Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Lễ hội khai ấn Đền Trần phát ấn cho du khách trong 6 ngày
Thu Trang - 27/02/2015 10:22
 
 Mặc dù lễ hội khai ấn đền Trần chưa chính thức diễn ra nhưng trong những ngày đầu năm mới hàng ngàn người dân địa phương và du khách thập phương đã đổ về Khu di tích lịch sử văn hóa Đền Trần - Chùa Tháp (phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định) đi lễ đầu năm với hy vọng cầu mong một năm mới an lành, khỏe mạnh và may mắn.  
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Vã mồ hôi ở phiên chợ Viềng đầu xuân Ất Mùi
Lãnh đạo công an lên tiếng về vụ “hỗn chiến” tại hội Gióng
Khai hội vật truyền thống Thủ Lễ năm 2015
Lãnh đạo các bộ, cơ quan, địa phương không tham dự lễ hội

Lễ hội khai ấn Đền Trần xuân Ất Mùi 2015 sẽ diễn ra từ ngày 10- 16 tháng Giêng âm lịch (từ ngày 1 đến ngày mùng 6/3) với trọng tâm là Lễ Khai Ấn vào đêm 14 tháng Giêng (4/3) và tiến hành phát ấn cho du khách trong vòng 6 ngày.

Năm nay, Ban tổ chức lễ hội Đền Trần tiến hành phát ấn cho nhân dân và du khách thập phương sớm hơn 1 giờ đồng hồ so với năm ngoái, tức là từ 6h sáng ngày 15 tháng Giêng.

Lễ hội khai ấn Đền Trần phát ấn cho du khách trong 6 ngày
Ấn đền Trần

Theo đó, Lễ khai ấn diễn ra tại đền Trần, phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định) là một tục lệ bắt nguồn từ xưa tại Tiên Miếu nhà Trần (phủ Thiên Trường xưa) với mong muốn cầu mong cho quốc thái dân an; thiên hạ thái bình, thịnh trị; mọi nhà chung hưởng lộc ấn của Đền Trần “tích phúc vô cương”; mọi người bước vào năm mới mạnh khỏe, lao động hăng say, học tập, công tác tốt... Đây cũng là dịp để các tầng lớp nhân dân bày tỏ lòng thành kính, tri ân công đức đối với các bậc tiền nhân, ghi nhớ công lao to lớn của Vương Triều Trần đã có công dựng nước và giữ nước Đại Việt, rạng ngời hào khí Đông A ba lần đánh thắng giặc Nguyên-Mông.

Lễ hội Khai Ấn Đền Trần năm nay sẽ phục dựng gần như đầy đủ các nghi lễ truyền thống trong lễ hội đầu xuân của đền Trần. Lễ diễn ra sớm hơn 1 ngày so với năm ngoái vì sẽ có thêm lễ rước kiệu Ngọc Lộ vào ngày 11 và lễ rước Nước, tế Cá vào ngày 12 tháng Giêng Âm lịch. Đây là lần đầu tiên tổ chức Lễ hội Khai ấn Đền Trần với khá đầy đủ các nghi lễ truyền thống gồm 3 nghi lễ: lễ Khai Ấn, lễ rước Nước tế Cá và lễ rước kiệu Ngọc Lộ.

Trong các ngày diễn ra lễ hội có tổ chức các hoạt động truyền thống như múa lân, hát chèo, hát chầu văn, thi đấu cờ người, đấu vật... 

Để đảm bảo lễ hội được tổ chức thành công và để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách, Ban tổ chức lễ hội cùng Ủy ban Nhân dân thành phố Nam Định đã thành lập các tiểu ban nghi lễ, tuyên truyền, an ninh trật tự, hậu cần… để phối hợp hoạt động với các lực lượng chức năng, hướng tới một mùa lễ hội được tổ chức trang trọng, đúng nghi lễ truyền thống song vẫn đảm bảo tốt các công tác an ninh trật tự, vệ sinh, cảnh quan môi trường

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư