Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Lấy đâu nhân lực chất lượng cao cho dự án trọng điểm miền Trung?
Hải Hà - 13/07/2015 08:35
 
Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với hàng loạt dự án lớn đang đòi hỏi lượng lớn nhân lực chất lượng cao trong thời gian tới. Tuy nhiên, để phát triển giáo dục - đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực cần phải có thời gian. Đó là nhận định của TS. Trần Đình Châu, Chánh văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực.

Hàng loạt khu công nghiệp (KCN) lớn tại miền Trung đang được triển khai và nhiều dự án du lịch đang được đầu tư mạnh mẽ, khiến khu vực này trở thành điểm đến mới cho nguồn nhân lực chất lượng. Vậy đâu là nền tảng cho việc chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng ở đây?

Theo tôi, nhìn về góc độ giáo dục và đào tạo, khu vực này đã có nhiều cơ sở đào tạo có bề dày kinh nghiệm, như Đại học Đà Nẵng, Đại học Vinh, Đại học Huế…

Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết dần, như trình độ ngoại ngữ vẫn là một trong những rào cản lớn.

 

Theo ông, làm cách nào để có thể thu hút nguồn nhân lực có chất lượng vào khu vực này?

Một số thành phố ở miền Trung như Đà Nẵng đang khởi sắc trong thu hút nguồn lao động. Cửa Lò, Thiên Cầm, các danh thắng ở Quảng Bình, biển Đà Nẵng, Bà Nà là những địa chỉ kinh tế du lịch đang trên đà phát triển và hiện có nhiều lao động chọn khu vực này để tạo dựng công việc và cuộc sống của mình.

Cùng với đó là những chính sách thu hút nhân tài của nhiều địa phương trong khu vực, tạo nhiều vị trí lao động cho sinh viên sau tốt nghiệp.

Mặc dù đã có nỗ lực cao trong thu hút nguồn lao động chất lượng, nhưng về cơ bản, khu vực này cần từng bước có giải pháp đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động. Trong đó, trước hết phải kể tới công nghệ, máy móc hiện đại để đội ngũ nhân lực chất lượng có cơ hội cống hiến ở mức cao nhất.

Các khu công nghiệp cũng cần có kế hoạch chủ động phối hợp các trường đại học,  cao đẳng tham gia cả về nội dung đào tạo theo yêu cầu công việc của từng khu vực, từng doanh nghiệp để thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo và nhu cầu tuyển dụng. Các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề cũng cần phải có các giải pháp thiết thực, cụ thể, hiệu quả để gắn chặt hơn nữa với sự phát triển của đời sống xã hội không chỉ trong khu vực, mà trong phạm vi toàn quốc cũng như toàn cầu.

Trong khi đó, doanh nghiệp cần chủ động, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật, đào tạo để hệ thống các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Doanh nghiệp nên coi sinh viên thực tập như là nhân viên của nhà máy, công ty, công xưởng, chứ không phải chỉ tạo điều kiện cho sinh viên có chứng chỉ thực hành, thực tập.

Ở tầm vĩ mô, ngành giáo dục đã có cách thức và kế hoạch đào tạo thế nào để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, thưa ông?

Ngành giáo dục đang thực sự chuyển mình. Hàng loạt thay đổi đang diễn ra như đổi mới cách đánh giá, tăng cường đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên, đẩy mạnh các hoạt động trải nghiệm sáng tạo… Theo đó, học sinh, sinh viên từng bước được tiếp cận các chương trình tiên tiến, chủ động tìm tòi, sáng tạo các hoạt động trải nghiệm để phát triển tư duy, năng lực thực hành, rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng thích ứng…

Sự thay đổi diện rộng và có chiều sâu đang được ngành giáo dục tích cực chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo thông qua đổi mới chương trình, biên soạn sách giáo khoa phổ thông mới cùng với những phương pháp mới đang áp dụng được kỳ vọng sẽ giúp học sinh tiếp cận hướng năng lực phát triển toàn diện qua dạy, học và trao đổi, chia sẻ, tìm kiếm cơ hội học hỏi ở khắp mọi nơi.

Cũng cần phải nhấn mạnh rằng, năng lực tạo dựng được ở mỗi người học trước hết phải dựa trên nền kiến thức cơ bản mà người đó thu nhận được trong cả quá trình học, cũng như tự học. Các năng lực được hình thành và phát triển dần dần sẽ giúp giải quyết những vấn đề đặt ra trong thực tiễn. Đó là nền tảng cho nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ riêng khu vực miền Trung. Hơn nữa, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phải có sự chuẩn bị từ phổ thông, chứ không chỉ đợi đào tạo ở bậc đại học, cao đẳng.

Hiện nay, nhiều sinh viên chủ động khởi nghiệp sau quá trình đào tạo ở trong nước hoặc ở nước ngoài với sự tự tin cao. Nhiều sinh viên đã chủ động, sáng tạo tự tìm việc làm, học hỏi thêm, rèn luyện kỹ năng sống, khả năng lập nghiệp và chủ động thực tập sớm, chấp nhận các thách thức và tích cực nỗ lực, cố gắng. Mỗi bước thử nghiệm của mỗi thanh niên dù thành công ít hoặc nhiều, thậm chí chưa thành công đều coi như những bước tiến rất đáng được xã hội trân trọng.

Nhiều doanh nghiệp cũng tích cực tham gia đóng góp bằng nhiều cách làm phong phú thông qua các chương trình phối hợp với các nhà trường để tổ chức giao lưu với sinh viên, một số doanh nghiệp tạo điều kiện cho sinh viên đến thực tập sớm hơn một cách thực sự, tránh hình thức, một số nhà tuyển dụng đã chú trọng công tác tuyển dụng ngay từ khi sinh viên đang ngồi ghế nhà trường.

Đó đang là sự chuyển mình của sự nghiệp giáo dục và đào tạo trong triển khai Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Các dự án lọc hóa dầu tuyển dụng hàng trăm ngàn người
Khi các dự án lọc hóa dầu tại miền Trung đi vào hoạt động, nhu cầu lao động tại các dự án này sẽ lên đến hàng trăm ngàn người.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư