Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 08 tháng 09 năm 2024,
Lập kỷ lục xuất khẩu tỷ đô, rau quả vẫn lo thị trường
Hà Tâm - 28/05/2017 08:46
 
Đạt kỷ lục xuất khẩu 1,2 tỷ USD trong hơn 4 tháng đầu năm, rau quả đang tiến về mục tiêu xuất khẩu 3 tỷ USD. Thế nhưng, vấn đề thị trường của “ngôi sao” mới nổi này đang tiềm ẩn khá nhiều rủi ro.
TIN LIÊN QUAN

Kỷ lục chưa từng có về tốc độ tăng trưởng

Theo ông Lê Văn Bình, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế, thuộc Văn phòng Quốc hội, rau quả là mặt hàng tăng trưởng nổi bật trong nhóm ngành nông sản và cũng là mặt hàng mà Việt Nam gặt hái được nhiều thành công trong mở rộng thị trường. 

Báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến ngày 15/5/2017, cả nước thu về 1,2 tỷ USD xuất khẩu rau quả, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm trước và bằng gần nửa so với xuất khẩu cả năm 2016. Với kết quả này, mục tiêu 3 tỷ USD năm 2017 là trong tầm tay.

.
.

Không những vượt xa các mặt hàng tỷ đô khác như gạo, dầu thô, rau quả còn lập kỷ lục chưa từng có về tốc độ tăng trưởng, khi cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt 870 triệu USD và cùng kỳ năm 2015 chỉ đạt 560 triệu USD.

Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) đánh giá, rau quả đang là ngôi sao mới nổi của ngành nông nghiệp Việt  và là mặt hàng rất tiềm năng. Báo cáo của cơ quan này cho thấy, thị trường rau quả toàn cầu rất rộng mở với nhu cầu đang tăng lên. Trong ngành hàng thực phẩm tươi sống toàn cầu (rau quả, sản phẩm chăn nuôi, thủy sản), rau quả chiếm tới 59% và dự báo có tốc độ tăng trưởng 2,88% trong giai đoạn 2016 - 2021.

Phụ thuộc tới 70% vào thị trường “hàng xóm”

Dù xuất khẩu tăng mạnh, song thị trường xuất khẩu rau quả Việt Nam vẫn chưa đa dạng. Theo Tổng cục Hải quan, 70% xuất khẩu rau quả Việt  Nam vẫn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Các thị trường còn lại chỉ chiếm 30%.

Lý giải điều này, Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, Trung Quốc là thị trường dễ tính, điều kiện địa lý gần Việt Nam và có thị hiếu tiêu dùng phù hợp với nhiều loại rau quả của Việt Nam.

Dù vậy, Hiệp hội cũng thừa nhận, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc chủ yếu theo đường tiểu ngạch, vì vậy khá bấp bênh.

Việc phụ thuộc vào thị trường dễ tính khiến rau quả Việt Nam mất động lực nâng cao chất lượng, thương hiệu, từ đó mất cơ hội xuất khẩu sang nhiều thị trường cao cấp. Đáng nói là, một số thị trường cao cấp như Mỹ, Nhật Bản… đã giảm thuế nhập khẩu xuống rất thấp với rau quả Việt Nam. 

Theo ông Nigel Smith, Tổng giám đốc Công ty TNHH Fine Fruit Asia (doanh nghiệp chuyên xuất khẩu thanh long, xoài), không chỉ phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, rau quả xuất khẩu của Việt Nam cũng chưa đa dạng, chỉ tập trung vào một số mặt hàng. Chính vì vậy, rủi ro càng lớn.

Ông Nigel Smith khuyến cáo, Việt Nam cần đa dạng hóa các sản phẩm rau quả, đa dạng hóa thị trường, tập trung vào các nhóm sản phẩm có thế mạnh, tiềm năng cạnh tranh và có quy mô lớn để kết nối thị trường đầu ra, đảm bảo vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc…

Khó khăn của rau quả nước ta trong mở rộng thị trường là các rào cản kỹ thuật đang được dựng lên ngày càng nhiều, đặc biệt là trong quy trình kiểm dịch và các quy định về an toàn thực phẩm của nhiều nước rất khắt khe. Trong khi đó, sản xuất theo chuỗi, có khả năng truy xuất nguồn gốc của ngành rau quả Việt  Nam còn hạn chế, liên kết giữa người sản xuất và nhà xuất khẩu còn lỏng lẻo. Ngoài ra, cũng như đa số mặt hàng nông sản khác, khâu bảo quản và chế biến rau quả ở Việt  Nam còn yếu.

Trong bối cảnh hội nhập, ngành rau quả Việt Nam phải vươn lên, không chỉ tập trung vào những thị trường dễ dãi, mà phải nâng cao chất lượng, thương hiệu. Nếu cứ theo lối cũ, không chỉ thị trường xuất khẩu sẽ dần mất đi, mà thị trường nội địa cũng sẽ bị chiếm lĩnh bởi rau quả ngoại.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư