Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 03 tháng 05 năm 2024,
Hà Nội yêu cầu làm rõ thông tin giáo viên kéo lê học sinh
Dương Ngân - 02/10/2023 07:23
 
Lãnh đạo UBND TP. Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo và UBND huyện Sóc Sơn làm rõ thông tin nữ sinh quỳ khóc và cô giáo kéo lê học sinh.

Theo đó, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với UBND huyện Sóc Sơn, các đơn vị liên quan kiểm tra, làm rõ sự việc báo nêu, xử lý nghiêm nếu có vi phạm, thông tin trả lời báo chí theo quy định và báo cáo UBND TP. Hà Nội trước ngày 3/10.

(Ảnh minh hoạ)

Trước đó, trên mạng xã hội lan truyền đoạn clip một nữ sinh lớp 12, Trường THPT Đa Phúc quỳ khóc xin cô giáo trước cửa lớp học.

Theo nội dung clip, nữ sinh bị cô giáo đuổi ra ngoài hành lang rồi quỳ, khóc. Nữ giáo viên sau đó đi ra tiếp tục mắng khiến nữ sinh hoảng loạn ôm chân cô và liên tục nói "em xin lỗi cô, cô tha cho em". Sau đó một giáo viên có hành động túm áo, kéo nữ học sinh đi một đoạn.

Liên quan đến clip cô giáo trường THPT Đa Phúc túm cổ áo, kéo lê học sinh, ngày 1/10, nhà trường đã có quyết định chuyển công tác giảng dạy môn giáo dục công dân và chủ nhiệm lớp 12D4 của nữ giáo viên này.

Đồng thời, không cử cô này làm công tác tư vấn học đường. Sau khi có kết luận của cơ quan công an thì nhà trường sẽ tiếp tục xử lý.

Theo tường trình của nữ giáo viên, em N.T.K.C (SN 2006), là Bí thư của lớp, được giao nhiệm vụ đặt bánh sinh nhật nhưng em đã lấy bánh khác với thống nhất với cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị P.

Sau khi trao đổi, cô giáo yêu cầu nữ học sinh ra đứng ở cửa lớp, để giải quyết chiếc bánh mình đặt. Sau khi lớp kê bàn ghế và bày cỗ chuẩn bị sinh nhật tháng, giáo viên chủ nhiệm đi ngoài cửa thì nữ học sinh quỳ xuống ở cửa lớp.

Cô P. bảo học sinh đứng lên nhưng học sinh không đứng lên nên nữ giáo viên này đã túm áo và kéo lê nữ sinh này. Cô P. cũng thừa nhận việc cư xử như vậy là chưa chuẩn mực, xử lý nóng vội, gây hiểu lầm.

Về phía học sinh C, theo báo cáo của nhà trường, em cũng xác nhận mắc nhiều lỗi và sự việc diễn ra như cô tường trình.

Theo báo cáo của nhà trường, bố của học sinh C. và nhà trường đều thừa nhận cả hai bên cùng có lỗi. Hiệu trưởng trường cũng nhận trách nhiệm khi để xảy ra vụ việc đáng tiếc, mong học sinh C và gia đình thông cảm về hành động túm cổ áo, kéo lê học sinh của cô P.

Liên quan đến vụ việc này, Công an huyện Sóc Sơn cũng đang vào cuộc xác minh, làm rõ.

Theo số liệu thống kê tại Hội nghị đánh giá về công tác phòng, chống bạo lực học đường tổ chức năm 2022, năm 2021 - 2022 có tổng số 386 vụ/1.161 đối tượng liên quan tới bạo lực học đường. Số học sinh có nguy cơ liên quan đến bạo lực học đường là 935 học sinh.

Đại diện Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay, thực tế con số này sẽ lớn hơn rất nhiều, do người đã từng gây ra bạo lực hoặc bị bạo lực là một trong những biểu hiện để xác định người có nguy cơ liên quan đến bạo lực thì con số nhỏ nhất cũng phải là 7.075 người, chưa tính tới những biểu hiện khác.

Điều này cho thấy, công tác tư vấn, can thiệp, hỗ trợ học sinh là rất quan trọng để tránh xảy ra bạo lực học đường nói riêng và bạo lực nói chung.

Một điều đáng buồn là trong thời gian qua, cả nước có đến 26 cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường bị xử lý kỷ luật do liên quan đến bạo lực học đường hoặc xâm hại tình dục trẻ em.

Tình trạng bạo lực học đường không chỉ diễn ra trong nhà trường, mà có thể xảy ra ở bất cứ đâu, với nhiều hình thức khác nhau, nhưng đều có điểm chung là để lại những tổn thương nghiêm trọng về cả sức khỏe, tinh thần, thậm chí là tính mạng cho nạn nhân.

Cảnh báo vấn nạn bạo lực học đường
Thờ ơ với các biểu hiện bạo lực học đường ở trẻ, có thể khiến các nhà trường và gia đình phải trả giá đắt.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư