Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội 2022: Tạo trải nghiệm khác biệt cho du khách
Hồ Hạ - 30/04/2022 06:49
 
Dịp Lễ 30/4 - 1/5, người dân và du khách đến Hà Nội sẽ có cơ hội trải nghiệm “đặc sản” quà lưu niệm độc đáo của Hà thành tại Lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội 2022.

Nhiều trải nghiệm hấp dẫn

Tiếp nối Chương trình Du lịch Hà Nội chào 2022 với chủ đề Get on Hanoi 2022 và hưởng ứng Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) diễn ra tại Việt Nam từ ngày 12 đến 23/5, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức Lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội 2022, nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm quà tặng du lịch Hà Nội, kích cầu du lịch.

Theo Sở Du lịch Hà Nội, Lễ hội sẽ diễn ra từ ngày 29/4 đến 1/5 tại khu vực tuyến phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, từ cổng chào đường Đinh Tiên Hoàng - Tràng Tiền - Hàng Khay đến vườn hoa đền Bà Kiệu.

Điểm nhấn của sự kiện là 100 gian hàng quà tặng của các nghệ nhân được thiết kế sáng tạo mang đến bất ngờ cho du khách.

Không chỉ là dịp để Hà Nội quảng bá du lịch, Lễ hội tổ chức vào dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 còn nhằm tạo điểm vui chơi hấp dẫn, thu hút du khách đến Hà Nội cũng như chào đón SEA Games 31. Vì thế, Ban Tổ chức sẽ tạo thêm nhiều không gian sáng tạo, vui chơi, giải trí cho du khách, gồm những điểm chụp ảnh “check-in” với mô hình di sản Hoàng thành Thăng Long, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám; không gian sắp đặt hoa loa kèn - loài hoa tháng 4 đặc trưng của Hà Nội.

Lễ khai mạc Lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội năm 2022 sẽ diễn ra lúc 20h00 ngày 29/4/2022 tại Vườn hoa đền Bà Kiệu. Ngoài hoạt cảnh nghệ thuật mở màn và trình chiếu phim quảng bá du lịch Thủ đô, phân cảnh nghệ thuật “Hà Nội - Đến để yêu” là điểm nhấn của chương trình chuyển tải hình ảnh Hà Nội đầy cảm hứng, sáng tạo và tràn đầy sức sống. Tại Lễ khai mạc, Ban Tổ chức sẽ phát động Cuộc thi Thiết kế mẫu sản phẩm quà tặng Hà Nội năm 2022 và Cuộc thi Ảnh du lịch Hà Nội năm 2022. 

Cùng với đó là nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị, như biểu diễn đường phố; không gian văn hóa làng nghề; không gian du lịch ảo; không gian của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch; không gian của sản phẩm doanh nghiệp trẻ sáng tạo; không gian “Chợ xưa phố cũ”; khu trưng bày triển lãm ảnh đẹp du lịch Hà Nội...

Các hoạt động trình diễn đường phố như vẽ trực tiếp tại chỗ bức tường graffity chủ đề Hà Nội; xích lô tour xung quanh khu vực Bờ Hồ; trình diễn nhóm nhảy Flashmob; trình diễn ban nhạc Acoustic với các nghệ sỹ trẻ, các nhóm giao hưởng trẻ hiện đại và các màn trình diễn của nhóm skateboard… cũng sẽ được tổ chức bên lề Lễ hội.

Đặc biệt, tại Lễ hội còn có nhiều sản phẩm mới của du lịch Thủ đô được giới thiệu tới du khách. Chẳng hạn, bà Nguyễn Thị Yến, Trưởng phòng Hướng dẫn - Thuyết minh (Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội) cho biết, đơn vị sẽ mở lại tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” với phiên bản mới.

Trong khi đó, ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist cho biết, Công ty sẽ phối hợp với UBND xã Bát Tràng khai trương tour xe đạp khám phá Bát Tràng với nhiều trải nghiệm mới mẻ, khởi hành từ Nhà hát Lớn Hà Nội và dự định giới thiệu tới du khách quốc tế dịp SEA Games 31.

Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, ngoài các sản phẩm quà tặng của các làng nghề, Lễ hội còn có quà tặng là voucher giảm giá của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, như các khách sạn, nhà hàng... “Qua hoạt động này, chúng tôi mong muốn người dân, du khách hiểu quà tặng du lịch theo nghĩa rất rộng, chứ không đơn giản là món đồ dùng hay trưng bày mà có thể là dịch vụ. Chúng tôi mong muốn hoạt động du lịch sẽ là cầu nối kết nối con người với con người và kết nối cảm xúc thông qua những món quà mà mọi người trao tặng cho nhau”, bà Giang bày tỏ.

Tôn vinh những sản phẩm làng nghề độc đáo

Là một trong những nghệ nhân tham gia Lễ hội, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát (Sơn Tây, Hà Nội) cho biết sẽ mang đến những món đồ thủ công, mô hình chú sao la - linh vật SEA games 31 có kích thước nhỏ và trang sức được làm từ những vật liệu thân thiện với môi trường. Mục tiêu lớn nhất của nghệ nhân là tìm kiếm cơ hội hợp tác, sản xuất quà tặng cho các địa phương, đơn vị.

Trong khi đó, nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm, thuộc cơ sở sản xuất lụa Hà Đông cho hay, cơ sở này sẽ mang tới cho người dân và du khách 3 mẫu thiết kế trên chất liệu lụa tơ tằm truyền thống của Vạn Phúc. Các sản phẩm quà tặng chủ yếu là khăn quàng, nhưng được sáng tạo trên nền vải lụa trơn, lụa in hình chữ “vạn” với nhiều hình dáng, màu sắc khác nhau.

Còn nghệ nhân Dương Văn Đoàn, làng nghề làm quạt giấy Chàng Sơn (huyện Thạch Thất) sẽ mang đến Lễ hội hàng trăm chiếc quạt nhỏ và vừa với nhiều kiểu dáng, tiện ích cho người dùng khi hè về.

Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, Lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội 2022 là sự kiện du lịch lớn có sự tham gia của các làng nghề, các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sản phẩm quà tặng lưu niệm, đội ngũ nghệ nhân, các nhà thiết kế, các doanh nghiệp du lịch...

“Đây là dịp để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm tinh hoa quà tặng của Hà Nội nhằm bảo tồn, tôn vinh những giá trị độc đáo của sản phẩm làng nghề truyền thống, qua đó thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp sản xuất quà tặng, hình thành các sản phẩm quà tặng phục vụ khách du lịch, kích cầu và tăng cường khôi phục hoạt động du lịch Thủ đô trong thời gian tới”, bà Đặng Hương Giang chia sẻ.

Du lịch hồi sinh, bất động sản nghỉ dưỡng Hạ Long đi tìm “sắc màu” mới
Những con số biết nói của du lịch Hạ Long chỉ trong 3 ngày nghỉ lễ vừa qua là “liều doping” quan trọng cho thị trường bất động sản nghỉ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư