Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Licogi 14 giảm lỗ nhờ chuyển công ty con thành công ty liên kết
Duy Bắc - 23/08/2022 08:09
 
Dù trải qua giai đoạn khó khăn, nhưng bằng một nghiệp vụ kế toán, CTCP Licogi 14 (mã L14) đã giảm lỗ tới hơn 200 tỷ đồng, giúp bức tranh tài chính bớt xấu hơn trong mắt nhà đầu tư.

Nghiệp vụ thay đổi hạch toán

Ngày 18/6/2022, CTCP Đầu tư tài chính Licogi 14 đã thực hiện phát hành 550.000 cổ phiếu ESOP (5% số lượng cổ phiếu đang lưu hành) từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (nhân viên không phải nộp tiền mua cổ phiếu, không phát sinh dòng tiền, chỉ thay đổi bút toán) để nâng vốn điều lệ từ 110 tỷ đồng lên 115,5 tỷ đồng. Sau tăng vốn từ phát hành cổ phiếu ESOP, tỷ lệ sở hữu của Licogi 14 tại Công ty Đầu tư tài chính Licogi 14 giảm từ 51% về còn 48,57% vốn điều lệ và chính thức chuyển từ công ty con sang công ty liên kết. Mặc dù vậy, giá trị gốc đầu tư của Licogi 14 vào Công ty Đầu tư tài chính Licogi 14 vẫn duy trì là 56,1 tỷ đồng, tương ứng giá mua cổ phần của Licogi 14 là 10.000 đồng/cổ phiếu.

Theo tìm hiểu, CTCP Đầu tư tài chính Licogi 14 tiền thân là Công ty cổ phần Licogi 14.6, được thành lập từ tháng 6/2018 bởi Licogi 14 (sở hữu 80% vốn điều lệ) và hai thể nhân là các ông Phạm Văn Quang và Phạm Hùng Sơn. Đến tháng 7/2021, công ty này tăng vốn điều lệ lên 110 tỷ đồng và đổi tên, đồng thời Licogi 14 giảm tỷ lệ sở hữu xuống 51%.

Licogi 14 đã chuyển đổi Công ty Đầu tư tài chính Licogi 14 từ công ty con sang công ty liên kết. Thời điểm chuyển đổi trùng với giai đoạn Công ty Đầu tư tài chính Licogi 14 đang gặp khó khăn, đầu tư thua lỗ lớn trên sàn chứng khoán.

Cụ thể, trước kiểm toán (hợp nhất báo cáo Công ty Đầu tư tài chính Licogi 14), Licogi 14 ghi nhận lỗ 234,36 tỷ đồng. Trong đó, nguyên nhân lỗ chủ yếu do ghi nhận lỗ 263,24 tỷ đồng hoạt động tài chính. Sau kiểm toán, Licogi 14 chỉ còn lỗ 23,73 tỷ đồng, giảm lỗ 210,63 tỷ đồng. Trong đó, lỗ chủ yếu vẫn do hoạt động tài chính ghi nhận lỗ 54,77 tỷ đồng.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2022, Licogi 14 ghi nhận doanh thu 94,02 tỷ đồng, tăng 51,1% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 23,73 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 30,26 tỷ đồng, tức giảm tới gần 54 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Được biết, trong năm 2022, Licogi 14 đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 569 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 254 tỷ đồng. Như vậy, với việc ghi nhận lỗ trong 6 tháng đầu năm, Công ty đang cách rất xa kế hoạch lãi trong năm tài chính.

Trước đó, năm 2021, Licogi 14 ghi nhận giá trị đầu tư chứng khoán là 486 tỷ đồng, chiếm gần 42% tổng tài sản. Trong đó, danh mục chủ yếu đầu từ 298 tỷ đồng cổ phiếu CEO và 188 tỷ đồng cổ phiếu DIG.

Nhờ thị trường chứng khoán bùng nổ trong năm 2021, Licogi 14 đã ghi nhận 385,3 tỷ đồng lãi từ đầu tư chứng khoán, chiếm hơn 89% tổng lợi nhuận trước thuế (lợi nhuận trước thuế năm 2021 là 432,7 tỷ đồng).

Như vậy, lợi nhuận năm 2021 chủ yếu do lãi từ hoạt động đầu tư chứng khoán. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2022, gió đã đổi chiều và hoạt động đầu tư chứng khoán chính là nguyên nhân thua lỗ của hàng loạt công ty sản xuất lấn sân sang đầu tư tài chính và Licogi 14 cũng không phải ngoại lệ.

Thay vì tiếp tục hợp nhất công ty con vào và ghi nhận lỗ, Licogi 14 đã thực hiện việc thay đổi cách ghi nhận công ty con sang công ty liên kết và giảm lỗ tới 210,63 tỷ đồng.

Bản chất hơn hình thức

Trên thị trường tài chính, nhà đầu tư thường sẽ quan tâm “bản chất hơn hình thức” của các giao dịch hoặc các thỏa thuận để có thể đánh giá đúng tác động. Trong đó, luật cũng quy định tương tự và hàng loạt các doanh nghiệp niêm yết đã và đang thực hiện ghi nhận hợp nhất các công ty con vào báo cáo, mặc dù tỷ lệ sở hữu đôi khi có thể dưới 51%.

Đơn cử, tại thời điểm 31/12/2020, Nhà Thủ Đức (mã TDH) sở hữu 43% vốn điều lệ tại CTCP Ngoại thương và Phát triển đầu tư TP.HCM (Fideco, mã FDC) nhưng vẫn ghi nhận là công ty con do nắm quyền kiểm soát. Trong đó, ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT tại Nhà Thủ Đức và Fideco.

Tương tự, thời điểm 30/6/2022, Tập đoàn An Phát Holdings (mã APH) sở hữu 48,7% vốn tại CTCP Nhựa An Phát Xanh (mã AAA) nhưng vẫn ghi nhận là công ty con do nắm quyền kiểm soát. Trong đó, ông Phạm Ánh Dương là Chủ tịch HĐQT tại Nhựa An Phát Xanh và Tập đoàn An Phát Holdings. Ông Nguyễn Lê Trung, Tổng giám đốc, kiêm Phó chủ tịch HĐQT Nhựa An Phát Xanh và đồng thời là Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn An Phát Holdings …

Có thể thấy, tỷ lệ sở hữu trên hay dưới 51% không quá quan trọng, quan trọng mà các công ty niêm yết hiện nay đang ghi nhận dựa trên việc có kiểm toán đơn vị thành viên.

Theo tìm hiểu, hiện tại, ông Phạm Gia Lý đang giữ chức Chủ tịch HĐQT tại Licogi 14 và đồng thời cũng là Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư tài chính Licogi 14; ông Nguyễn Mạnh Tuấn, thành viên HĐQT tại Licogi 14 và đồng thời cũng là thành viên HĐQT tại CTCP Đầu tư tài chính Licogi 14; ông Hoàng Hàng Hải, Phó tổng giám đốc Licogi 14 và đồng thời cũng đang là thành viên HĐQT CTCP Đầu tư tài chính Licogi 14.

Như vậy, đang có tối thiểu 3 lãnh đạo cao cấp của Licogi 14 làm lãnh đạo tại CTCP Đầu tư tài chính Licogi 14.

Trong tương lai, nếu như tăng sở hữu lên trên 51% để chuyển ghi nhận từ công ty liên kết sang công ty con hoặc niêm yết Công ty Đầu tư tài chính Licogi 14 trên sàn, có thể giúp Licogi 14 tái định giá lại khoản đầu tư và tiếp tục làm “đẹp” báo cáo khi giá mua trung bình đang là mệnh giá.
Licogi 14: Thay đổi cách hạch toán đơn vị thành viên giúp giảm lỗ 210,63 tỷ đồng
CTCP Licogi 14 (mã L14 - sàn HoSE) bất ngờ công bố Báo cáo tài chính bán niên năm 2022 giảm lỗ so với báo cáo tự lập trước đó.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư