Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Lấy dự phòng rủi ro xử lý nợ xấu, ngân hàng không được báo cho "con nợ"
Thùy Liên - 05/08/2021 15:20
 
Để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ của khách hàng, ngân hàng tuyệt đối không được thông báo cho khách hàng về việc đã sử dụng quỹ dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu.
f
Sau khi trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu, ngân hàng vẫn phải đôn đốc thu hồi nợ

Trích lập dự phòng rủi ro để xóa nợ song vẫn phải thúc đẩy thu hồi nợ

NHNN vừa ban hành Thông tư 11/2021/TT-NHNN quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/10/2021.

Theo Thông tư 11, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong trường hợp sau: Khách hàng là tổ chức bị giải thể, phá sản, cá nhân bị chết, mất tích; Các khoản nợ được phân loại vào nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn).

Thông tư quy định, việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro là hình thức thay đổi hạch toán đối với khoản nợ, chuyển khoản nợ được xử lý rủi ro ra hạch toán trên các tài khoản ngoại bảng; là công việc nội bộ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; không làm thay đổi nghĩa vụ trả nợ của khách hàng đối với khoản nợ được sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến khoản nợ.

Do đó, để đảm bảo ý thức và nghĩa vụ trả nợ của khách hàng, Thông tư bổ sung quy định: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được thông báo cho khách hàng về việc khoản nợ đã được sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro.

Đồng thời, sau khi xử lý rủi ro, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải theo dõi, có các biện pháp thu hồi nợ đầy đủ, triệt để đối với khoản nợ được xử lý rủi ro, trừ trường hợp khoản nợ sau khi xử lý rủi ro được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bán cho tổ chức, cá nhân, thu được đầy đủ tiền bán nợ theo Hợp đồng mua, bán nợ.

Số tiền thu hồi được từ nợ đã sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, kể cả số tiền thu hồi được từ việc xử lý tài sản bảo đảm, được coi là doanh thu trong kỳ kế toán của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Đưa nợ xử lý ra ngoại bảng, ngân hàng phải được ĐHĐCĐ thông qua

Liên quan đến việc theo dõi nợ đã sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro và xuất toán khỏi ngoại bảng, Thông tư 11 quy định, sau thời gian tối thiểu 05 (năm) năm, kể từ ngày sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro và sau khi đã thực hiện tất cả các biện pháp để thu hồi nợ nhưng không thu hồi được, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được quyết định xuất toán nợ đã xử lý rủi ro ra khỏi ngoại bảng.

Các khoản nợ được xuất toán ra khỏi ngoại bảng phải theo dõi trong hệ thống quản trị của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định.

 Đối với ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng thương mại cổ phần mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ, việc xuất toán nợ ra khỏi ngoại bảng quy định chỉ được thực hiện khi có hồ sơ, tài liệu chứng minh đã thực hiện tất cả các biện pháp thu hồi nợ nhưng không thu được nợ và phải được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt bằng văn bản sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính.

Đối với tổ chức tín dụng là công ty cổ phần, các ngân hàng TMCP tư nhân, việc xuất toán nợ ra khỏi ngoại bảng quy định chỉ được thực hiện khi có hồ sơ, tài liệu chứng minh đã thực hiện tất cả các biện pháp thu hồi nợ nhưng không thu được nợ và phải được Đại hội đồng cổ đông thông qua....

Vietcombank: Quỹ dự phòng rủi ro cao kỷ lục, mục tiêu lãi 25.200 tỷ đồng
Hiện dư quỹ dự phòng rủi ro của Vietcombank là 19.344 tỷ đồng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu 377%. Ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận năm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư