Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 15 tháng 09 năm 2024,
Lộ diện cổ đông lớn ở các ngân hàng
Thùy Vinh - 13/08/2024 09:22
 
Nhiều ngân hàng đã công bố danh sách cổ đông nắm giữ từ 1% cổ phần vốn điều lệ trở lên, theo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.

Cổ đông lớn của nhà băng được hé lộ

Theo danh sách được cập nhật vào ngày 30/7, cá nhân nắm giữ vốn nhiều nhất tại ACB là ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT, sở hữu hơn 153 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 3,427%. Người có liên quan đến ông Huy sở hữu 367 triệu cổ phiếu, tương đương 8,218%. Cá nhân thứ hai là bà Đặng Thu Thủy, thành viên HĐQT ACB là mẹ ông Huy, đang nắm 53,3 triệu cổ phiếu ACB, tỷ lệ 1,194%. Tỷ lệ sở hữu của người có liên quan đến bà Thủy là 10,457%.

Ngoài ra, ba tổ chức nước ngoài là Smallcap World Fund, Inc., Boardwalk South Limited và VOF PE Holding 5 Limited nắm giữ lần lượt hơn 112 triệu cổ phiếu, 82,3 triệu cổ phiếu và 76,6 triệu cổ phiếu ACB, với tổng tỷ lệ sở hữu hơn 6% vốn điều lệ tại ACB.

Trong khi đó, Eximbank vừa cập nhật danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên tại ngày 6/8. Trong đó, CTCP Tập đoàn Gelex nắm 85,5 triệu cổ phiếu, tương đương 4,9% vốn; CTCP Chứng khoán VIX sở hữu 62,3 triệu cổ phiếu, tương đương 3,58% vốn; bà Lương Thị Cẩm Tú, Phó chủ tịch HĐQT Eximbank nắm 19,5 triệu cổ phiếu, tương đương 1,12% vốn cổ; bà Lê Thị Mai Loan, cựu thành viên HĐQT sở hữu 17,9 triệu cổ phiếu, tương đương 1,03% vốn.

Đồng thời, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, ông Nguyễn Hồ Nam được bổ nhiệm vị trí Phó Chủ tịch HĐQT Eximbank. Ngay sau khi được bổ nhiệm tại Eximbank, ông Nam đã xin từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Bamboo Capital và làm Chủ tịch Hội đồng chiến lược Ngân hàng.

Việc ông Nguyễn Hồ Nam làm Phó Chủ tịch HĐQT Eximbank với tỷ lệ gần như tuyệt đối (99%) tại đại hội, thể hiện được sự tín nhiệm tuyệt đối của các cổ đông lớn, phát tín hiệu thời kỳ hoà hợp của các cổ đông Eximbank, tạo tiền đề để ngân hàng trở lại đường đua xanh.

MSB công bố danh sách 8 cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên. Những cổ đông này sở hữu tổng cộng 32,17% vốn điều lệ của Ngân hàng. Trong đó, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông đang là cổ đông lớn nhất, sở hữu gần 121 triệu cổ phiếu MSB, tương đương 6,05% vốn...

VPBank có 17 cổ đông sở hữu trên 1%, nắm gần 5,1 tỷ cổ phiếu, tương đương 64,2% vốn điều lệ ngân hàng này.

Trong đó, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT sở hữu 328,5 triệu cổ phiếu, tương đương 4,14% vốn. Ngoài ra, những người có liên quan với ông Dũng nắm giữ 2,34 tỷ cổ phiếu, chiếm 29,5% vốn điều lệ, nâng tỷ lệ sở hữu của tổng nhóm có liên quan đến ông Dũng lên 33,64% vốn.

Tại BVBank, có 9 cổ đông cá nhân sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên tính đến ngày 30/7. Trong đó, người sở hữu cổ phần nhiều nhất là bà Nguyễn Thanh Phượng, Phó chủ tịch BVBank, với 22,87 triệu cổ phiếu, tỷ lệ gần 4,56%. Tiếp theo đó, ông Ngô Quang Trung, thành viên HĐQT, kiêm Tổng giám đốc BVBank nắm giữ 15,68 triệu cổ phiếu, tỷ lệ hơn 3,12%; ông Lê Anh Tài, Chủ tịch HĐQT sở hữu 2,86%; ông Nguyễn Nhất Nam, thành viên HĐQT sở hữu gần 1% và người có liên quan nắm hơn 1%...

Tại HDBank, CTCP Sovico, Baillie Gifford Pacific Fund và Pyn Elite Fund (Non-Ucits) là cổ đông sở hữu trên 1% vốn cổ phần. Tính đến ngày 28/6, Baillie Gifford Pacific Fund nắm giữ 64,2 triệu cổ phiếu HDB, tương ứng 2,19% vốn điều lệ; CTCP Sovico (Sovico Holdings) sở hữu 417,7 triệu cổ phiếu, tương đương 14,27% vốn và là cổ đông duy nhất nắm trên 5% cổ phần của nhà băng này.

Còn bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch HĐQT sở hữu 109 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 3,72%; ông Nguyễn Hữu Đặng, Phó chủ tịch HĐQT sở hữu 80,4 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 2,75%; ông Đào Duy Tường, Trưởng ban Ban Kiểm soát sở hữu 79,8 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 2,73%; ông Phạm Văn Đẩu, Giám đốc Tài chính sở hữu 126,3 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 4,31%...

Ngân hàng quốc doanh cũng phải công bố

Trong số những ngân hàng đã công bố những cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên theo quy định, có nhóm ngân hàng thương mại nhà nước. Tính đến nay, đã có 2 “ông lớn” trong nhóm này là Vietcombank và VietinBank công bố.

Cụ thể, tại Vietcombank, tính đến ngày 20/7, chỉ có một tổ chức là Quỹ đầu tư Chính phủ Singapore (GIC) với hơn 93,3 triệu cổ phiếu, tương đương 1,67% vốn điều lệ. Danh sách này không công bố tỷ lệ sở hữu của Nhà nước.

Trong khi đó, VietinBank công bố có 3 cổ đông tổ chức sở hữu từ 1% vốn điều lệ, gồm MUFG Bank, Công đoàn VietinBank, Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam. Tổng cổ phần các cổ đông này nắm giữ hơn 1.178 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 21,95% vốn điều lệ của ngân hàng này. Trong đó, Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam nắm 57,6 triệu cổ phiếu CTG, tương ứng 1,07% vốn điều lệ; Công đoàn VietinBank nắm giữ hơn 61,6 triệu cổ phiếu CTG, tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ là 1,15% và MUFG Bank đang là tổ chức nắm giữ nhiều cổ phiếu CTG nhất, với hơn 1 tỷ cổ phiếu, tương đương 19,73%.

Theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), từ ngày 1/7/2024 - thời điểm Luật có hiệu lực, cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng phải cung cấp cho tổ chức tín dụng các thông tin của cá nhân và người liên quan. Đáng chú ý, Luật giảm trần tỷ lệ sở hữu ngân hàng nhằm giảm tình trạng sở hữu chéo.

Cụ thể, giới hạn trần sở hữu tại một ngân hàng đối với cá nhân không đổi ở mức 5%, song một tổ chức không được sở hữu quá 10% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng, bao gồm cả sở hữu gián tiếp, thay vì 15% như trước. Cổ đông và người có liên quan cũng không sở hữu quá 15% vốn, thay vì 20% như trước. Cổ đông lớn của một tổ chức tín dụng và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần từ 5% vốn điều lệ trở lên của một tổ chức tín dụng khác.

Cuộc “thay máu” lãnh đạo và cơ hội tái định vị vị thế của Eximbank
Theo danh sách cổ đông sở hữu từ 1% tại Eximbank mới cập nhật, có thể thấy bóng dáng cổ đông lớn ở ngân hàng này là những doanh nghiệp lớn,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư