Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Lộ diện "đại gia" ngoại chi 650 triệu USD mua 6% cổ phần Vinhomes
Kỳ Thành - 17/06/2020 08:02
 
Việc mua vào cổ phần VHM của hai quỹ đầu tư rất thành công tại thị trường Việt Nam đã đẩy kỳ vọng của nhà đầu tư, giúp cổ phiếu VHM tăng trần phiên 16/6.

Theo thông cáo vừa được Vingroup phát ra ngày 16/6, một nhóm nhà đầu tư do quỹ đầu tư Kohlberg Kravis Roberts (KKR, Hoa Kỳ) đứng đầu, trong đó có quỹ đầu tư Temasek (Singapore) đã hoàn tất giao dịch mua lại hơn 200 triệu cổ phần VHM của CTCP Vinhomes thông qua giao dịch thỏa thuận, với giá trị giao dịch lên tới 15.100 tỷ đồng, tương đương 650 triệu USD. Giao dịch được thực hiện qua Quỹ Asian Fund III.

Với tỷ lệ nắm giữ sau giao dịch là 6% cổ phần, nhóm nhà đầu tư ngoại này đã trở thành cổ đông lớn (nắm trên 5% vốn) của Vinhomes.

Mặc dù vậy, sau giao dịch này, Tập đoàn Vingroup vẫn nắm quyền chi phối tại Vinhomes với tỷ lệ nắm giữ gần 71% cổ phần. Bên cạnh Temasek, một quỹ đầu tư khác của Singapore là GIC cũng đang nắm giữ 5,85% vốn tại Vinhomes. 

Ở chiều ngược lại, danh tính nhà đầu tư nội bán ra lô cổ phiếu hàng chục nghìn tỷ nói trên vẫn chưa được tiết lộ.

Vinhomes hiện là nhà phát triển bất động sản có quy mô lớn nhất thị trường
Vinhomes hiện là nhà phát triển bất động sản có quy mô lớn nhất thị trường

Vinhomes hiện là nhà phát triển bất động sản có quy mô tài sản lớn nhất trên thị trường. Năm 2019, công ty này ghi nhận 51.626 tỷ đồng doanh thu hợp nhất và 24.319 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Tổng tài sản tại thời điểm 31/12/2019 của Vinhomes ghi nhận giá trị 197.241 tỷ đồng.

Trong khi đó, KKR và Temasek đều là những quỹ đầu tư hàng đầu trên thế giới và đã hiện diện tại Việt Nam thông qua những khoản đầu tư hàng trăm triệu USD.

Temasek là quỹ đầu tư trực thuộc Chính phủ Singapore, quản lý danh mục trị giá 231 tỷ USD tính đến ngày 31/3/2019. Tại Việt Nam, Temasek đã từng đầu tư vào Hoàng Anh Gia Lai (thông qua trái phiếu chuyển đổi), VNG (100 triệu USD)...

Đối với KKR, đây là cổ đông lớn của Masan Consumer từ năm 2011 với giá trị đầu tư ban đầu 159 triệu USD. Năm 2013, KKR tiếp tục rót thêm 200 triệu USD nâng tỷ lệ sở hữu lên 18,04%.

KKR từng rất thành công đối với khoản đầu tư tại Masan Group (mã MSN, sàn HoSE) giai đoạn 2017-2018. Cụ thể, tháng 4/2017, KKR đã thông báo rót 150 triệu USD để mua 7,5% cổ phần của Masan Nutri-Science, công ty phụ trách mảng thức ăn chăn nuôi của Masan Group. Đồng thời, KKR còn chi 100 triệu USD để mua lại khoảng 4,7% cổ phần của Masan Group từ Quỹ PENM Partners.

Tháng 10/2018, KKR thoái khoản đầu tư tại Masan Group, thu về 209 triệu USD, lãi gấp đôi chỉ sau hơn 1 năm đầu tư. Theo dữ liệu giao dịch, mức giá giao dịch thỏa thuận mà KKR mua vào hồi tháng 4/2017 là 42.000 đồng/cổ phần, còn giá bán ra là 89.200 đồng.

Trong phiên giao dịch hôm qua (15/6), trước khi kết thúc phiên ATC, mã cổ phiếu VHM đã xuất hiện một loạt giao dịch thỏa thuận lớn của nhà đầu tư trong nước bán cho nước ngoài. Hơn 200 triệu cổ phiếu VHM được thỏa thuận sang tay với giá tham chiếu 75.000 đồng/cổ phiếu.

Đây là nguyên nhân chính đẩy thanh khoản trên sàn HOSE phiên hôm qua lên cao kỷ lục, gần 1 tỷ USD.

Tuy nhiên, cũng trong hôm qua, cổ phiếu VHM chốt phiên hôm qua giảm 6,7%, xuống mức 70.000 đồng. Trong phiên giao dịch hôm nay (16/6), cổ phiếu này đã đóng cửa với mức 74.900 đồng/cổ phiếu, tăng trần 7%.

Vingroup nhìn nhận Covid-19 là cơ hội để thực hiện triệt để nguyên tắc “5 Hóa”
Vingroup sẽ thực hiện chính sách "thắt lưng buộc bụng" trong năm 2020 để đạt mục tiêu doanh thu thuần 145.000 tỷ đồng. Song dịch bệnh Covid-19...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư