Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
“Liều thuốc bổ” từ chuyển đổi số chuỗi cung ứng
Tú Ân - 05/06/2022 13:17
 
Chuyển đổi số chuỗi cung ứng được xem như “liều thuốc bổ” giúp doanh nghiệp phục hồi “sức khỏe” sau đại dịch và tăng năng lực cạnh trong bối cảnh mới, song quá trình này cũng có nhiều rào cản.
Chuyển đổi chuỗi cung ứng sẽ giúp các doanh nghiệp duy trì tính cạnh tranh trong một môi trường không ngừng thay đổi

Thiệt hại lớn vì đứt gãy chuỗi cung ứng

Trong giai đoạn Covid-19 bùng phát (2020 - 2021), chuỗi sản xuất, cung ứng trên thị trường bị đứt gãy khiến việc tiêu thụ sản phẩm của nông dân và hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp vô cùng khó khăn.

Thời điểm hiện tại, chính sách “zero Covid” của Trung Quốc cũng đang ảnh hưởng nặng nề tới các doanh nghiệp Việt Nam. Đơn cử, Tổng công ty May Đáp Cầu đã nhận đơn hàng đến tháng 9/2022, nhưng phải hoãn giao hàng nhiều đơn vì thiếu nguyên phụ liệu.

Tương tự, Công ty TNHH Việt Thắng Jean cần 3 container nguyên phụ liệu mỗi tuần để sản xuất nhưng nguyên liệu không về kịp do tắc nghẽn tại một số cảng ở Trung Quốc. “Nếu tình trạng này kéo dài, Việt Thắng Jean sẽ thiệt hại lớn”, ông Phan Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Việt Thắng Jean chia sẻ.

Theo ông Đào Trọng Khoa, Phó chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam, giãn cách xã hội khiến chuỗi cung ứng ảnh hưởng nặng nề, giá cước vận tải tăng 3 - 5 lần, thời gian vận chuyển hàng hóa tăng gấp đôi… Ông Khoa khuyến nghị, doanh nghiệp logistics cần thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng blockchain, trí tuệ nhân tạo nhằm hình thành nền tảng số tích hợp công nghệ hiện có về logistics để kéo giảm chi phí.

Đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng là một trong những chủ đề sẽ được thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam được tổ chức ngày 5/6 tới đây.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, thành tố quan trọng để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ là phải độc lập, tự chủ về công nghệ. Dịch Covid-19 bùng phát trong 2 năm qua đã cho thấy, khoa học, công nghệ và chuyển đổi số có vai trò rất quan trọng và đóng góp cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

“Hầu hết các quốc gia, doanh nghiệp trên thế giới đều chuyển hướng sang đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Để tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế và doanh nghiệp, thì việc ổn định chuỗi cung ứng phải được duy trì”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Nhận diện rào cản trong chuyển đổi số chuỗi cung ứng

Ngành logistics đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong chuỗi cung ứng của nền kinh tế. Đây sẽ là ngành phải chuyển đổi số sớm nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất, để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam (VLI), chỉ có 38,24% doanh nghiệp logistics cho rằng, Covid-19 đã hình thành nhu cầu chuyển đổi số; có tới 42,11% doanh nghiệp chia sẻ nguyên nhân chậm chuyển đổi số là do kinh phí hạn hẹp, nhân lực hạn chế, hoặc chưa tìm được công nghệ chuyển đổi phù hợp. Trong khi đó, 28,95% doanh nghiệp băn khoăn không biết nên dành kinh phí đầu tư chuyển đổi số như thế nào cho phù hợp và không biết nên khởi đầu quá trình chuyển đổi số như thế nào…

Bà Cao Cẩm Linh, Giám đốc chiến lược Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel nhận định, Covid-19 đã khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy và đảo lộn, các hoạt động logistics vốn được coi là “xương sống” của chuỗi cung ứng cũng bị ảnh hưởng mạnh mẽ. Thực tế đó đặt ra yêu cầu cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics để vừa khắc phục được những vấn đề nảy sinh trong đợt dịch bệnh vừa qua, vừa có thể tận dụng được lợi thế của cách mạng số.

“Doanh nghiệp chuyển đổi số sẽ đạt nhiều lợi ích như cắt giảm chi phí, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn, trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn, qua đó, hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của doanh nghiệp được nâng cao”, bà Cẩm Linh nói.

Còn theo ông James Christopher, Chủ tịch TM Insight khu vực châu Á, chuyển đổi chuỗi cung ứng sẽ giúp các doanh nghiệp duy trì tính cạnh tranh trong một môi trường không ngừng thay đổi. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều thách thức khi bắt đầu chuyển đổi số chuỗi cung ứng, như thiếu kiến thức chuyên môn về các giải pháp số hóa hiện có, chưa nắm rõ quy trình nào cần số hóa và không lựa chọn được đối tác phù hợp để triển khai. Bên cạnh đó, chi phí chuyển đổi số tương đối cao cũng là một thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Với những kinh nghiệm trong quá trình tư vấn chuyển đổi số, chuyên gia Đào Trung Thành chia sẻ, trong bối cảnh mới, các doanh nghiệp cần phải đánh giá lại chuỗi cung ứng của họ và có cách tiếp cập mới mẻ hơn để có cơ hội nâng tầm hiệu quả hoạt động, tận dụng các mô hình kinh doanh số và chuyển đổi thành chuỗi cung ứng số.

“Số hóa chuỗi cung ứng là cần thiết, nhưng việc xây dựng hay mua hệ thống phần mềm quản lý chuỗi cung ứng khá phức tạp, rủi ro. Nhiều công ty không chọn được hệ thống quản lý chuỗi cung ứng phù hợp với nhu cầu kinh doanh của họ. Thông thường, nhà cung cấp sẽ giới thiệu cho doanh nghiệp hệ thống quản lý chuỗi cung ứng sẵn có, bất kể nó có phù hợp với doanh nghiệp đó không. Vì vậy, cần có sự tư vấn độc lập để lựa chọn, xây dựng lộ trình số hóa chuỗi cung ứng 4.0 phù hợp đặc điểm của từng doanh nghiệp”, ông Thành khuyến nghị.

Theo Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 5 - 6%; tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15 - 20%; tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50 - 60%; chi phí logistics giảm xuống tương đương 16 - 20% GDP, xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 50 trở lên...
Chuỗi cung ứng từ Việt Nam tới Mỹ dần phục hồi
Chuỗi cung ứng hàng hóa trong các lĩnh vực như điện tử, máy tính, hàng dệt may, giày dép... từ Việt Nam tới Mỹ tiếp tục được cải thiện sau...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư