Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Lo gia tăng điều kiện kinh doanh vận tải
Thế Hoàng - 27/01/2018 08:12
 
Nhiều doanh nghiệp vận tải đang đề nghị bỏ những quy định bất cập tại Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Nhiều quy định bất hợp lý

Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô vừa được Bộ Giao thông - Vận tải công bố đã vấp phải sự “phản pháo” của các doanh nghiệp do lo ngại sẽ gia tăng khó khăn cho hoạt động kinh doanh.

Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan cho rằng, sau hơn 3 năm thực hiện, Nghị định số 86/2014/NĐ-CP đã bộc lộ những bất cập, quá trình thực hiện nảy sinh nhiều vấn đề giữa các đối tượng thi hành liên quan, vì vậy, việc xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế là hết sức cần thiết.

Quy định mới cần phải tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp kinh doanh bến xe.
Quy định mới cần phải tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp kinh doanh bến xe.

Theo bà Lan, Dự thảo Nghị định đã thể hiện được một số đổi mới về tư duy, cải thiện cách thức quản lý nhà nước về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, xóa bỏ một số quy định trói buộc doanh nghiệp không còn phù hợp trong Nghị định 86/2014/NĐ-CP.

Cụ thể, Dự thảo Nghị định đã đưa ra quy định cụ thể về quy mô số lượng xe tối thiểu, thống nhất niên hạn 12 năm cho xe taxi, sửa quy định về người điều hành vận tải…

Tuy nhiên, vẫn còn một số quy định hành chính vô lý được duy trì như lái xe phải mang theo danh sách hành khách có xác nhận của đơn vị kinh doanh; trước khi thực hiện vận chuyển phải thông báo tới Sở Giao thông - Vận tải, nơi cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô các thông tin của chuyến đi…

Mặc dù có bổ sung thêm một số quy định đối với các đối tượng kinh doanh, như cho phép áp dụng chính thức hợp đồng điện tử, nhưng ngay tại các quy định mới hoặc sửa đổi của Dự thảo Nghị định cũng đã xuất hiện nhiều quy định cấm đoán hoặc hạn chế quyền kinh doanh của một số loại hình doanh nghiệp (như kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, cung cấp ứng dụng kết nối hợp đồng vận tải điện tử, hộ kinh doanh vận tải), trong khi lại bảo hộ cho một số loại hình khác (như doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải).

Đồng quan điểm, ông Trần Đức Nghĩa, Phó trưởng ban Hải quan và Thuận lợi hóa thương mại, ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cũng cho rằng, nhiều quy định mới tại Dự thảo Nghị định chưa thật sự phù hợp.

Lấy dẫn chứng cho sự bất hợp lý này, ông Nghĩa nêu, “quy định đơn vị kinh doanh vận tải và lái xe phải cấp và sử dụng giấy vận tải khi vận chuyển hàng hóa (khoản 7 và 8, Điều 9 của Dự thảo Nghị định) là không cần thiết, vì tất cả hàng hóa lưu thông đều phải có giấy tờ để chứng minh tính hợp pháp, đây là trách nhiệm giữa người thuê vận chuyển và người vận chuyển”.

Mặt khác, trong thực tiễn hoạt động vận tải hàng hóa, xe và lái xe có thể không về trụ sở hoặc nơi đỗ xe tập trung của doanh nghiệp trong thời gian xe đang khai thác dài ngày, tùy thuộc vào yêu cầu của khách hàng, càng cho thấy quy định cấp giấy vận tải cho từng chuyến hàng là không khả thi.

Ông Nghĩa khẳng định, quy định trên sẽ làm tăng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp và không có ý nghĩa thực tiễn, bởi doanh nghiệp thường đối phó bằng việc ký khống nhiều giấy vận tải cho lái xe sử dụng, vì vậy, nên bãi bỏ.

Cần tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp

Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), quy định về lĩnh vực vận tải của các nước trên thế giới trong những năm gần đây luôn đặt lợi ích của người tiêu dùng lên hàng đầu và không hạn chế sự sáng tạo, cạnh tranh của người kinh doanh.

Trong khi đó, những quy định mới tại Dự thảo Nghị định này chưa làm nổi bật tư tưởng kiến tạo, chưa xoá bỏ rào cản cho doanh nghiệp, mà ngược lại, đang thể hiện việc siết chặt quy định với nhiều điều kiện vô lý.

Ông Hiếu cũng cho biết thêm, nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay coi vận tải là lĩnh vực quan trọng, thiết yếu của đời sống và nhu cầu đi lại ngày càng tăng của con người là mục tiêu phải ưu tiên. Vì vậy, việc xây dựng luật trong lĩnh vực giao thông - vận tải đang chuyển dần từ mục đích an toàn sang mục tiêu thương mại và kinh tế.

“Dự thảo Nghị định mới chỉ quan tâm đến lĩnh vực quản lý nhà nước về vận tải, chưa thực sự quan tâm người tiêu dùng sẽ chịu tác động như thế nào cũng như định hướng sự phát triển trong tương lai của vận tải, đơn cử, chưa đề cập đến đến điều kiện kinh doanh đối với Grab, Uber…”, ông Hiếu phân tích.

Còn theo ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc Bến xe Nước ngầm (Hà Nội), những quy định mới cần phải tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp kinh doanh bến xe theo hướng thống nhất mô hình đầu tư, quản lý bến xe, bổ sung quy định về sắp xếp phương tiện vận tải cùng bến, trùng tuyến vận tải khách về cùng một bến xe tại các thành phố lớn.

Phó Chánh thanh tra Giao thông bảo kê cho doanh nghiệp vận tải
Tại buổi họp báo cung cấp thông tin diễn biến mới của vụ một số cán bộ Thanh tra giao thông - trực thuộc Sở GTVT TP. Cần Thơ bảo kê cho doanh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư