Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 08 tháng 09 năm 2024,
Liên tiếp trường hợp tử vong do bệnh dại
D.Ngân - 08/09/2024 10:11
 
Trung tâm Y tế huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) vừa xác nhận trên địa bàn huyện vừa ghi nhận một trường hợp tử vong do bị chó dại cắn là bà N.T.N.B (44 tuổi, xã Xuân Hưng).
TIN LIÊN QUAN

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Xuân Lộc, gia đình bà B. có xin một con chó con về nuôi (không rõ địa chỉ người cho). Đến ngày 25/5, thấy con chó bị ốm, bà B. cùng chồng là ông Nguyễn Văn Tân (53 tuổi), cho con chó uống thuốc. Trong quá trình cho uống thuốc, cả hai người đều bị chó cắn nhẹ ở tay.

Bệnh dại có thể phòng ngừa được bằng vắc-xin. 

Sau khi bị cắn, cả hai cùng ra một phòng khám tư nhân trên địa bàn huyện Xuân Lộc để xử lý vết thương nhưng không tiêm vắc-xin phòng dại. 5 ngày sau khi cắn hai vợ chồng, con chó chết.

Đến trưa 29/8, bà N.T.N.B bắt đầu lên cơn sốt. Tối cùng ngày, bà có triệu chứng sợ nước, sợ gió, đau đầu, mệt mỏi và đến Trung tâm Y tế huyện Xuân Lộc khám; sau đó chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM khám và được chẩn đoán dương tính với virus dại. Đến tối 30/8, bà B. tử vong sau khi bị chó dại cắn 3 tháng.

Riêng ông Nguyễn Văn Tân, trong ngày 30/8 đã lên Trung tâm Y tế huyện Xuân Lộc và được hướng dẫn lên tuyến trên để tiêm (do Trung tâm không có huyết thanh).

Ngay sau khi ghi nhận sự việc, UBND huyện Xuân Lộc đã ban hành công văn hỏa tốc về việc khẩn trương thực hiện phòng, chống bệnh dại trên địa bàn huyện, trong đó yêu cầu các hộ gia đình trong khu vực ổ dịch chó dại tại xã Xuân Hưng thực hiện nuôi nhốt và theo dõi đàn chó, mèo, báo cáo kịp thời về UBND xã nếu chó, mèo có biểu hiện của bệnh dại.

Đồng thời rà soát số hộ nuôi, số lượng chó mèo nuôi đã được tiêm phòng trong năm 2024; tổ chức tiêm vắc-xin cho đàn chó, mèo trên địa bàn toàn xã chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh dại năm 2024.

Trước đó, ngày 4/7, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đồng Nai cho biết, vừa ghi nhận 1 ca tử vong tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai do bệnh dại. Bệnh nhân là bà N.T.S., 69 tuổi, ngụ ấp Phú Quý 2, xã La Ngà, huyện Định Quán.

Theo đại diện Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nguy cơ lây nhiễm bệnh dại từ động vật sang người vẫn tiếp tục do tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng dại trên tổng đàn chó, mèo còn thấp; công tác quản lý đàn chó, mèo còn hạn chế; nhận thức của người dân còn hạn chế.

Bệnh dại là căn bệnh vô cùng nguy hiểm khi phát bệnh, người đã bị bệnh dại gần như tử vong 100%; biện pháp duy nhất để cứu người khi bị chó mèo dại cắn là tiêm vắc-xin dại càng sớm càng tốt.

Bệnh dại hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nhiên hoàn toàn có thể phòng tránh được. Để chủ động phòng chống bệnh dại, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau: Người dân nuôi chó, mèo cần tiêm vắc-xin phòng dại đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm.

Không đùa nghịch, chọc phá chó, mèo. Khi bị chó, mèo cắn cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút; nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Sau đó, vết thương cần được rửa sạch với cồn 70% hoặc cồn iod; hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương.

Kịp thời đến cơ sở y tế để khám, tư vấn và tiêm vắc-xin phòng dại, huyết thanh kháng dại; tuyệt đối không tự chữa trị hoặc nhờ thầy lang chữa trị.

Truyền thông, hướng dẫn cho trẻ em cách phòng tránh chó, mèo cắn và thông báo ngay cho cha, mẹ hoặc người thân sau khi bị chó, mèo

Bệnh dại có thể phòng ngừa được bằng vắc-xin. Vắc-xin phòng dại không gây hại cho người tiêm. Vắc-xin phòng dại được sản xuất từ vi-rút dại đã bất hoạt do đó không có khả năng gây bệnh, không ảnh hưởng đến trí nhớ và các vấn đề thần kinh khác.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân đừng ngần ngại, hay do dự tiêm vắc-xin phòng dại khi bị chó hoặc động vật cắn. Hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, xử trí kịp thời.

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Hải, Hệ thống tiêm chủng Safpo/Potec cho hay, người dân nếu có điều kiện có thể tiến hành tiêm vắc-xin dự phòng trước phơi nhiễm dại.

Theo đó, nếu tiêm dự phòng, chỉ cần tiêm 3 mũi, hoàn toàn linh động về mặt thời gian. Khi chẳng may bị chó, mèo cắn, lịch tiêm sẽ đơn giản hơn, chỉ cần tiêm 2 mũi vắc-xin mà không cần phải tiêm huyết thanh kháng dại kể cả khi vết thương nặng, vị trí cắn gần với thần kinh trung ương hoặc nơi tập trung nhiều dây thần kinh. 

Trong khi đó, nếu không tiêm phòng dại trước khi bị chó, mèo cắn thì cần phải tiêm 5 mũi với thời gian khắt khe trong một tháng, đặc biệt là trường hợp bị vết thương nặng, vị trí trọng yếu thì cần phải tiêm huyết thanh, ảnh hưởng nhiều đến tâm lý và lịch sinh hoạt cũng như là phải chịu đựng đau đớn hơn và nhiều tác dụng phụ hơn.

Đặc biệt, ở vùng sâu, vùng xa, không phải lúc nào huyết thanh kháng dại và vắc-xin cũng luôn sẵn sàng, có những thời điểm khan hiếm khiến do người dân bị động vật cắn rất hoang mang, lo sợ.

Đối với trẻ em, việc tiêm ngừa dại trước phơi nhiễm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì trẻ em thường không để ý đến những vết thương do động vật gây ra trong quá trình đùa với thú cưng bị xây sát và có thể trẻ quên mất việc cần thông báo cho bố mẹ biết (trừ trường hợp nặng).

Hơn nữa, trẻ em có cơ thể thấp nên khi bị chó cắn thường sẽ bị ở đầu, mặt, cổ nhiều hơn là người lớn, đó cũng là nguyên nhân khiến virus dại di chuyển nhanh hơn lên hệ thần kinh trung ương và gây bệnh nhanh.

Ngoài ra, trước lo ngại vắc-xin phòng bệnh dại có tác dụng phụ, ảnh hưởng hệ thần kinh, gây mất trí nhớ, bác sỹ Hải cho biết vắc-xin thế hệ cũ tồn tại vấn đề này.

Tuy nhiên, hiện nay vắc-xin phòng dại đã được sản xuất bởi công nghệ hiện đại, không chứa các tế bào thần kinh nên không gây hại và không ảnh hưởng đến sức khỏe hay trí nhớ của người dùng.

Vắc-xin dại thế hệ mới dùng kỹ thuật ly tâm phân đoạn, đảm bảo tạp chất ở mức thấp và tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) (thấp hơn 10 nanogram mỗi liều).

Một số loại vắc-xin không sử dụng chất bảo quản thimerosal (thủy ngân), do đó vắc-xin dại thế hệ mới cũng giảm tối đa các tác dụng phụ tại chỗ như sưng, đau, sốt… so với vắc-xin thế hệ cũ đã ngừng sử dụng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư