 4 giờ mới ăn.

Đối với thực phẩm mua sẵn, chúng ta lưu ý về nhãn mác đầy đủ và tuân thủ theo hướng dẫn về vận chuyển, bảo quản của người sản xuất.

Nâng cao ý thức người dân, doanh nghiệp trong đảm bảo an toàn thực phẩm
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ngoài biện pháp quản lý chặt với việc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư