Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Lấp “lỗ hổng” nhân sự du lịch
Hồng Hạnh - 17/02/2023 09:19
 
Hậu Covid-19, nhân sự ngành du lịch vừa yếu, vừa thiếu hụt trầm trọng, đặc biệt vào những dịp cao điểm hay cuối tuần. Do đó, việc nâng cao chất lượng đào tạo, lấp “lỗ hổng” nhân lực du lịch, đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển ngành kinh tế xanh đang đặt ra bức thiết hơn bao giờ hết.
Nhân lực ngành du lịch đang rất thiếu, việc đào tạo chỉ đáp ứng một phần nhu cầu
Nhân lực ngành du lịch đang rất thiếu, việc đào tạo chỉ đáp ứng một phần nhu cầu

Đối mặt tình trạng thiếu lao động

Thời điểm hoàng kim của ngành du lịch Việt Nam năm 2019, cả nước có hơn 2,5 triệu lao động trong lĩnh vực này, trong đó có 750.000 lao động trực tiếp. Năm 2020, do chịu tác động nặng nề bởi “sóng thần” Covid-19, du lịch quốc tế đóng băng, thị trường nội địa hoạt động bập bõm, các doanh nghiệp du lịch phải cắt giảm nhân sự từ 70 tới 80%. Sang năm 2021, số lượng lao động làm đủ thời gian chỉ chiếm 25% so với năm 2020, lao động nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng chiếm khoảng 30%, lao động tạm nghỉ việc khoảng 35%, lao động làm việc cầm chừng 10%.

Do đó, khi ngành kinh tế xanh mở cửa trở lại hoàn toàn từ ngày 15/3/2022, các doanh nghiệp du lịch đối mặt với tình trạng thiếu lao động. Sau gần 1 năm, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thể vận hành trơn tru bởi thiếu nhân sự, dù đã liên tục đăng tin tuyển dụng.

Ông Lê Công Năng, CEO Wondertour cho biết, sau hơn 2 năm Covid-19, phần lớn lao động du lịch đã phải chuyển sang nghề khác để mưu sinh. Nay du lịch mở cửa, một số người quay lại, nhưng cũng có nhiều người đã ổn định công việc mới, nguồn thu nhập cao hơn, nên không muốn quay lại ngành. Trong khi đó, theo tính toán, mỗi năm, ngành kinh tế xanh cần thêm từ 50.000 lao động trở lên. Vì thế, tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực du lịch, nhất là lao động chất lượng cao càng trầm trọng.

Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, đến năm 2025, cả nước cần từ 950.000 đến hơn 1 triệu buồng lưu trú; đến năm 2030 cần 1,3 - 1,45 triệu buồng. Như vậy, đến năm 2025, cầu về lao động khối cơ sở lưu trú du lịch khoảng hơn 800.000 người và năm 2030 là hơn 1 triệu người. 

Nhận định về thị trường nhân lực du lịch hiện nay, bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho hay, Việt Nam đang thiếu hụt lượng lớn nhân sự du lịch, đặc biệt là vào dịp cao điểm như nghỉ lễ, Tết. Cơ cấu nhân sự chưa đồng bộ, thiếu trầm trọng nhân lực có chuyên môn cao, đặc biệt là quản trị cấp cao. Sự mất cân đối nhân lực theo vùng miền khiến nhiều khu vực tăng trưởng nóng về khách du lịch, nhưng chất lượng dịch vụ thấp hơn khu vực khác và không ổn định.

“Hiện nay, ngành kinh tế xanh cần khoảng 485.000 lao động trong cơ sở lưu trú du lịch, trong đó nhân sự quản trị cần khoảng 45.000 người. Dự báo tăng trưởng du lịch Việt Nam 10 năm tới khá lạc quan, giai đoạn 2022 - 2030, trung bình cần bổ sung mỗi năm khoảng 60.000 lao động”, bà Lan thông tin.

Cần sự tham gia tích cực của ba nhà

Theo Tổng cục Du lịch, với định hướng phát triển du lịch thành kinh tế mũi nhọn, hàng năm cần đến 60.000 lao động có trình độ, nhưng các trường đào tạo nghề, trường cao đẳng du lịch hiện chỉ đáp ứng được khoảng 15.000, như vậy lượng thiếu hụt rất lớn.

Việt Nam hiện có gần 200 cơ sở đào tạo nghề du lịch, trong đó 62 trường đại học có khoa du lịch, 55 trường cao đẳng, 71 trường trung cấp, 4 trung tâm dạy nghề… Nhưng công tác đào tạo nhân lực du lịch còn khoảng cách khá xa về chất lượng so với yêu cầu của doanh nghiệp và xã hội. Vậy nên, sau tuyển dụng, dù nhân sự đúng chuyên môn ngành học hay không, các doanh nghiệp vẫn tốn khá nhiều thời gian, công sức đào tạo lại hoặc đào tạo, bổ sung kỹ năng, nhất là về ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ, giao tiếp…

Mỗi năm, số sinh viên Việt Nam theo học các trường đào tạo hệ cao đẳng và đại học chuyên ngành du lịch - khách sạn ở nước ngoài bằng khoảng 5-7% tổng lượng sinh viên vào học tại các cơ sở đào tạo về du lịch ở Việt Nam. Như vậy, cộng cả đào tạo trong nước và nước ngoài chỉ mới đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, đồng sáng lập Trung tâm đào tạo Du lịch thực tế (Prato) cho rằng, nguồn nhân lực du lịch hiện nay có 3 điểm yếu: kỹ năng nghề, ngoại ngữ và giao tiếp. Bên cạnh đó, hoạt động đào tạo nhân lực du lịch Việt Nam đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế còn rất hạn chế.

Đồng quan điểm, PGS-TS. Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn cho rằng, cần phải quốc tế hóa chương trình đào tạo. Đây sẽ là xu hướng mà nhiều cơ sở đào tạo về du lịch và khách sạn trong nước theo đuổi. Trong đó có thể thực hiện thông qua việc liên kết với các cơ sở uy tín của nước ngoài đào tạo chương trình cử nhân, chương trình thạc sỹ; đào tạo theo hình thức chuyển nhượng thương hiệu và nỗ lực quốc tế hóa chương trình bằng việc đưa các học phần chuyên môn được giảng dạy bằng ngoại ngữ…

Được biết, theo Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, ngành du lịch cần hơn 3 triệu lao động, trong đó khoảng 1 triệu lao động trực tiếp. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, để ngành du lịch Việt Nam tăng sức cạnh tranh với các thị trường khác, ông Nguyễn Tiến Đạt cho rằng, việc phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch cần sự tham gia tích cực và đóng góp hiệu quả giữa ba nhà là Nhà nước - Nhà trường - Nhà tuyển dụng. Trước mắt, cần ưu tiên xây dựng và thực hiện chuẩn hóa chương trình đào tạo nhân lực du lịch từ quản lý du lịch, đến những vị trí nghiệp vụ du lịch phù hợp các hệ thống tiêu chuẩn khu vực và quốc tế về lao động.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành liên quan cần xem xét, đánh giá toàn diện về hệ thống cơ sở đào tạo du lịch phù hợp yêu cầu phát triển ngành. Đồng thời, tham khảo hệ thống đào tạo, đưa vào chương trình đào tạo kiến thức về các loại hình du lịch mới ở những nước có ngành du lịch phát triển, bảo đảm cơ cấu đào tạo du lịch ở các cấp hợp lý, phù hợp với chuẩn mực chung của khu vực và quốc tế.

Tin tưởng du lịch Việt Nam sẽ phục hồi nhanh, IHG tăng tốc mở thêm khách sạn mới
Ông Rajit Sukumaran, Giám đốc Điều hành của IHG khu vực Đông Nam Á và Hàn Quốc cho biết, IHG sẽ đẩy nhanh kế hoạch mở thêm các khách sạn mới tại...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư