Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 03 tháng 05 năm 2024,
Liên tiếp trường hợp nhà giáo vi phạm đạo đức, hành vi không chuẩn mực, vì đâu nên nỗi?
Dương Ngân - 03/10/2023 09:43
 
Đạo đức nhà giáo có vai trò rất quan trọng, góp phần quyết định chất lượng, kết quả giáo dục và nâng cao vị thế nhà giáo trong giai đoạn hiện nay.

Tuy nhiên hiện nay nhiều vụ việc vi phạm đạo đức, chuẩn mực của người thầy diễn ra khiến dư luận bức xúc.

Vào tối 29/9, trên mạng xã hội xuất hiện clip một giáo viên có hành động túm cổ áo nữ sinh, kéo từ hành lang vào lớp học. Sự việc được xác định là xảy ra tại Trường THPT Đa Phúc, Hà Nội.

Ảnh minh hoạ.

Nguyên nhân xuất phát dẫn tới hành động trên của cô giáo trong đoạn clip chỉ vì học sinh được giao nhiệm vụ đặt bánh sinh nhật, song em này không làm theo sự thống nhất với cô giáo chủ nhiệm.

Phía nhà trường cho biết, đã điều chuyển giáo viên này và sau khi có kết luận của cơ quan công an, nhà trường sẽ xử lý trách nhiệm của cá nhân.

Sự việc trên chưa kịp lắng xuống thì mới đây, trong tối 1/10, trên mạng xã hội lại tiếp tục xuất hiện clip dài hơn 20 giây ghi lại cảnh một thầy giáo đứng trên bục giảng, chỉ tay vào mặt và mắng một học sinh nam với nhiều từ ngữ không chuẩn mực, xưng "mày - tao" với học sinh.

Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (huyện Thạch Thất) đã xác nhận vụ việc xảy ra tại trường và nhà trường đang phối hợp với Công an để xác minh vụ việc.

Cùng thời điểm, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa, một cô giáo ở Trường Tiểu học Hải Hòa đã dùng roi tre, đánh vào lưng học sinh gây bầm tím vì học trò không làm bài tập dù đã nhắc nhở nhiều lần.

Cũng về việc giáo viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, bạo hành trẻ, hẳn dư luận chưa thể quên vụ việc hai bảo mẫu Nguyễn Thị An và Nguyễn Thị Lành ở Thường Tín, Hà Nội hành hạ trẻ 17 tháng tuổi khiến trẻ tử vong.

Hay một vụ việc rúng động khác là một giáo viên Trưởng tiểu học An Đồng (An Dương, Hải Phòng) bắt học sinh uống nước giặt rẻ lau bảng.

Những vụ việc như trên, không những để lại đau đớn về cơ thể mà còn để lại những tổn thương về mặt tinh thần cho học sinh.

Theo một số chuyên gia, giáo viên có nhiều cách để kỷ luật học sinh nhưng khó có thể chấp nhận cách sử dụng hành vi đánh đập, lăng mạ các em.

Lý giải cho tình trạng này, nhiều người cho rằng, đó là vì áp lực công việc. Tuy nhiên, lý giải này không được phép đưa ra để biện minh cho sai trái đang tồn tại trong một bộ phận giáo viên.

Sở dĩ như vậy là do, bất cứ ngành nghề nào cũng vậy, đều có áp lực riêng. Nhưng với nhà giáo thì áp lực này giúp tạo động lực cho giáo viên nỗ lực phấn đấu vươn lên để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Còn đánh, hành hạ, bạo lực học sinh thể lực và tinh thần là do giáo viên không kiềm chế được cảm xúc của bản thân, thiếu kỹ năng ứng xử sư phạm nên dẫn đến hành vi đó.

Trước vẫn đề nhức nhối đang tồn tại nêu trên một số ý kiến cho rằng, chúng ta rất cần tổ chức sinh hoạt chuyên đề về bồi dưỡng đạo đức nhà giáo nhằm nâng cao năng lực ứng xử sư phạm. Nhưng tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao năng lực ứng xử sư phạm còn quan trọng hơn.

Ông Phạm Tất Dong, nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, trong tất cả công việc, lĩnh vực hoạt động, đều có những cán bộ, công nhân viên có hành vi lệch chuẩn, vi phạm đạo đức chứ không riêng gì giáo viên.

Tuy nhiên, nghề giáo với các tiêu chuẩn và giá trị đạo đức luôn được mọi người kỳ vọng nên khi xảy ra vụ việc nhà giáo vi phạm đạo đức, cả xã hội đều trăn trở.

Từ xưa đến nay, thầy cô luôn được xem là tấm gương mẫu mực về đạo đức, nhân cách cho học sinh noi theo. Người ta thường ví trẻ em như tờ giấy trắng. Nếu giáo viên có những hành động tốt đẹp thì giống như đang tô vết mực đỏ vào trang giấy trắng; và ngược lại, nếu làm những việc không tốt thì chẳng khác nào vẽ vào trang giấy đó những vết mực đen.

Muốn hạn chế, ngăn chặn thực trạng này thì phải sửa rất nhiều mặt. Nhưng theo ông Dong, trước hết, cần sửa đổi quy chế làm việc, quy định đạo đức, nội quy lên lớp. Mỗi nhà trường cần làm hết sức nghiêm túc, chặt chẽ.

Nếu giáo viên không thực hiện theo những quy chuẩn nghề nghiệp, đạo đức thì nhà trường cần lên tiếng, thậm chí đưa ra hình thức kỷ luật nếu có giáo viên nảy sinh hành vi sai lệch.

Đặc biệt, với những trường hợp nhà giáo có hành vi lệch chuẩn cực nghiêm trọng, gây tổn thương danh dự, uy tín, sức khỏe của người khác thì tôi nghĩ nên chuyển họ sang ngành nghề khác chứ đừng đơn thuần thay đổi nơi công tác. Bởi lẽ, sai kiến thức thì còn sửa được chứ nhân phẩm không có, năng lực sư phạm không có thì không thể chấp nhận được.

Và để tránh xảy ra hiện tượng lệch chuẩn đạo đức trong giáo dục, vị chuyên gia cho rằng, phương pháp phòng tránh tốt nhất chính là được một dư luận tốt lên tiếng.

Có thể thấy một điều, thời gian gần đây, những vụ việc giáo viên vi phạm đạo đức cứ xảy ra liên tiếp, giống nhau, nay xảy ra ở trường này, mai xảy ra ở cơ sở giáo dục khác. Nhưng một thực tế đáng buồn là nội bộ nhà trường không có sự thảo luận về nguyên nhân, hậu quả của vụ việc để hình thành bức tường ngăn chặn hành vi xấu đối với nhà giáo.

Do đó, vấn đề đặt ra, là phải tạo ra các cuộc thảo luận, trao đổi những vấn đề liên quan đến hành vi sai lệch chuẩn mực, đạo đức nhà giáo trong các nhà trường.

“Và để làm được thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đứng ra chỉ đạo, và các trường thực hiện sao cho nghiêm túc, mạnh mẽ. Bản thân các trường sẽ tự thảo luận, đề xuất nếu để xảy ra những hành vi vi phạm đạo đức giáo viên thì sẽ xử lý thế nào”, nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nêu quan điểm.

Một số ý kiến khác thì cho rằng, để mỗi thầy, cô giáo phải thực sự là tấm gương sáng để mọi thế hệ học trò noi theo và để làm tròn sứ mệnh cao cả “trồng người”, mỗi nhà giáo phải luôn tu dưỡng phẩm chất đạo đức nghề nghiệp để xứng đáng với sự tôn vinh và niềm tin yêu của xã hội.

Nhiều giáo viên hay quát mắng học sinh, nhưng theo tôi, đó là cách giáo dục không phù hợp. Trong giờ học, luôn có một quy ước ngầm mà cô và trò phải thực hiện nghiêm đó là thầy cô gương mẫu - học trò chăm ngoan.

Mỗi thầy cô giáo sẽ tấm gương để học sinh noi theo và thực hiện tốt quy ước đó. Việc quát mắng học sinh cho thấy, thầy cô đã thất bại trong phương pháp giáo dục.

Thầy cô cần đặt mình vài vị trí của học sinh để hiểu hơn về tâm tư, nguyện vọng của các em. Khi đó, giáo viên sẽ có những phương pháp giáo dục phù hợp mà không cần phải quát mắng nhưng vẫn đạt được mục tiêu giáo dục đề ra.

Hà Nội yêu cầu làm rõ thông tin giáo viên kéo lê học sinh
Lãnh đạo UBND TP. Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo và UBND huyện Sóc Sơn làm rõ thông tin nữ sinh quỳ khóc và cô giáo kéo lê...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư