Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 12 tháng 01 năm 2025,
Liên tiếp họp bàn về tác hại của thuốc lá thế hệ mới
D.Ngân - 27/12/2022 07:52
 
Liên tiếp các cuộc hội thảo, hội nghị được Bộ Y tế tổ chức nhằm tìm ra giải pháp hạn chế những hệ lụy do thuốc lá thế hệ mới gây ra thời gian qua.

Ngày 26/12, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thảo khoa học chia sẻ kết quả nghiên cứu về tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh 13-15 tuổi tại Việt Nam năm 2022.

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trần Văn Thuấn đã cung cấp các thông tin liên quan đến việc sử dụng thuốc lá tại Việt Nam. Theo đó, hiện tỉ lệ hút thuốc lá ở nữ giới có xu hướng tăng. Tỉ lệ sử dụng thuốc lá ở học sinh nhóm tuổi 13-15 tuổi tăng từ 0,2% năm 2014 lên 0,8% năm 2022.

Ông Lương Ngọc Khuê, Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá phát biểu tại Hội thảo.

Bên cạnh đó, tình hình sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang có xu hướng gia tăng. Tỉ lệ hút thuốc lá điện tử trên 15 tuổi tăng từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020, đặc biệt tập trung ở nhóm tuổi 15 - 24 tuổi với tỉ lệ là 7,3%. 

Ở nhóm tuổi học sinh từ 13-15 tuổi, tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 3,5%, trong đó học sinh nam là 4,3%, học sinh nữ là 2,8%.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng thừa nhận hiện các sản phẩm thuốc lá được quảng bá và thu hút giới trẻ bằng nhiều hình thức và thông qua nhiều kênh thông tin, trong đó có nhiều thông tin chưa kiểm chứng hoặc dễ gây ra những cách hiểu không chính xác về tác hại cũng như mức độ nguy hại của các dòng sản phẩm so với thuốc lá điếu.

Chưa kể, thanh thiếu niên có thể dễ dàng mua các sản phẩm thuốc lá mới không rõ nguồn gốc xuất xứ thông qua các trang mạng xã hội và Iinternet.

Tại Hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, các sản phẩm thuốc lá được quảng bá và thu hút giới trẻ bằng nhiều hình thức và thông qua nhiều kênh thông tin. 

Thậm chí, để mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm mới này tại các nước; trong đó có Việt Nam, các tập đoàn thuốc lá đa quốc gia đã đưa ra các thông tin gây hiểu nhầm cho người sử dụng qua việc quảng cáo các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ít hại hơn thuốc lá điếu thông thường, giúp cai nghiện thuốc lá điếu…

Ông Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, cho biết, sản phẩm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng có chứa nicotine, có khoảng 15.500 loại hương liệu được sử dụng, trong đó rất nhiều loại hương liệu độc hại, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, có thể gây cháy nổ và pha trộn các chất khác vào dung dịch (ma túy, cần sa). WHO đưa ra khuyến cáo, thuốc lá điện tử nguy hại hơn thuốc lá truyền thống. 

Nó có thể gây tác động sớm đối với sức khỏe, hoặc gây bệnh phổi kẽ. Nếu so với căn bệnh ung thư phổi, bệnh phổi kẽ tiến triển nhanh và tiên lượng xấu hơn. Ngoài ra, thuốc lá điện tử cũng không có công dụng cai nghiện thuốc lá điếu thông thường.

Để giảm tình trạng hút thuốc lá ở thanh thiếu niên nói chung, các đại biểu tham dự hội thảo đều chung quan điểm, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường. Trong đó, về phía gia đình cần giúp trẻ nhận thức được sự cám dỗ của việc hút thuốc lá.

Cũng liên quan đến việc phòng chống tác hại thuốc lá thế hệ mới, tại Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng, chống tác hại thuốc lá do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế tổ chức vào chiều 26/12 bà Nguyễn Thị Thu Hương, đại diện Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá cung cấp nhiều thông tin quan trọng về thực trạng sử dụng thuốc lá (thuốc lá điện tử, thuốc lá đun nóng, Shisha) tại Việt Nam gần đây cũng như tình hình thiệt hại kinh tế và tổn thất nặng nề về sức khỏe, chi phí điều trị y tế do thuốc lá gây ra.

Trong đó, đáng chú ý là thuốc lá gây ra 25 loại bệnh khó chữa như: Ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa, hô hấp liệu, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim. Mỗi năm tiêu thụ thuốc lá tốn kém ước khoảng 49.000 tỉ đồng…

Còn theo TS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, gần đây, trên thị trường xuất hiện của thuốc lá điện tử, Shisha, loại hình gây nghiện đang tác động nặng nề tới sức khỏe và tinh thần của giới trẻ với hình ảnh quảng cáo đa dạng, bắt mắt, hấp dẫn giới trẻ trên mạng xã hội. Đây là vấn đề bức thiết, đáng báo động trong cộng đồng.

Thuốc lá điện tử được xem là một dạng của thuốc lá, nên việc mua bán, kinh doanh mua bán thuốc lá điện tử phải đáp ứng các điều kiện như khi kinh doanh mua bán thuốc lá. Hiện chưa có quy định nào điều chỉnh cụ thể về thuốc lá điện tử. 

Tuy nhiên, hiện nay thuốc lá điện tử được đưa vào Việt Nam chủ yếu qua đường nhập lậu, xách tay và được bán, quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội.

Để hạn chế tác hại của thuốc lá thế hệ mới các chuyên gia đã trình bày một số nhận định sai lầm và sự thật về tác hại của sản phẩm thuốc lá mới; truyền đạt kỹ năng viết bài, tin tuyên truyền về phòng, chống tác hại thuốc lá.

Ban Tổ chức cũng đã đưa ra những kỹ năng viết bài, thông tin tuyên truyền về phòng, chống tác hại của thuốc lá cho các học viên là phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí; cán bộ các Sở Thông tin và Truyền thông; Phòng Văn hóa thông tin… Theo đó, để truyền đạt được nhiều thông tin đến với cộng đồng, người viết có thể viết các dạng bài phóng sự, bài phản ánh, bình luận. 

Bên cạnh những số liệu mới, thông tin cần cập nhật, tuyên truyền về tác hại của thuốc lá… thì người viết có thể đưa ra những câu chuyện cảm động, nhân vật truyền cảm hứng, mô hình hay đạt nhiều lan tỏa. Qua đó, thông tin dễ tiếp cận hơn đến với được đọc.

Bộ Y tế đề nghị cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới
Nhiều loại thuốc lá thế hệ mới được quảng cáo trên các mạng xã hội có đông người dùng trẻ như Facebook, Instagram, Tiktok và dễ mua, dù đây...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư