Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Lập “barie” chặn đầu tư chui, đầu tư núp bóng
Nguyên Đức - 05/03/2021 09:18
 
Việt Nam đang quyết tâm xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý đầy đủ, minh bạch, công bằng, nhất là các quy định khắc phục tình trạng đầu tư chui, đầu tư núp bóng.
Lotte đã chính thức được phép tiếp tục thực hiện Dự án Lotte Thủ Thiêm (TP.HCM), bên cạnh Dự án Lotte Mall tại Hà Nội đang được triển khai (trong ảnh). Ảnh: Chí Cường

“Cửa” sáng cho các dự án lớn

Thông tin một lần nữa được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định tại buổi tiếp lãnh đạo Công ty TNHH Lotte Properties HCMC (Hàn Quốc) mới đây là, Chính phủ đã đồng ý cho Lotte Properties tiếp tục thực hiện Dự án Lotte Thủ Thiêm, bên cạnh Dự án Lotte Mall, đang được xây dựng ở Hà Nội.

Cuối năm 2020, Chính phủ đã có một nghị quyết riêng về vấn đề này, gỡ khó cho một dự án tỷ USD nhiều năm chưa thể triển khai được do các vướng mắc liên quan đến việc chỉ định nhà đầu tư ở khu vực Thủ Thiêm. “Cửa” đã mở cho Lotte Properties.

“Chúng tôi cam kết xây dựng Lotte Thủ Thiêm trở thành dự án đẹp tiêu biểu ở TP.HCM và châu Á”, ông Lee Kang Woo, Tổng giám đốc Lotte Properties Thủ Thiêm đã nói như vậy tại cuộc gặp Bộ trưởng Mai Tiến Dũng.

Trong khi đó, một thông tin đáng chú ý khác vừa được tiết lộ: Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast và Công ty Công nghệ ProLogium (Đài Loan) vừa ký kết biên bản ghi nhớ về việc hợp tác chiến lược.

Theo thỏa thuận, VinFast và ProLogium sẽ thành lập liên doanh sản xuất pin thể rắn cho xe ô tô điện tại Việt Nam. Liên doanh này sẽ được tiếp cận các bằng sáng chế và được phép sử dụng công nghệ đóng gói pin thể rắn MAB (Multi-Axis Bipolar + Technology - công nghệ lưỡng cực đa trục +) của ProLogium để sản xuất gói pin thể rắn CIM/CIP tại Việt Nam.

Việc hai tập đoàn lớn này bắt tay hợp tác đang mở ra các cơ hội đầu tư, kinh doanh mới cho cả hai bên. Đây cũng là một hình thức hợp tác đầu tư mà Việt Nam đang khuyến khích.

Tương tự, một cuộc hợp tác khác cũng đang được thiết lập, giữa Xiaomi (hãng điện tử hàng đầu của Trung Quốc) với một doanh nghiệp Việt Nam. Thông tin cho biết, Xiaomi đang có kế hoạch hợp tác với một đơn vị ở Việt Nam để xây dựng nhà máy lắp ráp điện thoại di động tại Hải Phòng ngay trong năm nay.

Thành lập từ tháng 4/2010, chỉ sau hơn 10 năm, Xiaomi đã vươn lên trở thành nhà sản xuất smartphone lớn thứ 3 thế giới, sau Samsung và Apple. Năm qua, Xiaomi đã xuất xưởng 146 triệu điện thoại thông minh trên toàn cầu, chiếm 11% thị phần.

Nếu Xiaomi thực sự tiến hành việc sản xuất tại Hải Phòng, thì đó sẽ là tin mừng cho ngành công nghiệp điện tử Việt Nam, vốn đang “lôi kéo” được nhiều tên tuổi lớn của thế giới đến thiết lập đại bản doanh sản xuất. Cũng là tin mừng với thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong bối cảnh nhiều dự báo cho thấy, Việt Nam đang trở thành tâm điểm chú ý của thế giới khi dòng vốn đầu tư dịch chuyển thời kỳ Covid-19.

“Một khi các đường biên giới mở cửa trở lại sau đại dịch, các nhà đầu tư sẽ quay trở lại Việt Nam”, ông Field Pickering, Trưởng bộ phận đầu tư mạo hiểm thuộc Vulpes Investment Management phát biểu như vậy với tờ DealStreetAsia.

Theo ông này, đó sẽ là “một cơn sốt đầu tư” và sẽ có các thương vụ bùng nổ, đưa Việt Nam vào nhóm thị trường mới nổi hàng đầu về thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Nhưng vẫn cần chặn đầu tư chui, đầu tư núp bóng

Các động thái kể trên cho thấy, Việt Nam đang thực sự trở thành tâm điểm đầu tư của thế giới. Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn khá thận trọng.

Trong báo cáo vừa trình Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn băn khoăn về tình hình đăng ký vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục chững lại.

Các con số được viện dẫn là, tính đến ngày 20/2/2021, vốn điều chỉnh của dự án tuy tăng 2,5 lần so với cùng kỳ, nhưng vốn đăng ký mới và góp vốn mua cổ phần vẫn ở mức thấp, lần lượt giảm 33,9% và 34,4%. Do vậy, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài chỉ đạt 5,46 tỷ USD, bằng 84,4% so với cùng kỳ năm 2020.

“Dự báo, dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục phục hồi chậm trong năm 2021 và hoạt động đầu tư sẽ chủ yếu thông qua phương thức mua bán, sáp nhập”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.

Điều này là đồng nhất với báo cáo đầu tư toàn cầu mà Hội nghị Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) công bố vào cuối tháng 1/2021. Đó là, các dự án đầu tư mới ở nước ngoài trên toàn cầu đã giảm mạnh, đặc biệt kể từ quý III/2020. Vì thế, ước tính cả năm 2020, đầu tư nước ngoài toàn cầu chỉ đạt 547 tỷ USD, giảm 35% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, châu Phi giảm 63%, Mỹ Mỹ La-tinh và Caribe giảm 51% và ngay cả các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á - nhóm quốc gia được đánh giá vượt qua khủng hoảng do dịch Covid-19 tốt nhất - cũng giảm tới 38%.

UNCTAD cũng đưa ra dự báo rằng, năm 2021, xu hướng đầu tư mới sẽ dịch chuyển về các quốc gia phát triển và hình thức đầu tư sẽ chủ yếu thông qua hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A).

Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Việt Nam cần đẩy mạnh thu hút hiệu quả, có chọn lọc vốn đầu tư nước ngoài.

Các biện pháp quan trọng được Bộ trưởng nhắc tới như chủ động rà soát kỹ hoạt động M&A, nhất là đối với các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực mang tính cốt lõi, chiến lược, có tác động lớn đến kinh tế - xã hội, để vừa bảo đảm điều kiện thuận lợi cho thu hút vốn đầu tư nước ngoài, vừa chủ động bảo vệ các doanh nghiệp trong nước, tránh tình trạng đầu tư để tránh thuế, ảnh hưởng đến uy tín của hàng hóa Việt Nam.

Khi báo cáo Chính phủ về những yếu tố sẽ tác động tới kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhắc đến việc xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn khiến các tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế có nhu cầu dịch chuyển địa điểm sản xuất để tránh mức thuế cao. Đây là cơ hội lớn cho Việt Nam, nhưng đồng thời cũng là thách thức không nhỏ, bởi sẽ có những dự án đầu tư chỉ để lẩn tránh xuất xứ hàng hóa, đầu tư núp bóng, thậm chí là đầu tư chui.

Chính vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã một lần nữa nhấn mạnh việc phải khẩn trương nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý đầy đủ, minh bạch, công bằng, nhất là các quy định khắc phục tình trạng đầu tư chui, đầu tư núp bóng.

Năm 2019, khi ban hành Nghị quyết số 50/NQ-TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, Bộ Chính trị đã đặc biệt nhấn mạnh việc phải làm sao chặn được đầu tư chui, đầu tư núp bóng”.
Dựng barie để chặn đầu tư chui, núp bóng
Nhiều cơ chế, chính sách đã bắt đầu được dựng lên để ngăn chặn tình trạng đầu tư chui, đầu tư núp bóng, kể cả tình trạng chuyển giá...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư