Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Liên kết - cơ hội vàng cho du lịch Ninh Thuận phát triển
Hoàng Anh - 12/09/2015 14:10
 
Nằm giữa các địa phương có ngành du lịch phát triển như Nha Trang, Đà Lạt và TP.HCM, Ninh Thuận đang cần sự liên kết để đưa du lịch phát triển xứng tầm.
TIN LIÊN QUAN
Văn hóa đa dạng là một lợi thế của Ninh Thuận trong phát triển du lịch
Văn hóa đa dạng là một lợi thế của Ninh Thuận trong phát triển du lịch.

Triển vọng về du lịch

Ninh Thuận như một bức tranh hài hòa giữa đồng bằng, đồi núi và biển cả, với những thắng cảnh tuyệt đẹp như các bãi biển Ninh Chữ, Cà Ná, đèo Ngoạn Mục, vịnh Vĩnh Hy... Bên cạnh đó là những Tháp Chàm cùng vô số di tích lịch sử - văn hóa như tháp Po Klong Garai, tháp Po Rome, tháp Hoà Lai... hầu như còn nguyên vẹn.

TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM, Trưởng nhóm tư vấn Vùng duyên hải miền Trung từng nhận định, thiên nhiên ưu đãi cho vùng biển Ninh Thuận những lợi thế để phát triển ngành du lịch. Với bờ biển thoai thoải, sạch đẹp, nhiều vùng biển sâu, nhiều chân núi đâm ra biển kiến tạo nên những vũng, vịnh, cồn tuyệt đẹp, Ninh Thuận rất thích hợp trong việc xây dựng cảnh quan du lịch sinh thái.

“Vịnh Vĩnh Hy là bức tranh hoang sơ của núi và biển, kêu gọi khách du lịch ưa thích mạo hiểm tìm đến khám phá. Nơi đây là một quần thể hài hòa bao gồm những bãi cát trắng sạch, đẹp, những dãy núi đá xếp chồng lên nhau, những hang động, núi rừng với môi trường và cảnh quan thiên nhiên còn nguyên thủy... Đó là những lợi thế lớn để Ninh Thuận phát triển những dự án du lịch tầm cở quốc tế”, TS. Lịch gợi ý.

Nhiều du khách đến với Ninh Thuận không khỏi xao xuyến, rung động khi ngắm nhìn những dải đồi cát nối nhau chạy dài đến hút tầm mắt, những bãi đá nhấp nhô - nơi loài xương rồng gai mọc xen kẽ khoe sắc màu hoa trái.

Biển là lợi thế lớn nhất của Vùng duyên hải miền Trung và cũng là thế mạnh của Ninh Thuận. Đơn cử, Bãi biển Ninh Chữ có vị trí thuận lợi nằm giữa trục tam giác du lịch Đà Lạt - Phan Thiết - Nha Trang, với bờ cát trắng hình cung dài 10 km, là một trong 9 bãi biển đẹp nhất nước. Nơi đây hoàn toàn yên tĩnh và không khí trong lành, tinh sạch, thích hợp cho du khách tìm đến nghỉ dưỡng.

Không những vậy, Ninh Thuận còn sở hữu Vườn quốc gia Núi Chúa, với diện tích 28.000 ha, phần lớn là núi rừng nguyên sinh với nhiều loại động, thực vật quý hiếm; có rạn san hô đa dạng, phong phú. Lợi thế này không phải địa phương nào cũng có. Du khách đến Ninh Thuận được tắm biển, tham quan rừng, leo núi, thăm các hang động cực kỳ ngoạn mục: hang Ông Phật, ghềnh Ông Nồng, giếng Đục, núi Bạc...

Bên cạnh đó, Ninh Thuận là tỉnh mang đậm màu sắc văn hoá của dân tộc Chăm. Nền văn hoá Chăm được thể hiện qua chữ viết, trang phục dân tộc, nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, hội họa, những làng nghề thủ công, lễ hội văn hoá dân gian, những di tích tháp Chăm nổi tiếng và toàn bộ những di sản văn hoá Chămpa.

Liên kết để kích hoạt tiềm năng

Định hướng của địa phương là xây dựng ngành du lịch có tính cạnh tranh cao, có chất lượng và đa dạng về sản phẩm, hướng đến mục tiêu xây dựng Ninh Thuận trở thành một điểm đến nổi bật trong mạng lưới du lịch cả nước và khu vực.

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư gần đây, UBND tỉnh Ninh Thuận đã công bố 11 dự án du lịch trọng điểm đến các nhà đầu tư. Phần lớn các dự án này được quy hoạch dựa trên những lợi thế đặc biệt của địa phương. Điều này thể hiện rõ sự quyết tâm của địa phương trong việc đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của Ninh Thuận trong tương lai gần.

Nhìn nhận về triển vọng phát triển du lịch Ninh Thuận, TS. Trần Du Lịch cho rằng, Ninh Thuận nên lựa chọn du lịch là một trong 3 nhóm ngành mũi nhọn để kinh tế địa phương phát triển mang tính đột phá. Ông Lịch gợi ý, Ninh Thuận cần khai thác thế mạnh cũng như tạo điểm nhấn về du lịch trên cơ sở gắn kết với 3 địa phương có ngành du lịch phát triển là Khánh Hòa, Bình Thuận và Lâm Đồng.

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, du lịch miền Trung cần tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, ưu tiên du lịch biển đảo, sau đó mới đến du lịch văn hóa, du lịch sinh thái và du lịch MICE (du lịch kết hợp với hội thảo, tổ chức sự kiện).

Xét trên khía cạnh đó thì định hướng phát triển du lịch mang tính đặc thù nhưng không tách rời sự liên kết sẽ là hướng đi tốt nhất mà Ninh Thuận cần hướng đến, trên cơ sở đó sẽ quy hoạch những dự án du lịch mang tính khả thi cao để thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực đổ vốn vào lĩnh vực này trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Ninh Thuận là vùng đất đầy nắng, gió và cát. Chính điều đó đã tạo nên một diện mạo điển hình cho vùng đất này.

Bà Lê Thị Thanh Thủy, Giám đốc Văn phòng Phát triển kinh tế tỉnh Ninh Thuận bộc bạch rằng, thoạt nhìn ai cũng e ngại đến cái nắng, cái gió hòa quyện trong cát trắng của quê hương Tháp Chàm, nhưng phần lớn nhà đầu tư đến đây đã có cách nhìn riêng, xem đây là điểm nhấn để phát triển những ngành công nghiệp và dịch vụ mà địa phương khác không có.

Theo bà Thủy, gần đây nhất, Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Syrena Việt Nam trực thuộc Tập đoàn BIM đã khảo sát và đăng ký đầu tư Dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải. Đây sẽ là khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp 5 - 6 sao theo tiêu chuẩn quản lý của các tập đoàn khách sạn hàng đầu thế giới. Dự án dự kiến có tổng mức đầu tư 60 - 80 triệu USD, sẽ hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động trong vòng 36 tháng kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đầu tư.

“Ngoài dự án trên, Ninh Thuận còn nhiều dự án hạ tầng du lịch khác đang xúc tiến triển khai. Với tín hiệu này, Ninh Thuận kỳ vọng sẽ thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam trong thời gian tới”, bà Thủy kỳ vọng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư