Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Lo đơn hàng dệt may “chảy” sang Lào, Myanmar
Thế Hoàng - 07/05/2016 09:10
 
Theo phản ánh của ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) tại Hội nghị “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế” diễn ra tại TP.HCM mới đây, đã xuất hiện tình trạng đơn hàng dệt may dịch chuyển từ Việt Nam sang Myanmar, Lào, vì đặt hàng tại các nước này, khách hàng có ưu đãi về thuế xuất khẩu vào Mỹ và châu Âu”, trong khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) chưa có hiệu lực.

Trước tình hình trên, ông Vũ Đức Giang cho rằng, cần thay đổi chính sách về lương tối thiểu, bởi đây là áp lực rất nặng nề đối với ngành dệt may.

“Kể từ ngày 1/5, Trung Quốc thực hiện điều chỉnh bảo hiểm xã hội từ 22% xuống 19%. Chúng ta cũng cần có giải pháp điều chỉnh việc này, nếu không sẽ khó cạnh tranh được với các nước trong khu vực”, ông Giang nói.

.
Tỷ lệ đơn đặt hàng cho quý II và quý III/2016 của ngành dệt may thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái tới 5 - 7%,

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong quý I/2016, xuất khẩu nhóm hàng dệt may của Việt Nam đạt 5,13 tỷ USD, chỉ tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2015. Kết quả 4 tháng ước đạt hơn 7 tỷ USD, tăng chưa tới 7%. Trong khi đó, nhập khẩu nguyên phụ liệu cũng có dấu hiệu giảm sút.

Ông Hoàng Trọng Khang, Phó phòng Xuất nhập khẩu Công ty cổ phần Việt An (Hà Nam) chuyên xuất khẩu hàng dệt may đi Mỹ, châu Âu và Hàn Quốc cho hay, nhập khẩu giảm có nguyên nhân từ việc một số thị trường xuất khẩu chủ lực giảm nhu cầu, điển hình là Hàn Quốc.

Thực tế, hiện tại, tỷ lệ đơn đặt hàng cho quý II và quý III/2016 thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái tới 5 - 7%, trong khi giá thực hiện gia công không tăng.

Rõ ràng, điều khiến doanh nghiệp lo ngại là khả năng đơn hàng từ các khách hàng truyền thống có xu hướng dịch chuyển sang các nước trong khu vực trong quý II, quý III năm nay. Việc này sẽ ảnh hưởng tức thì đến kết quả xuất khẩu của doanh nghiệp dệt may và làm chậm lại tốc độ xuất khẩu cả ngành.

Bởi vậy, với nỗ lực tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu về cho các doanh nghiệp, nâng công việc này lên tầm chuyên nghiệp hơn, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã thành lập 2 đơn vị là Công ty TNHH một thành viên Vinatex Quốc tế (VTJ) và Trung tâm Phát triển chuỗi cung ứng (SCDC).

“Nhiệm vụ của 2 đơn vị này là liên kết và hỗ trợ các đơn vị thành viên của Tập đoàn trong việc khai thác, mở rộng, tìm kiếm khách hàng, hình thành, phát triển hệ thống liên kết, tạo thành chuỗi kinh doanh cung ứng từ nguyên liệu đến thành phẩm”, ông Trần Quang Nghị, Chủ tịch HĐQT Vinatex cho biết.

Dù thành lập chưa đầy năm, đến nay, SCDC đã có được 8 khách hàng thường xuyên về hàng may mặc và đang phát triển 20 khách hàng tại các thị trường Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc và Nhật Bản. Riêng với mặt hàng bông, xơ, sợi, đã có 10 khách hàng thường xuyên, đồng thời đang phát triển 30 khách hàng tại các thị trường Chi Lê, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia và Hàn Quốc.

Trong khi đó, VTJ cũng có được kết quả kinh doanh đầy triển vọng, khi 100% doanh thu của Công ty mang về trong gần 1 năm qua từ làm hàng FOB. “VTJ đang có 10 khách hàng lớn và trong giai đoạn này, Công ty đang tập trung vào khách hàng Mỹ với đơn hàng lớn, chất lượng vừa phải như JC Penny, Walmart, GAP, OneJeans, Perry Ellis và đơn hàng cho các khách hàng Nhật Bản như Nomura, Toyobo.

Để đạt lợi ích, doanh nghiệp dệt may phải hành động
Với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư