Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Lập kế hoạch tiền bạc để dư dả khi về hưu
Như Tầm (Theo Vnexpress) - 31/12/2018 11:07
 
Tăng thu nhập, giảm chi tiêu, tiết kiệm đúng cách sẽ giúp bạn nghỉ hưu mà không cần bận tâm nhiều đến tài chính.
 Để có thể nghỉ hưu an nhàn, cần có kế hoạch tài chính trước đó
Để có thể nghỉ hưu an nhàn, cần có kế hoạch tài chính trước đó

Báo cáo "Thách thức không ngừng" thuộc chuỗi khảo sát Tương lai hưu trí của HSBC tháng 4/2017, tuổi thọ trung bình của người Việt đạt 75,6 tuổi, xếp sau Singapore trong khu vực ASEAN. 

Theo CNN (kênh truyền hình tại Mỹ), các chuyên gia tài chính khuyên rằng, việc dành dụm tiền cho tuổi hưu trí nên được thực hiện càng sớm càng tốt, thậm chí từ tuổi đôi mươi. Nếu bước sang tuổi 40 mà chưa có đồng tiết kiệm nào khi nghỉ hưu, thì bạn cần nghiêm túc lập kế hoạch tài chính để tận hưởng cuộc sống an nhàn lúc về già. 

Tăng thu nhập

Theo thống kê của Standard&Poor's (Công ty tài chính tại Mỹ), nhu cầu tài chính khi về hưu ngang ngửa 60-80% số tiền mà người đó chi dùng khi còn trẻ. Điều đó có nghĩa, bạn cần tiết kiệm khoảng 12-16 năm thu nhập để có thể sống dư dả suốt quãng đời 20 năm nghỉ hưu. 

Năm 2015, trong Hội thảo về tương lai hưu trí công bố, một tỷ lệ lớn những người nghỉ hưu ở Việt Nam được hỏi đang sợ tiêu hết tiền tiết kiệm (82%), trở thành gánh nặng của con cái (92%), trở nên nghèo và không có đủ tiền (92%), có bệnh khi về già và không có ai chăm sóc (93%). Để không "thất thế" lúc về già, bạn cần tích cực làm việc tăng thu nhập từ thời tuổi trẻ.

Khi bạn đã lăn lộn làm việc nhiều năm, nhiều ý tưởng và cơ hội làm thêm sẽ lóe lên trong đầu. Bên cạnh công việc chính, bạn có thể nhận làm thêm ngoài giờ, kinh doanh nghề tay trái, đầu tư chứng khoán, đầu cơ bất động sản...  

Giảm chi tiêu 

Theo CNN, độ tuổi 40, bạn thường sẽ kiếm được nhiều tiền hơn những khoảng thời gian trước trong sự nghiệp của mình. Do đó, bạn cũng cảm thấy thoải mái khi chi tiêu số tiền lớn hơn. Tuy nhiên, khi bắt đầu xây dựng sổ tiết kiệm hưu trí, bạn cần phải cắt giảm sinh hoạt phí. Bạn xem danh sách chi tiêu của mình để biết phần lớn số tiền đã đi về đâu hàng tháng. Từ đó, bạn sẽ tìm được các khoản có thể cắt giảm.

Giảm chi tiêu cũng không đồng nghĩa với lối sống hà tiện và chắt bóp. Bạn có thể chấp nhận ở ngôi nhà bé hơn, cắt giảm những chi phí sinh hoạt dư thừa như gói thuê bao Internet đắt tiền, truyền hình đủ kênh, ăn nhà hàng... Bù lại, về già bạn sẽ có thêm tài chính để đi du lịch cùng bạn đời, hội họp bạn cũ, câu cá, làm vườn và sống cuộc đời thoải mái. 

Jack Ma từng nói: "Tôi muốn chết trên một bãi biển chứ không phải ở văn phòng". Nghỉ hưu không phải là kết thúc, mà là chương mới của hạnh phúc. Cuộc sống tươi đẹp hơn khi ta biết tận hưởng từng khoảnh khắc còn lại của cuộc đời. Giảm chi tiêu sẽ giúp bạn về hưu sớm hoặc đúng hạn, để có thể tận hưởng cuộc sống an nhàn lúc xế chiều.

Tiết kiệm đúng cách

Theo các chuyên gia tài chính, một trong những cách tiết kiệm hiệu quả là trừ trực tiếp từ tiền lương trước khi bạn có cơ hội "vung tay quá trán". Hiện nay, hầu hết các ngân hàng đều có dịch vụ tiết kiệm tự động từ lương. Tùy theo nhu cầu, bạn có thể chọn số tiền mà ngân hàng có thể trừ trực tiếp ngay khi nhận lương để chuyển vào tài khoản tiết kiệm.

Có thể nói, tuổi càng cao sức khỏe mỗi người có chiều hướng xấu đi. Để cuộc sống không vướng bận biến cố và tiền bạc lúc về già, ngoài bảo hiểm xã hội, tham gia các quỹ hưu trí tự nguyện cũng là lựa chọn của nhiều người.

Tư vấn cách tiết kiệm để nghỉ hưu sung túc
Làm giàu trước tiên là phải trả tiền cho bản thân trước, tỷ phú tự thân và là nhà quản lý tài sản David Bach lưu ý.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư